Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Một trong những vấn đề gai góc trong những ngày qua là tìm được tiếng nói chung của các bên có liên quan, nhất là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tại “chiến trường sinh tử” Idlib, thành trì cuối cùng của các phần tử khủng bố và lực lượng nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, khi quân đội nước này chuẩn bị mở cuộc tấn công quy mô lớn.
Cuộc họp ba bên gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/9 tại Tehran để bàn thảo vấn đề Idlib vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Trong khi Nga và Iran cho rằng cần phải hỗ trợ để quân đội Syria mở cuộc tấn công tổng lực vào Idlib nhằm quét sạch các phần tử khủng bố và lực lượng nổi dậy tại đây, tiến tới kết thúc cuộc chiến đẫm máu tại quốc gia Trung Đông này suốt 7 năm qua.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước phương Tây lại cho rằng, việc tấn công vào Idlib, nơi có gần 3 triệu dân sinh sống, sẽ gây ra thảm họa nhân đạo vì hàng triệu người dân sẽ trở thành lá chắn cho bọn khủng bố, cũng như tạo ra dòng người di cư tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ lẫn châu Âu.
Vì thế, không những Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng binh lực hướng về Idlib để trợ giúp lực lượng nổi dậy ngăn chặn cuộc tấn công quân sự, mà Mỹ và các đồng minh còn ồ ạt đưa tàu chiến, tàu ngầm về gần vùng biển Syria để sẵn sàng thực hiện cái gọi là “đáp trả” chính quyền Tổng thống Assad sử dụng “vũ khí hóa học” ở Idlib?!
Đối với Nga, trong khi kiên quyết hỗ trợ để chính quyền của Tổng thống Assad quét sạch các phần tử khủng bố và lực lượng chống chính quyền, vẫn hướng tới một gải pháp hòa bình cho “chảo lửa Idlib” để không gây tổn hại đến dân thường.
Vì thế, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi (Nga) ngày 17/9 được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.
Truyền thông Nga cho biết, sau cuộc gặp kéo dài 5 giờ đồng hồ, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nhất trí sẽ thiết lập một khu phi quân sự giữa quân đội Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy xung quanh tỉnh Idlib. Khu phi quân sự này rộng khoảng 15-20 km và sẽ được thiết lập trước ngày 15/10.
Theo đó, lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuần tra chung trên khu phi quân sự này. Các nhóm nổi dậy cực đoan đều sẽ phải rút khỏi khu phi quân sự, trong đó bao gồm nhóm Mặt trận Al-Nusra.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, Tổng thống Putin còn cho biết các loại vũ khí hạng nặng sẽ được rút khỏi khu phi quân sự trước ngày 10/10. Ông Putin khẳng định Chính phủ Syria đã hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận này.
Về phần mình, ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi cách để loại bỏ các nhóm nổi dậy cực đoan tại Idlib, đồng thời cho rằng nhóm Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải vấn đề tại Idlib.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, quân đội Chính phủ Syria cùng đồng minh sẽ không tiến hành thêm chiến dịch quân sự nào tại tỉnh Idlib. Bên cạnh đó, hai Bộ trưởng Quốc phòng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký bản ghi nhớ về việc bình ổn tình hình tại khu phi quân sự ở Idlib.
Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí “tháo ngòi nổ” ở Idlib trước giờ quân đội Syria mở cuộc tấn công tổng lực được cho là một kết quả đáng khích lệ trong nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xụng đột vũ trang.
Đánh giá về sự kiện này, Sputniknews ngày 17/9 dẫn lời Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) Robert Ashley cho rằng, cuộc đối thoại vừa qua giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về tình hình tại tỉnh Idlib của Syria là một động thái đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là sau khi có thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, việc thiết lập khu phi quân sự có sớm được hình thành? Mặc khác, lực lượng nổi dậy và các phần tử khủng bố có hành động theo thỏa thuận hay không đang là một vấn đề vô cùng khó khăn.
Vì hiện nay, trong số hơn 60.000 tay súng đối lập đang có mặt tại Idlib, có ít nhất 10.000 tay súng cực đoan có quan hệ với Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – một nhóm từng kết nối với al-Qaeda. Bên cạnh đó, phải “giải giáp” theo cách nào cho có hiệu quả hàng nghìn binh lính nước ngoài đến từ châu Âu, Trung Đông, châu Á, chính là xương sống của các nhóm cực đoan này?
Rõ ràng, đó là bài toán không đơn giản mà các bên có liên quan phải hóa giải một cách nhanh chóng và kịp thời trong thời gian sớm nhất để hòa bình trở lại với Idlib nói riêng và Syria nói chung.
Nguồn chinhphu