Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngã tư Thanh Điền- âm vang quá khứ (tiếp theo và hết)
Thứ sáu: 00:25 ngày 19/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trận Bàu Cá Trê tuy không lớn, không diệt nhiều địch như trận đánh “Trâu điên” mùa xuân 1968 sau này, nhưng âm vang của nó có thể còn vang dội, nức lòng người trên khắp Tây Ninh chứ không riêng đồng bào, chiến sĩ Thanh Điền. Cũng vì lẽ ấy mà cho đến 40 năm sau, cán bộ chiến sĩ Thanh Điền còn nhớ đến từng chi tiết.

Gò mả- nơi bộ đội Tư Đẩu phục kích diệt Pháp vào tháng 11.1945 (ảnh tư liệu)

Trận đánh có âm vang chiến thắng giòn giã nhất trên đất Thanh Điền thời kỳ đầu chống Pháp chính là trận Bàu Cá Trê, nay cũng thuộc về ấp Thanh Phước. Mang tên như thế là vì ở đây có vài ba bàu nước, thời ấy rất nhiều cá trê cho bà con đến bắt. Nay những bàu ấy vẫn còn nhưng đã đầy lên do bùn đất bồi lấp, bà con tận dụng trồng kèo nèo quanh năm. Khu bàu này nằm trên đường ĐT 786, cách ngã tư Thanh Phước chỉ độ 500 mét. Cột cây số trên bờ bàu ghi: Bến Cầu- 26km, mặt kia: TP. Tây Ninh- 3km.

Trận Bàu Cá Trê tuy không lớn, không diệt nhiều địch như trận đánh “Trâu điên” mùa xuân 1968 sau này, nhưng âm vang của nó có thể còn vang dội, nức lòng người trên khắp Tây Ninh chứ không riêng đồng bào, chiến sĩ Thanh Điền. Cũng vì lẽ ấy mà cho đến 40 năm sau, cán bộ chiến sĩ Thanh Điền còn nhớ đến từng chi tiết.

Xin trích lại sau đây toàn bộ ký ức của họ được chép trong bản thảo “30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng” của Đảng bộ xã Thanh Điền. Trận này được miêu tả trong cả chương 11, với tựa đề: “Trận đánh Bàu Cá Trê là trận mở màn cho công cuộc kháng chiến của Thanh Điền và cho cả Tây Ninh”.

Đấy là: “Lúa mùa 2 bên vệ đường số 7 đã chín vàng, có một số đang cắt, gió bấc đang thổi, đường số 7 khô ráo, trên đường không khí lành lạnh, người qua lại rất ít. Nhưng bên trong, những chiến sĩ cách mạng đang rộn rịp chuẩn bị lau chùi súng, sửa soạn dao găm, mã tấu và cung ná. Đồng bào rìu, rựa, búa đã nắm chặt trong tay, lực lượng trinh sát nhân dân được bố trí từ Củ Chi Ba đến nhà ông 5 Lăng, chính các nơi đó có treo mõ, trống chực sẵn, nếu Tây trở về thì nổi trống, mõ. Là trận đầu nên ai nấy rất hồi hộp, chờ đợi nhưng rất phấn khởi và quyết tâm.

Đúng 13 giờ chiều ngày 23.11.1945, 2 chiếc xe Jeep của bọn Tây, từ Tây Ninh chạy ra hãng đường, dọc 2 bên vệ đường, nhất là phía tay phải, từ đầu ấp Thanh Phước đến Thanh Đông toàn là rừng và cao su, chúng sợ nên bắn cảnh giới rất dữ. Đúng 15 giờ chúng quay về. Trinh sát thấy xe địch quay lại, lật đật chạy về đánh mõ trống báo động. Tiếng trống tại Củ Chi Một do 2 anh Muôn và Ngọc đánh. Tiếng trống nhà ông 5 Lăng do anh Thế đánh.

Khi nghe tiếng trống, đồng bào Thanh Phước, Thanh Đông ùa ra cột cây ngã xuống cản đường, bộ đội kéo trụ dây thép cho ngã cúp đầu xuống. Tất cả bộ đội vận động ra nằm phục kích dài trên đồng mả, đầu ngoài có bộ đội anh Hính, anh Mẫn, khúc giữa có anh Cò Kiếm, sau cùng là bộ đội anh Tư Đẩu, lực lượng anh Tư Đẩu ít súng nhứt. Bộ đội ở đây hầu hết là dân Thanh Điền và dân cao su từ các sở trên Miên kéo về.

Nói là bộ đội nhưng kỳ thật là chưa có ai ra trận bao giờ, chỉ có một số ít anh em qua trận địch Bến Kéo. Với 10 khẩu súng, trong đó đa số là súng 1 lòng, 2 lòng, 1 ít mút Anh, mút Tây, trường Nhật, 5, 7 trái lựu đạn OF, còn hầu hết là mã tấu, dao găm và cung ná, súng thiếu đạn. Nếu so sánh: ta đông hơn địch, nhưng súng ống quá ít, lại thô sơ, còn địch súng ống tốt, cả đại liên, thompson.

Địch lọt vòng phục kích, anh Hinh, anh Mẫn, Cò Kiếm nổ súng, địch biết là chúng đã bị phục kích, nên bắn xả và cố chạy, chúng đã chạy khỏi 3 bộ phận trên, vừa chạy đến trước mặt anh Tư Đẩu, cây trụ dây thép kéo xuống, nhưng không sát đường. Anh Tư Đẩu kịp thời bắn cho một phát, tên lái xe đầu bị thương, xe ngừng lại và 2 chiếc đều dồn 1 chỗ, súng ta vừa nổ vừa xung phong sát xe, địch không bắn trả được, chúng bỏ xe chạy chun vô đống lúa vừa cắt.

Bàu Cá Trê (ảnh tư liệu)

Do trời tối ta tìm không được, hơn nữa là mới đánh trận đầu chưa có kinh nghiệm. Bộ phận anh Hinh, Mẫn kéo đến gỡ được 1 cây đại liên (Macxime), còn một cây bộ phận anh Tư Đẩu gỡ, nhưng cây này chúng khoá chặt, gỡ không được, đồng bào vác rựa, búa, cưa ra đập, tháo, gỡ được nhưng nó đã mất nắp/ Thu dọn chiến lợi phẩm, đại bộ phận đã rút đi, một số còn lại lo lượm đạn, kiếm súng.

Khi bộ phận đã vào trong rừng nhìn thấy cây đại liên mất nắp, anh Tư Đẩu cho 2 đồng chí ra kiếm, đồng chí 8 Anh và đồng chí nữa bò ra tìm kiếm, kiếm được nắp và lượm thêm gần 20 trái lựu đạn. Chưa ra khỏi trận địa thì bọn tiếp viện có xe bọc thép (nồi đồng) ào ào kéo ra, chúng bắn như mưa. Đồng chí 8 Anh và 1 đồng chí nữa phải núp vào bụi rậm trốn.

Chúng lùng sục khắp nơi, đã tìm gặp được 2 tên bị thương và lấy xác 7 tên kia chạy về/ Kết quả, ta diệt 7 tên sĩ quan Tây, bắn bị thương 2 tên, thu 2 đại liên, 1 B38 và trên 30 trái lựu đạn, hàng ngàn viên đạn đại liên…”.

Phần tiếp theo của chương 11 là nói về công tác củng cố tổ chức của lãnh đạo xã Thanh Điền, sau đó là cuộc chống càn quyết liệt do lực lượng địch tung quân càn quét trả thù trên địa bàn xã. Sau chiến thắng này là biết bao mất mát, đau thương tang tóc trên khắp đất Thanh Điền.

Chúng tôi trích một đoạn dài, là vì bản thảo sách này sau đó đã không được in ra. Có lẽ do cách viết không phù hợp với thể loại sách truyền thống hay lịch sử. Tuy vậy, đây rõ ràng là một ký sự lịch sử rất hay, có cả không gian, thời gian và các chi tiết trong đó là những tên đất, tên người cụ thể. Đọc lên là cảm nhận được âm vang tiếng trống và tiếng mõ của lòng quân dân yêu nước xã Thanh Điền.

Những địa danh xưa như Củ Chi Một đến Củ Chi Ba, bây giờ là những ấp Thanh Trung, Thanh Đông, Thanh Phước. Cả khu gò mả, nơi bộ đội tên Tư Đẩu tấn công, nay vẫn còn. Nó ở liền kề với bàu Cá Trê đã thành địa danh gắn liền chiến thắng.

Đây là chiến thắng cực kỳ quan trọng, nhất là sau khi quân Pháp hùng hổ kéo quân lên tái chiếm Tây Ninh trong chỉ có một ngày (8.11.1945). Chúng dễ dàng vượt qua các trận địa chặn địch của ta ở Suối Sâu, Trâm Vàng, Gò Kén… Thế mà chỉ ít ngày sau, bàu Cá Trê đã ghi danh trận đầu ta thắng ngay trong những ngày đầu kháng chiến, khi mà lực lượng vũ trang cách mạng còn trong “trứng nước”.

Sách lược sử “Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005)” (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2010) ghi nhận: “Với kết quả trận đầu thắng lợi, lực lượng vũ trang Tây Ninh gây được thanh thế, lòng tin cho nhân dân trong tỉnh. Trận thắng Thanh Điền có tác dụng rất lớn, nó chứng minh mặc dù ta ở thế yếu, ít quân, vũ khí thô sơ, nhưng khi biết tạo thời cơ, chủ động đánh địch vẫn diệt được sinh lực địch, thu vũ khí…”.

Xin trở lại với những dòng đầu của thiên ký sự viết về trận đánh: “Lúa mùa hai bên vệ đường số 7 đã chín vàng, có một số đang cắt, gió bấc đang thổi, đường số 7 khô ráo, trên đường không khí lành lạnh, người qua lại rất ít…”. Không gian được mô tả như trên, rõ ràng chỉ có ở những tháng cuối năm thôi. Khi lúa mùa đã hoặc đang vào mùa gặt hái.

Vậy nên, bản thảo này xác định ngày trận đánh diễn ra là chiều 23.11.1945. Tuy vậy, trong cuốn sách được xuất bản năm 2010 mang tên “Truyền thống cách mạng xã Thanh Điền (1945-1975)” thì thời gian diễn ra trận đánh đã thay đổi. Đấy là: “Ba ngày sau khi chiếm thị xã Tây Ninh, quân Pháp cho 2 xe Jeep chở sĩ quan tham mưu đến hãng đường Thanh Điền để khảo sát tình hình. Nhận được tin này, lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức thành 2 cánh quân phục kích tại lộ 7 khoảng giữa sở cao su Oconel và Hãng đường…”.

Về diễn biến trận đánh diễn ra tương tự như những gì chúng ta đã biết. Chỉ thiếu đi cái không khí tất bật, rộn ràng của người dân Thanh Điền góp sức với bộ đội cùng đánh Pháp. Và dĩ nhiên cũng thiếu đi những âm vang của mõ, của trống hừng hực lòng dân yêu nước Thanh Điền tại khu vực ngã tư Thanh Phước kể trên.

Nếu tính theo những điều “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (2010)” viết: “Tháng 9.1945 Tỉnh uỷ lâm thời đề ra một số chủ trương…”, trong đó có việc “xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ chính quyền cách mạng”, thì lực lượng vũ trang Tây Ninh chỉ mới có 2 tháng tuổi. Vậy mà chính lực lượng này đã lập chiến thắng vang dội trên đất Thanh Điền, cách tỉnh lỵ Tây Ninh có 3km mà thôi!

Điều bất ngờ nhất là, đến năm 2014, cuốn sách “Di tích lịch sử - văn hoá - danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh” được in, thì di tích lịch sử - văn hoá này đã được mang tên “Chiến thắng Thanh Điền tháng 3.1946”. Theo đó, ngày diễn ra trận đánh là “giữa tháng 3 năm 1946”. Chi tiết này rất cần thiết được minh định lại, kẻo làm giảm đi rất nhiều giá trị lịch sử vẻ vang của chiến thắng Thanh Điền.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục