Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người phụ nữ hãy dũng cảm đứng lên đấu tranh để chống lại hành vi bạo hành của chồng. Im lặng tức là cam chịu, là cổ suý cho hành động bạo lực của chồng và cũng đồng nghĩa với những ngày dài tiếp tục bị hành hạ.
“Người ta đánh vợ gấp trăm lần như vậy, mấy ai bị bắt đi tù!”, câu nói của một người phụ nữ trẻ vang lên bên lề phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Chí Linh- người chồng bạo hành vợ dã man ở ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Nhiều người lên tiếng cho rằng, chính vì những suy nghĩ như thế thì nạn bạo lực gia đình vẫn cứ còn tiếp diễn trong cuộc sống.
Bài học cảnh tỉnh cho vấn nạn bạo lực gia đình
Vụ việc Phạm Chí Linh đánh đập vợ xảy ra vào đêm 13.9.2019 (đêm Trung thu), khi đó chị Trần Thị Tuyết Mai (31 tuổi)- vợ Linh, đưa con đi chơi bên nhà ngoại, Linh thì đi uống rượu. Sau khi về, Linh gọi điện thoại nhưng chị Mai không nghe máy. Đến khoảng 20 giờ, thấy vợ về nhà, Linh nghi vợ có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác nên đạp chị Mai xuống hồ bơi kinh doanh tại nhà, rồi nhấn nước, đánh đập chị dã man.
Đánh dưới nước chưa hả giận, lên bờ, gã chồng này tiếp tục đấm, đá liên tục vào đầu, cổ, bụng và mặt người “đầu ấp tay gối” với mình. Nhờ có camera ghi lại, mọi việc mới vỡ lỡ, chị Mai được đưa cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, trên người nhiều vết thương.
Phạm Chí Linh- người chồng đánh đập, bạo hành vợ dã man đã phải ra tòa, lãnh mức án tù 3 tháng.
Họ là vợ chồng, tự nguyện kết hôn từ năm 2009, có chung với nhau hai mặt con, gái trai có đủ. Linh làm nghề tài xế, chị Mai ở nhà chăm con, buôn bán nhỏ và kinh doanh thêm hồ bơi cho trẻ em. Đến năm 2016, khi chị Mai sinh đứa con thứ hai thì mâu thuẫn xảy ra, Linh chối bỏ trách nhiệm với gia đình, bao nhiêu tiền kiếm được đều dùng để chi xài cá nhân, mọi chi phí trong gia đình đều do chị Mai lo liệu.
Trước mặt Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa, Linh thừa nhận hành vi phạm tội và khai nguyên nhân bạo hành vợ dã man do ghen tuông, và cũng là lần đầu tiên đánh vợ, và đánh chỉ để “hù dọa” vợ mình. Còn chị Mai khẳng định bị cáo đã hành hung mình rất nhiều lần, có lần phải nhập viện vì bị đánh quá nặng, dù cha mẹ hai bên can ngăn nhưng Linh vẫn chứng nào tật nấy.
Tại tòa, chị Mai vẫn giữ nguyên yêu cầu xử lý đối với bị cáo và không chấp nhận lời xin lỗi của chồng. Trước đó, chị Mai đã ba lần thay đổi yêu cầu xử lý hình sự theo pháp luật đối với hành vi của chồng mình. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Chí Linh 3 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”, buộc bị cáo bồi thường toàn bộ chi phí khám, điều trị bệnh, khoản tiền mất thu nhập và tiền tổn thất tinh thần cho chị Mai trên 64 triệu đồng.
Hãy lên tiếng!
Luật sư Bùi Thị Hoa Mai (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo yêu cầu của bị hại- chị Trần Thị Tuyết Mai cho biết, hành vi của Phạm Chí Linh là hành vi có “tính côn đồ” khi cố ý gây thương tích cho người khác, mà ở đây chính là vợ của bị cáo. Hành vi này không thể chấp nhận. Mặc dù tòa tuyên phạt 3 tháng tù giam, nhưng đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho vấn nạn bao lực gia đình đang xảy ra trong toàn xã hội.
Luật sư Bùi Thị Hoa Mai.
Theo luật sư, là một người chồng, chỉ vì ghen tuông vô cớ mà nhẫn tâm xô vợ mình xuống nước, liên tiếp đánh đập lên cơ thể vợ mình mặc cho con nhỏ gào khóc. “Hành động của Phạm Chí Linh đối với vợ mình là không thể chấp nhận được. Rõ ràng, bị cáo đã dùng sức mạnh của mình để uy hiếp bị hại, nhất là trong lúc bị hại hoảng loạn tinh thần và không có khả năng kháng cự. Đây là hành vi côn đồ, xem thường pháp luật, là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe người khác”- Luật sư Mai nói.
Luật sư cho biết thêm, đã có rất nhiều người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhưng họ không dám lên tiếng. Vì sợ! Họ sợ gia đình đổ vỡ, sợ con mất cha, sợ người ngoài đàm tiếu, dị nghị mà cố nhẫn nhịn. Cuối cùng, người chịu thiệt vẫn là phụ nữ.
Luật sư Mai khẳng định, bạo lực gia đình không còn là vấn đề riêng của gia đình bị cáo. Qua vụ án cho thấy, bạo lực gia đình đang ngày càng phát triển và gây nhức nhối trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chính vì vậy, cần có hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi bạo lực, mang tính côn đồ nhằm răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội về loại tội phạm này, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.
Người phụ nữ im lặng tức là cam chịu cho số phận, tiếp tục cổ suý cho hành động bạo lực của chồng và đồng nghĩa với những ngày dài bị hành hạ, đau đớn thân xác. “Là mẹ, là vợ, các chị phải mạnh mẽ lên tiếng nếu bản thân mình bị rơi vào hoàn cảnh tương tự”- luật sư Mai đề nghị.
Tâm Giang