Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em và thanh thiếu niên qua môi trường mạng
Chủ nhật: 12:32 ngày 16/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc trẻ em, thanh thiếu niên bị xâm hại, bắt nạt trên môi trường mạng. Đây là thực trạng cần được gia đình, nhà trường và các ngành chức năng quan tâm.

Một buổi tập huấn trực tuyến về tuyên truyền Luật Trẻ em năm 2016, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cho các em học sinh.

Vào lúc 18 giờ 40 phút, ngày 21.12.2020, tại ấp Tân Đông 2, xã Tân Lập, Công an huyện Tân Biên bắt quả tang P.V.H (sinh năm 1983, ngụ  ấp Tân Đông 2, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) có hành vi cưỡng đoạt số tiền 3 triệu đồng của 2 nữ sinh.

Qua công tác điều tra, lực lượng chức năng phát hiện P.V.H tạo tài khoản Zalo và sử dụng thông tin giả, mạo danh là nữ để kết bạn nhắn tin, làm quen với các nữ sinh thông qua tiện ích tìm bạn quanh đây trên Zalo.

Sau khi quen biết, H đề nghị các nữ sinh trao đổi hình ảnh khoả thân với mình và chủ động lên mạng xã hội tải các hình ảnh khoả thân gửi cho các nữ sinh. Khi có được ảnh thoả thân của nữ sinh, H bắt đầu “trở mặt” yêu cầu nữ sinh phải đưa tiền, nếu không hắn sẽ tung hình ảnh lên mạng xã hội. Với thủ đoạn như trên, H đã đe doạ, khống chế 5 nữ sinh buộc gửi các hình ảnh khoả thân, video khoả thân cho hắn xem nhằm thoả mãn dục vọng cá nhân.

Đầu năm 2021, H.M.L tạo tài khoản trên mạng xã hội Facebook có tên “Uyên Kim” lấy hình đại diện là nữ nhằm kết bạn, nhắn tin, trêu ghẹo những người nam trên mạng xã hội. Trong đó, có tài khoản của em N.T.N (sinh năm 2006, ngụ phường IV, TP. Tây Ninh). L chủ động nhắn tin với N, giới thiệu mình là nữ và muốn kết bạn.

Trong quá trình nhắn tin trò chuyện, L chủ động nhắn và gửi video có nội dung khiêu dâm, đồi truỵ cho N và yêu cầu N tự quay 1 đoạn video khoả thân. Ban đầu, N không đồng ý nhưng L liên tục gửi tin nhắn với nội dung khiêu dâm thì N đồng ý quay đoạn video theo yêu cầu và gửi cho L.

Sau khi có được đoạn video, L uy hiếp tinh thần buộc N đưa tiền, nếu không sẽ đưa video lên mạng xã hội, gửi cho nhà trường, bạn bè và gia đình N. Do sợ bị đưa lên mạng, N đã đưa tiền cho L tổng cộng 4 lần với số tiền là 14,4 triệu đồng. Lần cuối khi L nhận số tiền 10 triệu đồng của N tại một điểm thuộc khu phố 3, phường 3, TP. Tây Ninh thì bị lực lượng Công an bắt quả tang.

Ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết, không thể phủ nhận vai trò của internet đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp mọi người có cơ hội học tập, giải trí và tương tác xã hội trên môi trường internet. Tuy nhiên, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ em, thanh thiếu niên. Thông qua môi trường mạng, các em có thể tiếp cận với thông tin giả, lộ thông tin cá nhân, bị bắt nạt qua mạng, gạ gẫm, xâm hại tình dục; thậm chí bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào trang có thông tin xấu, độc hoặc nội dung lừa đảo…

Anh Tiến Hùng (ngụ phường 3, TP. Tây Ninh) chia sẻ, trên mạng xã hội có những video dành cho thiếu nhi nhưng lời lẽ khá thô lỗ, tục tĩu, hành động bạo lực, mê tín... Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ khi các em bắt chước những cách nói năng, hành động không phù hợp như trong các video.

 “Để các con tránh xa nội dung độc hại, đồi truỵ trên không gian mạng, tôi và gia đình luôn đồng hành hoặc hỗ trợ bé lựa chọn các kênh học tập, giải trí phù hợp với lứa tuổi”, anh Hùng nói.

Anh Phạm Hồng Thái- Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thị Trấn (huyện Châu Thành) cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em, thanh thiếu niên bị xâm hại qua môi trường mạng là do các em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức, lơ là trong việc bảo vệ con em mình trước những mối nguy từ môi trường mạng.

Công tác bảo vệ trẻ em của cơ quan chức năng trên môi trường mạng chưa toàn diện, chặt chẽ. Các em chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ tiềm ẩn của internet, kỹ năng sống cũng như kiến thức về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn; không ít phụ huynh gặp khó khăn trong vấn đề giám sát những hoạt động của con em mình trên mạng.

Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thị Trấn (huyện Châu Thành) cho biết thêm, thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn - Đội thực hiện lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giới tính và kỹ năng phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh, nhất là xâm hại tình dục trẻ em thông qua các buổi  sinh hoạt dưới cờ.

Đặc biệt, nhà trường chú trọng trang bị các kiến thức về sử dụng internet an toàn cho học sinh, giúp các em có nhận thức đúng đắn, sử dụng mạng một cách thiết thực, tự bảo vệ bản thân.

Nâng cao trách nhiệm quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình, qua đó giúp phụ huynh hiểu, quan tâm, hướng dẫn các em sử dụng mạng an toàn; đồng thời có biện pháp giám sát hiệu quả đối với việc sử dụng mạng của con em mình, thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của các em, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện sớm các vụ việc, bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của các em khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng…

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, thanh thiếu niên trên môi trường mạng, các bậc phụ huynh nên quan tâm, quản lý việc kết bạn của con em mình qua mạng xã hội.

Khi xảy ra trường hợp bị xâm hại, gia đình cần làm chổ dựa vững chắc, an ủi, động viên, chia sẻ để các em cảm thấy yên tâm hơn và dần dần lấy lại trạng thái bình thường. Ngoài ra, các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho trẻ em, thanh thiếu niên kỹ năng sử dụng internet một cách hiệu quả; tăng cường triển khai các hoạt động lành mạnh trên mạng xã hội, tạo sân chơi bổ ích, giúp các em có môi trường vui chơi, giải trí, học tập trên mạng.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1.6.2021 phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

 

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục