Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
NGÂN HÀNG NGOẠI THƯƠNG TRẢ LỜI BÀ NGUYỄN KIM PHƯỢNG:
Ngân hàng xử lý nợ xấu đúng quy định
Thứ bảy: 19:38 ngày 13/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước đây, Báo Tây Ninh phản ánh trường hợp bà Nguyễn Kim Phượng khiếu nại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Tây Ninh (Ngân hàng Ngoại thương) bán tài sản bảo đảm của bà Trần Kim Luỹ, ông Phạm Văn Quang tại Ngân hàng Ngoại thương không theo giá thị trường, chỉ đủ thu hồi nợ của ngân hàng mà không đủ tiền để thi hành bản án cho bà, là bên được thi hành án tại Chi cục THADS thành phố Tây Ninh. Ngày 3.10.2018, Ngân hàng Ngoại thương có văn bản phản hồi trả lời bà Phương nội dung như sau:

Thứ nhất, ngân hàng thương mại đã thực hiện xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của bà Trần Kim Luỹ theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Cụ thể, khoản nợ của bà Trần Kim Luỹ tại Ngân hàng Ngoại thương là khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản, tài sản bảo đảm đã được đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Khoản nợ của bà Luỹ đối với bà Phượng là khoản nợ không có tài sản bảo đảm được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Do vậy, khoản nợ của Ngân hàng Ngoại thương sẽ được ưu tiên trước khoản nợ của bà Phượng khi thi hành án và xử lý tài sản bảo đảm theo Ðiều 325 Bộ luật Dân sự quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán: “Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dich bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán”.

Việc các tài sản bảo đảm của bà Luỹ tại Ngân hàng Ngoại thương không bị Chi cục THADS thành phố Tây Ninh kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác (cụ thể là nghĩa vụ nợ của bà Luỹ đối với bà Phượng) là phù hợp với quy định của pháp luật tại Ðiều 11, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 của Quốc hội: “Các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Ðiều 90 của Luật THADS, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”.

Việc xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức thoả thuận của Ngân hàng Ngoại thương là phù hợp với quy định tại Khoản 1 Ðiều 303 Bộ luật Dân sự 2015 “Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thoả thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây: bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; phương thức khác”, cũng như thực tế việc triển khai xử lý tài sản bảo đảm của nhiều ngân hàng khác trong trường hợp bên nợ, bên bảo đảm hợp tác và thiện chí cùng xử lý khoản nợ.

Thứ hai, mặc dù bà Nguyễn Kim Phượng có đến gặp gỡ trao đổi với cán bộ Ngân hàng Ngoại thương về việc bà có ý định mua tài sản của bà Luỹ, nhưng sau đó, bà Phượng không có văn bản đề nghị cụ thể về loại tài sản, mức giá mua tài sản và thời gian thanh toán, nên Ngân hàng Ngoại thương không có cơ sở xem xét và thương thảo với bà Phượng. Do yêu cầu về thời gian xử lý tài sản bảo đảm để sớm thu hồi nợ vay, Ngân hàng Ngoại thương đã thực hiện theo phương thức xử lý thoả thuận như nêu trên với gia đình bà Luỹ và thu nợ phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.

Do vậy, với các thông tin và tài liệu hiện có, Ngân hàng Ngoại thương cho rằng phản ánh của bà Nguyễn Kim Phượng về việc giám đốc Ngân hàng Ngoại thương lợi dụng việc xử lý nợ xấu để bán tài sản bảo đảm theo giá thấp, gây thiệt hại cho bà Phượng là không có cơ sở.

ÐỨC TIẾN

Tin cùng chuyên mục