Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cử tri phản ánh đường hư, xuống cấp:
Ngành chức năng tích cực sửa, nhưng “vướng”
Thứ sáu: 10:42 ngày 23/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh, nhiều cử tri phản ánh tình trạng xuống cấp của một số tuyến đường do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý. Ngành giao thông đã tiếp thu và đưa ra các hướng giải quyết, nhằm sửa chữa, khắc phục những hư hỏng và chủ động hơn trong công tác bảo trì.

Thi công đường giao thông nông thôn (ảnh: Dương Đức Kiên).

Khó khăn trong công tác bảo trì đường bộ 

Hiện mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có trên 8.000km. Trong đó, công tác quản lý, bảo trì phân cấp theo từng tuyến đường. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, bảo trì đường Xuyên Á (QL22) và QL22B. Các đường huyện, đường đô thị, đường xã sẽ do UBND các huyện, thành phố bảo trì; các tuyến đường trong khu công nghiệp, khu kinh tế do Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư và bảo trì.

Sở GTVT có nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo trì tuyến QL22B kéo dài và 33 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 787km. Đối với các tuyến đường tỉnh quản lý, nhiều nơi đã được đầu tư, đưa vào sử dụng trên 15 năm nhưng chưa được “trung tu” hoặc “đại tu” theo quy định. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lưu lượng xe cộ ngày càng tăng cao, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển hàng hoá như nông sản, vật liệu xây dựng, thành phẩm của các nhà máy… là yếu tố tác động, gây hư hỏng các công trình giao thông. 

Theo Sở GTVT, để thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống đường tỉnh quản lý, vào tháng 11 hằng năm, Sở tổ chức kiểm tra, rà soát và xây dựng kế hoạch bảo trì các tuyến đường để trình Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh phê duyệt. 

Theo đó, năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch bảo trì với tổng kinh phí gần 195 tỷ đồng (từ vốn ngân sách tỉnh và vốn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện do Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cấp). Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc sửa chữa các tuyến đường như: ĐH.806 (huyện Tân Châu), ĐT.792km6+800-Km30+800, ĐT.792D, ĐT.781km26+00-Km41, ĐT.785, ĐT.795B... đang lập hồ sơ sửa chữa vừa các tuyến ĐT.794, ĐT.783, ĐT.785B, đường Bàu Tà On, đường Sơn Đình, đường Long Khánh - Bàu Nổ, đường Bàu Sen, đường Cao Sơn Tự... trong năm 2019.

Đối với tuyến đường ĐT795B, đoạn từ ngã tư Khu Vực đến ngã ba Suối Ngô, huyện Tân Châu có khúc cua gấp, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn. Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT phối hợp với huyện Tân Châu vận động người dân hỗ trợ đất để mở tuyến mới đi thẳng (chiều dài đường khoảng 300m, bề mặt nhựa 7m). Khi đường mới hoàn thành sẽ xoá bỏ cua ôm, góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Đoạn đường ĐT785B cũng đang được Sở cho sửa chữa, giặm vá khoảng 15km, với kinh phí hơn 12 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo trì đường bộ của tỉnh còn gặp một số khó khăn. Nguồn kinh phí hạn hẹp là một trong những nguyên nhân khiến một số đường bị hư hỏng nhưng chưa thể khắc phục kịp thời, cụ thể như đường ĐT794 (từ ngã ba Kà Tum vào cầu Sài Gòn), dài khoảng 34km. Vừa qua, Sở GTVT đã thi công hoàn thành giai đoạn 1 từ km số 16 đến km số 33+200. Tuy nhiên, 17km còn lại vẫn đang chờ vốn để thi công giai đoạn 2. Hằng ngày, đoạn đường này có lượng xe chở mủ cao su, xi măng từ các nông trường cao su, Nhà máy xi măng Fico rất đông.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (ở ấp Đông Thành, xã Tân Đông, Tân Châu) có tiệm tạp hoá cạnh bên đường cho biết, hằng ngày, các phương tiện qua lại không lúc nào ngưng. Phía trước nhà chị Hạnh có một “ổ gà” choáng hết mặt đường, đá lởm chởm. “Đường ở đây toàn xe chở mì, cao su, xi măng chạy suốt. Mấy loại xe này chạy phá đường dữ lắm. Đã vậy, hai bữa nay ngày nào cũng có xe chạy ngang qua đây bị nổ lốp, văng đá vô tới trong quán tạp hoá của tôi, nguy hiểm lắm. Đường thì nhỏ, xe chạy không nhường nhau. Nhà tôi ở sát đường nên rất lo lắng. Mong sao Nhà nước sớm mở rộng đường, nâng cấp để người dân đi lại thuận lợi, an toàn”- chị Hạnh kiến nghị. 

Theo ông Võ Huy Thông- Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính - Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông- Sở GTVT, hiện nay, công tác bảo trì các tuyến đường còn gặp khó khăn do một số quy định của nhà nước thay đổi.Trước đây, thực hiện Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 41/2017/QĐ-UBND ngày 4.12.2017 quy định về đấu thầu, đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quản lý, bảo trì công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các công trình hư hỏng cần phải sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ có giá trị không lớn hơn 1 tỷ đồng và tư vấn có giá trị không lớn hơn 500 triệu đồng sẽ được đặt hàng. Như vậy quy trình sẽ rút ngắn hơn (không phải phê duyệt kế hoạch đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu), sau khi đặt hàng, sẽ triển khai thi công ngay. Hồ sơ chuẩn bị song song và hoàn chỉnh trong thời gian 10 ngày. Qua đó, các hư hỏng trên tuyến đường sẽ được sửa chữa kịp thời, việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ cũng nhanh hơn.

Nhưng vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10.4.2019 (thay thế Nghị định số 130). Theo đó, việc đặt hàng chỉ thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Tây Ninh không có thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, bảo trì đường bộ. Vì vậy, việc đặt hàng không thực hiện được. Để sửa chữa, bảo trì, Sở phải thực hiện toàn bộ bằng quy trình đấu thầu, mất rất nhiều thời gian, từ bước khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đến tổ chức đấu thầu, chọn thầu thi công. Hoàn thành hồ sơ phải mất từ 5 đến 6 tháng. Do vậy, đường hư nhưng lại phải chờ hoàn thành hồ sơ càng xuống cấp nhanh. 

Chủ động hơn trong công tác bảo trì

Theo Sở GTVT, thời gian tới, ngành sẽ chủ động tổ chức thực hiện trước công tác chuẩn bị đầu tư đối với các công trình bảo trì, nhất là các công trình sửa chữa vừa ngay từ đầu năm, để rút ngắn thời gian thực hiện. Cùng với đó, ngành sẽ lựa chọn một số tuyến đường, đoạn đường đấu thầu công tác bảo dưỡng thường xuyên với thời gian hợp đồng thực hiện từ 3 năm đến 5 năm để chủ động trong việc bảo dưỡng tuyến đường. Ngành Giao thông cũng sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện hư hỏng để triển khai sửa chữa kịp thời, không để hư hỏng lớn hơn. Duy trì sử dụng phần mềm GovOne ứng dụng công nghệ bản đồ số để hiện đại hoá công tác tuần đường, tuần kiểm và quản lý hoạt động bảo trì đường bộ.

“Một giải pháp nữa là tiếp tục áp dụng tăng thời gian bảo hành công trình, nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà thầu thi công, qua đó nâng cao chất lượng công trình. Cụ thể, đối với công trình nâng cấp, mở rộng với kết cấu mặt đường bê tông nhựa sẽ có thời gian bảo hành là 36 tháng (trước đây là 12 tháng); đường láng nhựa là 24 tháng (trước đây là 12 tháng); công tác sửa chữa, vá “ổ gà” là 18 tháng (trước đây là 6 tháng)”- ông Võ Huy Thông cho biết. 

Đường ĐT795B đang được thi công xoá bỏ phần cua ôm nguy hiểm.

Một trong những nguyên nhân khiến các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp thời gian qua là do một số phương tiện chở quá trọng tải quy định. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở GTVT đã tuyên truyền và tổ chức ký cam kết không xếp hàng hoá trên ô tô vượt trọng tải, chở hàng quá tải, quá khổ giới hạn của cầu, đường khi tham gia giao thông trên đường bộ đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hoá, kể cả các chủ bến cát trong hồ Dầu Tiếng.

Đồng thời, duy trì hoạt động của trạm cân tải trọng xe lưu động với thời gian 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ). Song song đó, các đội Thanh tra GTVT ở các huyện, thành phố sử dụng cân xách tay để kiểm tra tải trọng các phương tiện trên địa bàn. Kết quả từ đầu năm đến nay đã kiểm tra và xử lý 496 trường hợp vi phạm về tải trọng phương tiện, phạt tiền nộp vào Kho bạc Nhà nước là 3.866.000.000 đồng.

Tuy nhiên, tình trạng xe chở hàng quá khổ, quá tải vẫn chưa được xử lý triệt để. Vì lực lượng Thanh tra GTVT thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa còn mỏng (2 người/huyện). Trong khi đó, tình trạng đối tượng canh đường ngày càng nhiều, luôn bám theo lực lượng tuần tra, kiểm soát để báo tin cho lái xe, chủ xe biết đoạn đường mà lực lượng chức năng đang đi kiểm tra để né tránh, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ xử lý xe quá tải.

Theo ông Thông, để giải quyết tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền, cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hoá ký cam kết không xếp hàng hoá trên ô tô vượt trọng tải, chở hàng quá tải, quá khổ giới hạn của cầu, đường khi tham gia giao thông trên đường bộ, Sở GTVT còn chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, nhất là tại các đầu mối giao thông theo chỉ đạo của Bộ GTVT như: gần các khu vực kho, cảng, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hoá lên phương tiện, tuyến đường giao thông trọng điểm. 

“Chúng tôi cũng sẽ duy trì hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Đồng thời, bổ sung thêm 1 bộ cân kiểm tra tải trọng xe lưu động (hiện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp), dự kiến đưa vào hoạt động trong quý IV/2019. Như vậy, sẽ dễ dàng phát hiện những trường hợp quá tải, quá khổ để xử lý”, ông Thông nói thêm.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh