Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành Giáo dục: Sơ kết học kỳ I năm học 2021-2022
Thứ sáu: 20:42 ngày 25/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 25.2, Sở GD&ĐT sơ kết học kỳ I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2021 – 2022.

Giờ tan trường tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (ảnh chụp trưa 25.2).

Lãnh đạo Sở GD&ĐT biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bậc học mầm non chưa đón trẻ đến trường, từ đầu năm học đến nay, các cơ sở giáo dục mầm non chỉ tổ chức hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà qua các video theo chương trình giáo dục mầm non.

Tính đến tháng 2.2022, toàn tỉnh có 134 trường mầm non, mẫu giáo. Trong đó, trường công lập 110, trường tư thục 24 (giảm 4 trường công lập do sáp nhập điểm trường và tăng 2 tư thục so với cùng kỳ). Tổng số trẻ mầm non đến trường 19.756/32.339 trẻ, đạt tỷ lệ 61,1% so với tổng số trẻ trong danh sách tại trường. Trong đó, trẻ 5-6 tuổi đến trường là 12.322/16.472, đạt tỷ lệ 74,8% so với tổng số trẻ trong danh sách tại trường.

Năm 2021, có 94/94 xã đạt các tiêu chuẩn, điều kiện và 9/9 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi theo Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT, tỷ lệ 100%.

Đối với giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học linh hoạt tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học. Hiện nay, toàn tỉnh có 195 trường, trong đó có 1 trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật.  

Cơ sở giáo dục chủ động xây dựng các giải pháp tổ chức dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, chuyển giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Qua thực tế giảng dạy, đa số giáo viên thích ứng nhanh với việc dạy học trực tuyến, sử dụng tương đối thành thạo phần mềm và thiết bị hỗ trợ; phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh trong việc theo dõi, hỗ trợ, giám sát quá trình học tập của học sinh.

Giáo viên và học sinh thực hiện tương tác khá tốt trên lớp, học sinh biết tập trung lắng nghe, thao tác khá tốt thiết bị học tập trực tuyến; đa số học sinh tham gia học trực tuyến nắm được kiến thức cốt lõi cần đạt của nội dung chương trình các môn học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn như học sinh chưa tập trung cao trong quá trình học tập; những gia đình khó khăn, phụ huynh học sinh không có thời gian để hỗ trợ, giám sát quá trình học tập của học sinh; giáo viên còn gặp khó khăn trong việc rèn kỹ năng viết cho học sinh lớp 1.

Đối với giáo dục trung học - chuyên nghiệp, do tình hình dịch bệnh phức tạp, các đơn vị, trường học tổ chức dạy học trực tuyến từ đầu năm học. Hiện tại đã chuyển sang học trực tiếp tất cả các khối lớp. Đến nay các đơn vị, trường học thực hiện đúng tiến trình thời gian năm học.

Trở lại học trực tiếp, tất cả đơn vị trường học thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống Covid-19, khi phát hiện có F0 đều bình tĩnh, tự tin phối hợp với bộ phận y tế xử lý theo đúng quy định, bảo đảm an toàn, tâm lý ổn định cho học sinh và phụ huynh.

Bậc học này đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022 và chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022 - 2023.

 Ngành Giáo dục phối hợp tổ chức kênh tiếp nhận quyên góp máy tính đã qua sử dụng để hỗ trợ cho học sinh nghèo học tập, với chủ đề “Máy tính cũ – Công dân số mới”. Chương trình “Máy tính cho em” đến nay đã có  2.151 máy tính bảng cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh. Hàng ngàn thiết bị điện tử khác phục vụ học trực tuyến như  máy tính để bàn, laptop, smartphone, sim điện thoại đã được trao cho học sinh.

Vấn đề khó khăn, hạn chế trong học kỳ I đó là: Mặc dù học sinh đã học tập tốt theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên chất lượng đào tạo vẫn chưa đạt theo yêu cầu của chương trình. Học sinh đi học trực tiếp chưa được đầy đủ như bình thường, còn một số em vẫn học trực tuyến hoặc chưa đến trường. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên một số hoạt động tập trung đông người bị hạn chế và phải chuyển sang hình thức trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT lưu ý Ban Giám hiệu nhà trường tập trung củng cố kiến thức cho học sinh lớp 9, lớp 12 và “cảnh báo” xuất hiện tình trạng dạy thêm tràn lan, có lớp học thêm lên đến hơn 30 học sinh, “có những trường hợp không coi ai ra gì” nhưng hiệu trưởng không nắm được hoặc thờ ơ.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục