Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành Hải quan Tây Ninh: Tập trung chống buôn lậu những tháng cuối năm
Thứ hai: 09:19 ngày 08/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dự báo những tháng cuối năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

 Lực lượng Hải quan Khu công nghiệp Trảng Bàng kiểm tra thực tế hàng hoá may mặc trước xuất khẩu

 Ngành Hải quan Tây Ninh đang tích cực triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hoá qua biên giới, cửa khẩu của tỉnh cơ bản được kiểm soát. Các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá. Tuy nhiên qua kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho thấy, vận chuyển hàng lậu, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Hải quan Tây Ninh đã phát hiện 382 vụ/377 đối tượng vi phạm, trị giá tang vật 8.454,45 triệu đồng, ấn định thuế là 24.330,47 triệu đồng, tiền chậm nộp 6.295,87 triệu đồng. Xử phạt vi phạm hành chính là 364 vụ/364 đối tượng, xử phạt 57.972,9 triệu đồng. Chuyển cơ quan điều tra kiến nghị khởi tố là 5 vụ, trong đó có 4 vụ trốn thuế và 1 vụ sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Chi cục Hải quan khu công nghiệp Trảng Bàng là đơn vị hải quan ngoài cửa khẩu, thực hiện quản lý nhà nước về hải quan tại các địa bàn được giao quản lý gồm: Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, Khu công nghiệp Thành Thành Công, Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông, Khu công nghiệp Chà Là, Cụm công nghiệp Thanh Điền - Châu Thành, Cụm công nghiệp Tân Châu.

Ông Trần Văn Trọng- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu công nghiệp Trảng Bàng cho biết, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, loại hình xuất nhập khẩu chủ yếu là đầu tư, sản xuất xuất khẩu, gia công, kinh doanh. Đa phần doanh nghiệp đều chấp hành tốt pháp luật hải quan, tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách đầu tư, trong thực hiện thủ tục hải quan để đưa hàng hoá từ các khu công nghiệp, doanh nghiệp chế xuất vào tiêu thụ trái phép trong nội địa. Hàng hoá vi phạm chủ yếu là nguyên phụ liệu gia công ngành may mặc, dệt nhuộm, chế biến gỗ, giày da, thiết bị, vật tư máy móc phục vụ sản xuất.

Năm 2023, Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Trảng Bàng phát hiện và xử lý 230 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 30,4 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính 1,2 tỷ đồng. Các vụ việc vi phạm hành chính được phát hiện, xử lý tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Trảng Bàng chủ yếu thuộc các nhóm hành vi như vi phạm về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế; hành vi vi phạm về khai hải quan; hành vi vi phạm quy định về khai thuế. Số vụ việc còn lại thuộc các nhóm hành vi vi phạm về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu... và phần lớn mang tính chất nhỏ lẻ.

Lực lượng Hải quan Khu công nghiệp Trảng Bàng kiểm tra thực tế hàng hoá điện tử trước xuất khẩu.

Ông Trần Đình Kha- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và gian lận thương mại trên địa bàn trong năm 2023 luôn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, một số đối tượng xấu lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong quản lý về hải quan, cơ chế phân luồng tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu và điều kiện khác để khai báo sai về số lượng, trọng lượng, tên hàng, mã số hàng hoá, vi phạm về sở hữu trí tuệ, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Chi cục tập trung thu thập thông tin, phân tích đánh giá xác định đối tượng, loại hình, mặt hàng trọng điểm, triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý.

Kết quả, qua hơn 12 tháng của năm 2023, Chi cục đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ 86 vụ/86 đối tượng, trị giá tang vật ước tính hơn 3 tỷ đồng. Đã xử phạt vi phạm hành chính 79 vụ với tổng số tiền phạt và truy thu thuế hơn 5,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan khác xử lý theo thẩm quyền 5 vụ, 5 đối tượng. Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung đối với loại hình quá cảnh.

Điển hình, ngày 12.5.2023, qua nguồn tin nghiệp vụ, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã phối hợp với Đội kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng xuất quá cảnh của Công ty TNHH SH Logistics, đăng ký tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị - Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, vận chuyển đến Cửa khẩu Mộc Bài để xuất đi Campuchia. Kết quả kiểm tra, lực lượng phối hợp đã phát hiện hàng hoá (giày, túi xách) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike, Louis Vuitton.

Ngoài ra, Chi cục đã chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài bắt giữ nhiều vụ tiền Việt Nam của các đối tượng cư dân biên giới, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh không khai báo, xử lý theo quy định.

Ông Trần Đình Kha cho biết, trong thời gian tới, là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn- 2024, đây là thời điểm các đối tượng gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra kiểm soát tại địa bàn cửa khẩu, các địa điểm khác thuộc địa bàn quản lý hải quan; kiểm tra; kiểm soát chặt chẽ hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện, hành lý, hành khách xuất nhập cảnh.

Lực lượng Hải quan cửa khẩu Mộc Bài cùng chó nghiệp vụ kiểm tra hành lý của hành khách.

Xác định địa bàn, tuyến trọng điểm, dự kiến những hiện tượng, tình huống vi phạm có thể phát sinh để xây dựng phương án đấu tranh hợp lý, chủ động phối hợp và bố trí lực lượng, áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, phát hiện, bắt giữ và xử lý đúng quy định.

Tổ chức đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng nhập lậu chủ yếu: rượu, bia, thuốc lá, sữa Ensure, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, kim loại quý, tiền Việt Nam, ngoại tệ...

Ông Trần Văn Trọng cho biết, thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới diễn biến phức tạp nhất trong năm.

Chính vì vậy, đơn vị tăng cường thu thập thông tin, điều tra nghiên cứu nắm tình hình địa bàn để xác định địa bàn, tuyến, mặt hàng trọng điểm và đối tượng chủ yếu, phương thức thủ đoạn chủ yếu, để xây dựng phương án đấu tranh có hiệu quả; thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, nắm tình hình địa bàn, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trên địa bàn, Đội kiểm soát của Cục Hải quan Tây Ninh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hoá không có hoá đơn chứng từ hợp pháp đi tiêu thụ.

Theo Cục Hải quan Tây Ninh, thời gian trước, trong và sau tết nguyên đán là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng. Với quyết tâm tích cực, chủ động trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, toàn ngành Hải quan sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm, hàng cấm, hàng giá trị lớn, thuế suất cao, hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp có hợp đồng gia công kết thúc, thông báo thanh khoản hợp đồng gia công nhằm chủ động ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục