Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16.10.1948 - 16.10.2018)
Ngành Kiểm tra Ðảng Tây Ninh- những chặng đường phát triển
Thứ ba: 16:18 ngày 16/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Suốt chặng đường lịch sử 70 năm qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Ðiều lệ Ðảng và nhiệm vụ do cấp uỷ giao, trong đó có chặng đường 48 năm hình thành và phát triển của ngành Kiểm tra Ðảng của Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh từ khi chính thức thành lập Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Tây Ninh.

Lãnh đạo UBKT Trung ương và Tỉnh uỷ Tây Ninh dâng hương tại Di tích lịch sử Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Ðảng (16.10.1948 -16.10.2018). Ảnh: Ðại Dương

Ra đời trên nước bạn

Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ cách mạng trọng tâm là xây dựng, bảo vệ chính quyền và lãnh đạo toàn dân, toàn quân kháng chiến chống thực dân. Trong thời kỳ này, Tây Ninh tuy chưa thành lập cơ quan chuyên trách công tác kiểm tra Ðảng nhưng luôn được Xứ uỷ Nam bộ và các cơ quan cấp trên đặc biệt quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ góp phần xây dựng và củng cố, phát triển tổ chức Ðảng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Tây Ninh được tái lập theo ranh giới cũ, BCH Ðảng bộ tỉnh được chỉ định gồm 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Trọng Cát làm Bí thư; đồng chí Võ Văn Truyện làm Phó Bí thư. Trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1970, Tây Ninh qua hai lần Ðại hội Ðảng bộ tỉnh (lần thứ I tháng 5.1965, lần thứ II tháng 2.1970), do hoàn cảnh chiến tranh nên nhiệm vụ tác chiến trên chiến trường, bảo đảm kinh tế hậu cần, bảo vệ nhân dân được đặt lên hàng đầu, nhiệm vụ chuyên trách công tác kiểm tra của Ðảng chưa phải là công tác trọng yếu.

Do đó, hầu hết các tỉnh phía Nam, trong đó có Tây Ninh chưa thành lập Ban Kiểm tra. Công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật đối với đảng viên và tổ chức Ðảng vẫn do cấp uỷ trực tiếp thực hiện. Tuy vậy, các mặt công tác này vẫn luôn được cấp uỷ tỉnh quan tâm, coi trọng và thực hiện, gắn liền với công tác kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các chủ trương, đường lối, đối sách và ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng được phân công, ở từng thời điểm, từng địa phương, đơn vị.

Nhằm tăng cường mọi mặt công tác xây dựng Ðảng, thực hiện tốt hơn công tác quản lý, kiểm tra hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, không ngừng đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, ngày 14.8.1969, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 13/NQ quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra các cấp. Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam được thành lập, đóng tại khu rừng Chàng Riệc (nay thuộc ấp Tân Phú, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).

Thực hiện Thông tri số 135-CNT, ngày 1.12.1969 của Trung ương Cục miền Nam về hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 13/NQ, tháng 2.1970, tại vùng biên giới La Lột, huyện Chàng Trây, tỉnh Prey Veng, Campuchia, Tỉnh uỷ Tây Ninh quyết định thành lập Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, gồm đồng chí Lê Văn Tình được phân công làm Uỷ viên Thường trực; đồng chí Lương Văn Lượng, Uỷ viên kiêm chức; khuyết vị trí Trưởng Ban Kiểm tra. Sau đó, đồng chí Võ Ðức Tú, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ được Tỉnh uỷ phân công kiêm giữ chức vụ Trưởng Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ.

Năm 1971, Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ chuyển căn cứ về khu vực rừng Tà Xăng (cũng thuộc địa phận tỉnh Prey Veng, Campuchia). Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ lúc này gồm 4 đồng chí. Tháng 4.1971, đồng chí Võ Ðức Tú, Trưởng Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ có quyết định làm Bí thư Huyện uỷ Châu Thành. Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ còn 3 đồng chí, khuyết vị trí Trưởng Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ.

Sau ngày 30.4.1975, đồng chí Lương Văn Lượng, nguyên Uỷ viên kiêm chức Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, sau một thời gian nhận công tác ở Khu uỷ miền Ðông, được điều động trở lại Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ. Nhân sự Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đến năm 1975 gồm 4 đồng chí nhưng vẫn khuyết vị trí Trưởng Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ.

Từ năm 1970 đến năm 1975, Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ thực hiện nhiệm vụ do Tỉnh uỷ giao, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Thường trực Tỉnh uỷ. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ lúc này là kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện điều lệ của Ðảng; kiểm tra tài chính; xem xét thi hành kỷ luật đảng viên; giải quyết thư tố cáo và khiếu nại kỷ luật Ðảng.

Trưởng thành, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Tháng 4.1976, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ I nhiệm kỳ 1976-1979 bầu ra Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh. Ban Chấp hành đã cử ra Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Bạch, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ lúc này là kiểm tra đảng viên (kể cả cấp uỷ viên cùng cấp) vi phạm điều lệ, kỷ luật Ðảng và pháp luật Nhà nước, kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức Ðảng cấp dưới; kiểm tra tài chính của Ðảng; giải quyết tố cáo đối với đảng viên và thư khiếu nại về thi hành kỷ luật trong Ðảng.

Sau Ðại hội lần thứ I, ngày 27.5.1976, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Chỉ thị số 04/CT về việc thành lập UBKT các cấp. Chỉ thị nêu rõ “Sự chuyển biến giai đoạn cách mạng, từ chiến tranh sang hoà bình, từ địa bàn rừng núi sang đô thị, đông dân cư và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của giai đoạn cách mạng mới là một sự phức tạp. Nhưng lập trường giai cấp, quan điểm triệt để cách mạng của một số cán bộ, đảng viên không vững vàng, có một số đồng chí phạm phải tự tư, tự lợi, ham mê tiền bạc, bê tha, hoặc tham ô của công”.

Trước tình hình đó, đòi hỏi phải kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trên và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để quản lý cán bộ, đảng viên được chặt chẽ, bảo đảm sự trong sạch của Ðảng ta, nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ðảng trong tình hình mới, ngày 28.7.1976, UBKT Trung ương (Bộ phận B2) có hướng dẫn về việc xây dựng bộ máy UBKT các cấp, từ đó, UBKT các cấp trong Ðảng bộ tỉnh cơ bản đã hình thành được bộ máy UBKT của 8 huyện, thị, mỗi UBKT huyện, thị có từ 2-3 đồng chí đi vào hoạt động.

Chức năng, nhiệm vụ của UBKT các cấp được điều lệ Ðảng quy định và sửa đổi, bổ sung qua các nhiệm kỳ ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, từ nhiệm vụ kiểm tra vi phạm điều lệ Ðảng chuyển sang nhiệm vụ kiểm tra chấp hành điều lệ Ðảng (khoá VI), sau đó bổ sung nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (khoá VIII) và nhiệm vụ giám sát (khoá X). Theo đó, Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thực hiện và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức Ðảng và UBKT các cấp trong Ðảng bộ thực hiện toàn diện các nhiệm vụ do điều lệ Ðảng quy định.

Bộ máy UBKT các cấp trong tỉnh được quan tâm kiện toàn; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra luôn được chú trọng, xem đây là một trong những nhân tố góp phần đưa hoạt động của UBKT các cấp đạt chất lượng và hiệu quả. Qua từng nhiệm kỳ, UBKT Tỉnh uỷ đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cử nhiều lượt cán bộ của ngành tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Trung ương tổ chức; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tại tỉnh; hỗ trợ UBKT cấp dưới tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra cấp cơ sở. Công tác tạo nguồn cán bộ kế thừa luôn bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu vị trí công tác.

Nhìn lại lịch sử để thấy rằng lúc đó ở miền Nam, quyết định thành lập Ban Kiểm tra Trung ương Cục là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Ðảng ta, Ban Kiểm tra Trung ương Cục đã để lại những bài học quý báu, bài học về xây dựng Ðảng, xây dựng phong trào cách mạng gắn bó máu thịt với nhân dân. Dân bám đất; Ðảng bám dân; du kích, bộ đội bám thắt lưng địch mà đánh. Ðặc biệt là bài học về xây dựng Ðảng chặt chẽ về tổ chức, vững vàng về chính trị, giỏi về công tác quần chúng là điều kiện tiên quyết dẫn đến thắng lợi của cách mạng nước ta trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Ngày 9.9.2008, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia và khánh thành Di tích lịch sử Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam. Từ đó đến nay, Di tích lịch sử Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam đã được nhiều lượt thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra từ Trung ương đến các tỉnh, thành về viếng, dâng hương và tưởng niệm. Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam luôn là một nét son chói lọi trong lịch sử cách mạng của Ðảng ta.

Suốt chặng đường lịch sử 70 năm qua, UBKT Trung ương và UBKT các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Ðiều lệ Ðảng và nhiệm vụ do cấp uỷ giao, trong đó có chặng đường 48 năm hình thành và phát triển của ngành Kiểm tra của Ðảng bộ tỉnh từ khi chính thức thành lập Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Tây Ninh.

Các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra qua các thời kỳ đã nêu cao tấm gương tuyệt đối trung thành với Ðảng, tận tuỵ, hy sinh vì nhiệm vụ cách mạng, trung thực, khách quan, đoàn kết làm cho bộ máy UBKT các cấp trong tỉnh thực sự lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Song, cũng cần nhận thức đầy đủ rằng, công tác kiểm tra, giám sát gặp không ít khó khăn, nhất là trong thời điểm hiện nay, nước ta đang hội nhập, sự tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường. Ðây là trận tuyến thầm lặng nhưng đầy chông gai thử thách, hằng ngày, hằng giờ phải đấu tranh với những phần tử tiêu cực, thoái hoá, biến chất, những tư tưởng và việc làm trái với quan điểm, đường lối, chính sách và những phần tử cơ hội trong Ðảng.

Nói lên điều này không phải để chùng bước đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, mà để càng khẳng định lại vai trò, vị trí của ngành Kiểm tra, và để các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra luôn phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Ðảng. Dù trong hoàn cảnh nào hay có sự mất mát tình cảm của cá nhân, cán bộ Kiểm tra nói riêng và ngành Kiểm tra Ðảng của tỉnh nhà nói chung phải luôn phấn đấu, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng đã giao phó, để luôn xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của ngành “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tuỵ”.

ÐỨC AN

Tin cùng chuyên mục