Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành Nông nghiệp: Khắc phục khó khăn, bứt phá để hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025
Thứ ba: 19:40 ngày 09/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 9.1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2023. Đến dự có ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở NN&PTNT  khen thưởng nhiều tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sáng kiến, giải pháp trong công tác năm 2023.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, năm 2023, tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi của thời tiết, giá cả vật tư nông nghiệp, công lao động tăng trong khi giá cả sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định, nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi… Song, cùng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt có hiệu quả của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.

Tình hình sản xuất trồng trọt được duy trì tương đối ổn định, các cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt; hầu hết các loại nông sản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngày càng rộng rãi, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng các nông sản trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng là 386.994 ha, vượt 2,8% so kế hoạch và bằng 99,5% so cùng kỳ.

Để phát triển các cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 1.631,6 ha. Lũy kế toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 40.615 ha, góp phần nâng giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 109 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2022.

Đối với chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm không xảy ra. Mặc dù trong năm tình hình chăn nuôi còn tương đối khó khăn, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng nhìn chung chăn nuôi vẫn được đầu tư phát triển đàn và sản lượng so với năm 2022. Ước tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 10,2 triệu con, tăng 6,2% so với cùng kỳ nhất là đàn heo đạt 297.800 con, tăng 28,5% so cùng kỳ năm 2022.

Nổi bật trong thời gian qua là thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, ngành đã thu hút được 17 dự án (7 dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và 10 dự án cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) với tổng vốn đăng ký 1.018,59 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn có những hạn chế cần phải khắc phục như: chuyển dịch cơ cấu cây trồng vẫn còn chậm; chưa có nhiều mô hình thật sự hiệu quả, bền vững và có khả năng nhân rộng. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hoá, phát triển chế biến sâu đối với nông sản của tỉnh chưa đáp ứng quá trình chuyển dịch sản xuất.

Vẫn còn tình trạng cơ sở kinh doanh về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc ăn chăn nuôi, mẫu thực phẩm chưa bảo đảm chất lượng; còn kinh doanh nhiều hàng kém chất lượng, hàng giả trên thị trường, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc triển khai thực hiện một số chính sách vẫn còn chậm do khó khăn trong các quy trình, thủ tục cũng như các điều kiện, quy định thụ hưởng chính sách .

Một số nội dung mang tính đột phá phát triển ngành nông nghiệp tuy đã được triển khai, đôn đốc thực hiện nhưng vẫn còn chậm, chưa mang lại hiệu quả cao như: việc triển khai phương án sử dụng đất của các công ty giao về địa phương quản lý, thu hút đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất – tiêu thụ.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Trang trại chăn nuôi bò sữa tại Công ty Vinamilk (huyện Bến Cầu).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2023, nhìn nhận thẳng vào thực tế để khắc phục những khó khăn còn tồn tại, bước sang năm 2024 – năm bứt phá để hoàn thành các nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025, theo đó nông nghiệp Tây Ninh tập trung hoàn thành các chỉ tiêu như: Duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành từ 3% trở lên; Nâng giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt từ 109 lên 112 triệu đồng/ha/năm; Duy trì tỷ lệ che phủ của rừng đạt 16,3%.

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 68 xã nông thôn mới (95,8%), 25 xã nông thôn mới nâng cao (35,2%), 04 xã nông thôn mới kiểu mẫu (5,6%); 04 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (44,4%).

Cũng tại hội nghị, Sở NN&PTNT khen thưởng nhiều tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sáng kiến, giải pháp trong công tác năm 2023.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục