Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành Nông nghiệp: Làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Thứ ba: 23:36 ngày 21/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do điều kiện về đất đai, khí hậu tương đối tốt, phù hợp cho sự phát triển của cây rừng, cộng với sự đầu tư hợp lý nên đa số diện tích rừng trồng đều phát triển tốt

Ông Phạm Chí Trung (bìa trái) cùng lực lượng bảo vệ rừng đang khảo sát một khu rừng trồng tại địa bàn xã Tân Thành.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng, chống phá rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng (PCCCR).

Trong đó, đối với công tác bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đã quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích 66.569,09 ha rừng hiện có (46.424,97 ha rừng tự nhiên; 20.144,12 ha rừng trồng), đạt 100% kế hoạch.

Những diện tích đã khoanh nuôi trước đó nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng sẽ được tiếp tục kiểm tra, rà soát, nếu diện tích nào có khả năng tái sinh rừng thì đưa vào thiết kế đầu tư khoanh nuôi trong giai đoạn mới.

Người dân nhận cây giống để trồng rừng tại địa bàn xã Tân Thành.

Về công tác trồng và chăm sóc rừng, các đơn vị chủ rừng đã trồng được 538,8 ha, đạt 119,2% so với kế hoạch. Trong đó, BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng trồng được 495 ha rừng, BQL Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trồng 33 ha rừng, BQL Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát trồng 10,8 ha rừng.

Nguồn cây giống đưa vào trồng rừng bảo đảm đủ số lượng, chất lượng theo quy định. Hiện có 602 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng (đạt 100% kế hoạch) được bảo vệ, chăm sóc, trồng giặm, PCCCR nên diện tích rừng này có tỷ lệ sống rất cao.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 121 vụ vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp, tăng 53 vụ so với cùng kỳ. Số vụ vi phạm tăng chủ yếu do vi phạm các quy định chung như mang công cụ, dụng cụ trái phép vào rừng, đặt bẫy bắt động vật hoang dã...

Đến nay hầu hết các vụ vi phạm được điều tra, xác minh, xử lý 95 vụ (bao gồm 4 vụ tồn năm trước chuyển sang), còn tồn khoảng 30 vụ đang trong quá trình xác minh xử lý. Trong số 95 vụ đã được xử lý, có 2 vụ được chuyển sang cơ quan Công an để khởi tố vụ án hình sự. Tổng số tiền xử phạt và thu nộp ngân sách trên 179 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số vụ vi phạm tăng là do công tác bảo vệ, tuần tra, kiểm soát, truy quét đối tượng vi phạm được tăng cường, nên kết quả ghi nhận nhiều hơn. Đối với 2 vụ vi phạm được chuyển sang cơ quan Công an để khởi tố vụ án hình sự, có một vụ liên quan đến động vật hoang dã, vụ còn lại là khai thác cây rừng trái phép. Nhìn chung, việc tăng cường công tác tuần tra trong năm 2023 đã góp phần kéo giảm số lượng vi phạm so với trước đây, diện tích rừng được bảo vệ tốt hơn.

Ông Xuân cho biết, toàn bộ số diện tích các loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất…) hiện có trên địa bàn tỉnh đều được giao khoán hoặc có ban quản lý và người quản lý rõ ràng, có ranh mốc, hệ thống bản đồ cụ thể. Do vậy, tình trạng lấn chiếm đất rừng được xử lý dứt điểm, nhất là việc phá rừng để làm rẫy hiện nay không còn diễn ra.

Đối với những trường hợp mà trước đây có hành vi lấn chiếm đất rừng, cơ quan chức năng đã và đang kiên quyết vận động hoặc cưỡng chế thực hiện theo chủ trương của tỉnh đề ra.

Cụ thể, theo ông Xuân, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chuyển hơn 1.200 ha cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng, đạt hơn 92% so với diện tích phải giải quyết. Mặc dù vẫn chưa đạt 100% theo kế hoạch đề ra, nhưng đây là một nỗ lực rất lớn từ phía các ban chỉ đạo có liên quan.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR được chỉ đạo xuyên suốt từ các văn bản, nghị quyết của Tỉnh uỷ, kế hoạch của UBND tỉnh… được triển khai kịp thời và sâu sát đến các địa phương có rừng.

Có thể nói, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Riêng về tình hình công tác phòng chống cháy rừng, trong các tháng đầu năm có xảy ra 6 vụ cháy rừng, tổng diện tích thiệt hại hơn 9 ha; đây là những vụ tương đối nhỏ lẻ, được lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, việc thực hiện theo Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 10.7.2017 của UBND tỉnh (ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng) thì diện tích tại địa bàn huyện Tân Châu là nhiều nhất.

Cụ thể, tổng diện tích trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch rừng phòng hộ tại địa phương này là hơn 1.000 ha, tập trung chủ yếu tại địa bàn xã Tân Thành.

Đến nay, diện tích này đã được giải quyết trồng rừng khoảng 966 ha, đạt hơn 90% so với kế hoạch. Ngoài ra, tổng diện tích bổ sung thêm trên địa bàn huyện Tân Châu để tiếp tục xử lý là khoảng 554 ha, đến nay đã xử lý mặt bằng và trồng rừng được hơn 526 ha (bao gồm diện tích xem như đã xử lý).

Người dân đang trồng rừng tại địa bàn xã Tân Thành.

Ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho hay, do điều kiện về đất đai, khí hậu tương đối tốt, phù hợp cho sự phát triển của cây rừng, cộng với sự đầu tư hợp lý nên đa số diện tích rừng trồng đều phát triển tốt.

Kết quả nghiệm thu trồng rừng bảo đảm về diện tích, đúng mật độ, đúng loài cây và đạt tiêu chuẩn cây giống, tỷ lệ sống bình quân trên 90%. Toàn bộ diện tích rừng trồng, đất có khả năng trồng rừng được giao khoán cho các cá nhân (đại diện hộ gia đình) thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ, PCCCR. Công tác bảo vệ rừng tự nhiên và rừng trồng hằng năm đều được BQL triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, với kết quả nghiệm thu đạt từ 98% trở lên.

Tuy nhiên, theo ông Trung, hiện nay, vẫn còn nhiều hộ dân cố tình chống đối kéo dài không thực hiện trồng rừng theo chủ trương của Quyết định số 1573, nhằm tận thu các sản phẩm nông nghiệp.

Trong thời gian tới, BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các bộ phận trong đơn vị phối hợp thực hiện tốt “Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt; xử lý thực trạng chồng lấn ranh đất giữa rừng phòng hộ với địa phương và phạm vi công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng; phối hợp các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo Quyết định số 1573 đang đề cập, đưa diện tích xử lý vào trồng rừng theo quy hoạch.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện kế hoạch giao rừng sản xuất cho người dân trồng và phát triển những loại cây phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo quy định hiện hành, đối với rừng sản xuất mà bà con có hợp đồng sẽ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, việc này nhằm khuyến khích người dân an tâm sản xuất, an tâm sử dụng và sở hữu tài sản mới để ổn định cuộc sống.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục