Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngày hội VH,TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII năm 2022: Lan toả các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer Tây Ninh
Thứ tư: 05:31 ngày 09/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày hội diễn ra từ ngày 6-8.11 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá đồng bào Khmer Nam bộ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”.

Toàn cảnh sân khấu khai mạc Ngày hội VH,TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII năm 2022 tại Sóc Trăng.

Tối 6.11 vừa qua, tại Quảng trường Bạch Đằng (thành phố Sóc Trăng), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai mạc Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022.

Ngày hội diễn ra từ ngày 6-8.11 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá đồng bào Khmer Nam bộ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”. Đến dự có ông Đỗ Văn Chiến- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Hoàng Thanh Tùng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội; ông Tạ Quang Đông- Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Ngày hội thu hút hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng là người Khmer biểu diễn, thi tài. Người dân và du khách được trải nghiệm những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian Răm-vông, Saravan, múa trống Chhay-dăm, nghệ thuật sân khấu Rô-băm và Dù Kê... qua sự trình diễn của nghệ nhân đến từ 12 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tây Ninh tham gia ngày hội với tinh thần tôn vinh những giá trị tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào Khmer tỉnh Tây Ninh trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Các tiết mục, chương trình được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nội dung mang đậm bản sắc văn hoá Khmer, gắn hoạt động văn hoá, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Trích đoạn lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer Tây Ninh.

Trưng bày, quảng bá hình ảnh đồng bào Khmer Tây Ninh

Trong khuôn khổ ngày hội, Tây Ninh tham gia triển lãm hình ảnh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh trong công tác chăm lo đời sống văn hoá và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Gian hàng triển lãm trưng bày nhiều hiện vật được Bảo tàng tỉnh sưu tầm ở các địa phương trong tỉnh, như nhạc cụ, các hiện vật về hoạt động nông nghiệp (trồng trọt, đánh bắt, chăn nuôi, chế biến…), trang phục truyền thống; bộ nhạc cụ nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, nhạc cụ ngũ âm.

Đặc biệt, còn có những hiện vật mang đậm nét văn hóa của dân tộc Khmer vẫn được giữ gìn và phát huy trong những năm qua, được chọn và trưng bày, giúp cho du khách tham quan hiểu hơn về đời sống văn hoá tinh thần cùng những nét đặc trưng rất riêng, khó hoà lẫn của đồng bào Khmer Tây Ninh.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỳ - thuyết minh viên Bảo tàng Tây Ninh cho biết: “Có thể xem dàn nhạc ngũ âm và múa trống Chhday-dăm là biểu tượng đặc trưng, nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng người Khmer tại Tây Ninh. Từ năm 2014, múa trống Chhay-dăm xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Đến tham dự ngày hội, Bảo tàng tỉnh còn trưng bày nhiều hiện vật về lễ cưới của người Khmer Tây Ninh như trang phục cưới của cô dâu và chú rể, mâm đựng trầu cau trong lễ cưới, các bộ trang sức trong ngày cưới… đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm”.

Đoàn thể thao Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm.

Chương trình nghệ thuật độc đáo

Đoàn nghệ thuật quần chúng đồng bào Khmer Tây Ninh tham dự Ngày hội với 25 thành viên là diễn viên không chuyên đang sinh sống tại ấp Bàu Ếch, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành. Đoàn tham dự các nội dung: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn giới thiệu trích đoạn, lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc.

Đạo diễn Vũ Đức Quang– dàn dựng chương trình cho Đoàn Tây Ninh chia sẻ: “Với chủ đề Phum sóc ngày hội, chương trình của đoàn Tây Ninh được đầu tư rất nhiều tâm huyết, nêu bật được bản sắc văn hoá đồng bào Khmer Tây Ninh với nhiều tiết mục ấn tượng như múa Hoa Chăm pây, ca múa Lời ru Ba Sắc, ca múa chúc mừng Chol Chnam Thmay, ca múa Lời ru Ba Sắc. Ngoài ra, đoàn Tây Ninh còn trình diễn trang phục lao động, trang phục lễ hội, trang phục lễ cưới của dân tộc Khmer, trình diễn trích đoạn lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer Tây Ninh”.

Các tiết mục múa, hát với nhiều sắc màu không chỉ giúp người xem hiểu hơn về cuộc sống thường ngày, sự phát triển vươn lên của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh mà còn thấy được những nét văn hoá đặc thù, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của địa phương. 

Bộ trống Chhay-dăm được trưng bày tại gian hàng triển lãm của Bảo tàng tỉnh Tây Ninh.

Bảng chứng nhận Múa trống Chhay-dăm xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Sôi nổi hoạt động thể thao 

Đoàn thể thao Tây Ninh tham gia Ngày hội gồm 20 thành viên là đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh. Đoàn tham gia thi đấu với 2 nội dung: kéo co và đẩy gậy.

Qua 4 ngày tranh tài sôi nổi, đoàn thể thao Tây Ninh đạt được một số thành tích đáng biểu dương và khích lệ, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc đẹp trong cộng đồng dân tộc Khmer tham gia ngày hội. Kết quả, ở bộ môn đẩy gậy đoạt 1 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ; bộ môn đồng đội nam nữ phối hợp kéo co giành 1 HCĐ.

Ông Ngô Thanh Danh- Trưởng đoàn thể thao Tây Ninh chia sẻ: “Đoàn thể thao Tây Ninh tham gia Ngày hội trên tinh thần giao lưu, học tập giữa đồng bào các dân tộc Khmer Nam bộ. Kết quả thi đấu đã phản ánh đúng khả năng của đoàn, với quá trình tập luyện nghiêm túc, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của dân tộc Khmer Tây Ninh”.

Chị Chia Ry, VĐV xuất sắc giành HCV bộ môn đẩy gậy chia sẻ: “Tôi rất vui khi đoạt được HCV và hạnh phúc vì tham gia ngày hội, tôi được giao lưu với các anh chị đồng bào Khmer nhiều tỉnh thành”.

Ông Nguyễn Nam Giang (giữa)– PGĐ Sở VH,TT&DL Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm tại gian hàng triển lãm của Bảo tàng tỉnh Tây Ninh.

Ngày hội tạo ra một không gian văn hoá ý nghĩa để các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng đồng bào Khmer Nam Bộ hội tụ, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đây là sự kiện văn hoá quy mô lớn do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ngày Hội còn là dịp tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Khmer Nam bộ, góp phần chăm lo đời sống tinh thần người dân cũng như giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khmer ở Nam bộ tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế, phát triển du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hoàng Yến

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục