Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngày khai trường nhớ Bác
Thứ hai: 21:45 ngày 04/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hòa trong không khí rộn ràng của những ngày đầu năm học mới, chúng ta lại xúc động nhớ về Người: Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người hiện thân cho cốt cách phẩm chất Việt Nam với những hướng đi đúng đắn cho cách mạng nước nhà trong đó mở ra một nền giáo dục độc lập và tiến bộ.

ngay khai truong nho bac

Sinh thời, bác Hồ rất quan tâm đến giáo dục. Ngay từ khi ngồi trên ghế trường Quốc học Huế, người đã tận mắt chứng kiến thái độ và hành động miệt thị của người Pháp đối với nhân dân Việt Nam. Từ đó, hun đúc trong Người khát vọng "tự do cho đồng bào" mà một trong những biểu hiện của nó là: tự do học tập.

Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra một trang mới cho dân tộc Việt Nam. Giữa ngổn ngang công việc, Người vẫn giành thời gian quý báu của mình để viết thư động viên khích lệ tinh thần thế hệ tương lai của đất nước, để giờ đây "Thư Bác Hồ gửi học sinh trong cả nước nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tháng 9 năm 1945" không chỉ là di sản quốc gia mà còn là tiếng lòng, hiệu triệu biết bao thế hệ Việt Nam có lý tưởng và động cơ học tập đúng đắn.

Với những ngôn từ giản dị, số lượng câu chữ vừa phải, bởi trước khi viết, bao giờ Hồ Chí Minh cũng đặt ra câu hỏi "viết cho ai", để định hướng "viết như thế nào", để rồi không chỉ các em học sinh mà thầy cô và toàn thể nhân dân như được nghe lời dặn dò của một người ruột thịt với các từ "các em học sinh" bởi đơn giản Người coi mình là "lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang".

Hiểu được cảm xúc sung sướng của một con người tự do, công dân của một quốc gia độc lập, Người đã hình dung ra không khí hồ hởi, vui tươi của các em ngày đầu tiên bước vào năm học mới. "Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam".

Hai chữ "Việt Nam" vang lên thật hào sảng nhưng cũng thật xúc động, bởi lẽ nó là máu xương, mồ hôi và công sức của ông cha ta. Khơi dậy lòng tự tôn nhưng vẫn không quên nhắc nhở ý thức "uống nước nhớ nguồn", Bác Hồ căn dặn: "các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào".

Để từ đó, nuôi dưỡng cho thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm với thành quả của thế hệ đi trước "Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà".

Hướng thế hệ trẻ chú tâm vào học tập là một đính hướng tiến bộ và nhân văn. Bởi hơn ai hết, Người ý thức: học là để làm người, học để dân tộc ta trở nên dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, để xứng đáng với một nước Việt Nam độc lập.

Yêu thương và tin tưởng, Bác Hồ đã đặt hy vọng lớn ở thế hệ tương lai. Bác dặn "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Lời căn dặn của Bác có ý nghĩa: Chính thế hệ học sinh hôm nay sẽ là người chủ tương lai của đất nước. Bằng sức mạnh của trí tuệ và tri thức của mình làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam hùng mạnh sánh vai cùng các nước năm châu. Để làm được điều đó, tất cả học sinh phải ra sức học tập và rèn luyện bản thân ngày càng tiến bộ.

Tính thời sự của bức thư không chỉ giành cho thế hệ trước, mà hôm nay và mai sau vẫn phải nỗ lực không ngừng để biến ước mong, khát vọng của Bác thành hiện thực.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh cho ta thấy,tư tưởng của Người về giáo dục được kế thừa, tiếp thu chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, giáo dục và tinh thần nhân ái Việt Nam. Tư tưởng về giáo dục của Người đã góp phần vào thắng lợi của cách mạng nước ta.

Trải qua biết bao thế kỉ với những biến cố thăng trầm của lịch sử, đất nước đã viết thêm những trang sử vẻ vang. Nhiều cái tên như Ngô Bảo Châu, Lê Bá Khánh Trình, Nguyễn Hy Hoài Lâm , Trương Đông Hưng, Hồ Đắc Thanh Chương... đã trở thành niềm tự hào của quê hương đất nước.

Hồ Chí minh đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Lê-nin, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Nga cũng từng phát biểu: “Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh”. Tri thức chính là sức mạnh, là vũ khí để chúng ta chống lại kẻ thù, chống lại sự lạc hậu, chiến thắng khó khăn, đưa đất nước đi lên, đuổi kịp nền tri thức khoa học, làm đất nước phát triển, hùng mạnh.

Thực tế đã chứng minh, trong thời đại mới, ai làm chủ được tri thức sẽ làm chủ được bản thân, làm chủ được đất nước, thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nước lớn. Và thế hệ trẻ Việt Nam đang từng ngày viết tiếp những thành công mới trên lĩnh vực tiếp cận tri thức và làm chủ công nghệ.

Năm học 2017 - 2018 đã chính thức bắt đầu trên toàn quốc với bao khí thế hăng say. Bảy mươi hai năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ gửi lá thư đầu tiên viết cho học sinh nhân ngày khai trường, giữa rừng cờ bay phấp phới, chúng ta như vẫn nghe văng vẳng đâu đây lời Bác dặn.

Lời của Bác chính là lời non sông, là ngọn đuốc sáng bất diệt soi bước chân ta trên con đường tiến tới tương lai. Thấm nhuần lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác, đội ngũ giáo viên và toàn thể học sinh cả nước bước năm học mới với một quyết tâm cao, biến nhận thức thành hành động, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giáo dục nước nhà và để báo công với Bác Hồ kính yêu!./.

Nguồn Báo GD&TĐ 

Tin cùng chuyên mục