Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nghi lễ và hội hè là cần thiết, nhưng độ "hoành tráng" quá mức thì có vẻ phục vụ cho người lớn nhiều hơn. Phải chăng để báo cáo thành tích, để thoả mãn nhu cầu "khoe con, khoe trò" của một bộ phận không nhỏ người lớn?
Đi ngang một sân khấu có treo phông tổng kết năm học của trường mầm non và hội mừng ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, tôi thấy những gương mặt bé bỏng trong veo, các cháu nhỏ xúng xính áo váy đáng yêu, độ tuổi từ 2 đến 5, có bé ngơ ngác ngây thơ, bé thì nhanh nhẹn hiểu biết...
Tiếng nhạc từ dàn loa khủng vang lên, trống bass mạnh đến rung cả mặt đất... Các bậc phụ huynh thi nhau quay phim, chụp ảnh, vui đến nỗi quên cả cảm giác khó chịu vì trống, nhạc, tiếng ồn. Có vẻ như mọi người đều đã quen thuộc và hài lòng?
Vậy cái lễ hội 1/6 hoành tráng với sân khấu lớn, nhạc trống rình rang ấy là dành cho các em hay dành cho ai? Có thật các bạn nhỏ của chúng ta cần đến một buổi lễ như vậy hay không?
Mỗi bạn nhỏ đều giữ một vai trò gì đó trong buổi lễ, không một ai bị bỏ qua. Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Thực tế, không chỉ 1/6, Trung Thu, rồi ngày Khai giảng, rất nhiều ngày lễ khác tạo cớ cho người lớn thể hiện sự quan tâm của mình đối với trẻ.
Có cảm giác, cuộc đời là chuỗi lễ hội, những ngày bình thường, yên tĩnh ít dần đi. Nhiều cơ sở giáo dục, trường học, phường xã muốn hay không muốn, cứ đến ngày đến tháng là loa đài, MC rộn rã.
Họ không cần nghĩ xem có hình thức tổ chức nào khác hay hơn không? Họ cũng không cần biết những ồn ào bề nổi thái quá có thể khiến trẻ mất mát khá nhiều những cơ hội của tuổi thơ.
Trước khi đến với một lễ hội hoành tráng, trẻ cần được tham gia vào một ngày hội trong một không gian vừa phải, quen thuộc, cho cảm giác an toàn và ấm áp trong một ngày lễ "của mình". Thời lượng cũng kéo dài không lâu đối với trẻ mầm non và đầu tiểu học, làm sao sự tập trung của trẻ không phải chịu đựng thử thách.
Tôi từng dự nhiều ngày lễ và khai giảng, tổng kết năm học của trẻ mầm non ở Nga. Sự kiện thường diễn ra ở hội trường vừa đủ rộng để bọn trẻ nhảy múa, chơi trò chơi, vừa đủ nhỏ để âm thanh từ chiếc đàn piano góc phòng vang lên rõ nét.
Không trống, không loa nhưng trẻ vẫn cảm nhận được sự trịnh trọng, hồi hộp của một ngày khác với bình thường. Mỗi bạn nhỏ đều giữ một vai trò gì đó trong buổi lễ, không một ai bị bỏ qua. Chỉ với quy mô vừa phải như thế, tiêu chí "ai cũng tham gia" mới đạt được 100%.
Thực chất, bề sâu vẫn quan trọng hơn bề nổi. Trẻ cần có cơ hội khám phá chính mình, tìm cách liên hệ với câu chuyện của những người xung quanh một cách bình tĩnh, không bị áp lực từ bên ngoài.
Sự chộn rộn từ các sự kiện quy mô lớn có thể gây những căng thẳng cho các em mà người lớn không ngờ đến. Tôi từng nghe một cậu bé phàn nàn về việc các cô bật băng ghi trước cho an toàn, trẻ lên sân khấu bỗng thành các diễn viên hát nhép.
Cậu bé đang biểu diễn thì nhất định không hát nữa. Cậu bực bội vì "bị người trong loa hát mất", đồng thời cảm thấy mình không được tin tưởng, đâm ra nghi ngờ khả năng của bản thân.
Có người bạn của tôi kể về buổi lễ dành cho trẻ mà chị được tham dự. Nhà trường thuê hẳn âm thanh bên ngoài, các chú DJ chuyên nghiệp, say nghề. Đến khi thấy trẻ và nhiều phụ huynh không chịu nổi tiếng động cường độ quá lớn, các cô giáo cũng e ngại không dám có ý kiến! Thế là tất cả phải cùng chịu trận…
Trong nhiều buổi lễ, vì quy mô sự kiện lớn nên chỉ các bạn được chọn mới lên biểu diễn, các bạn khác ngồi dưới, ban đầu còn tò mò háo hức theo dõi, sau thì sốt ruột, muốn về... Ý nghĩa về ngày lễ, sự kiện không đến được với các em, chỉ còn lại ấn tượng buồn chán, mệt mỏi, trở thành người "bên lề" không quan trọng.
Nghi lễ và hội hè là cần thiết, nhưng độ "hoành tráng" quá mức thì có vẻ phục vụ cho người lớn nhiều hơn. Phải chăng để báo cáo thành tích, để thoả mãn nhu cầu "khoe con, khoe trò" của một bộ phận không nhỏ người lớn?
Từ một cách làm đã thành lối mòn, từ những âm thanh vang dội, mạnh mẽ bất chấp tác hại cho những đôi tai, lồng ngực bé nhỏ, thật khó để từ bỏ thói quen, lựa chọn những cách làm khác dù vẫn luôn có.
Đôi khi, để làm được điều đó còn cần cả sự dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với áp lực đến từ đòi hỏi của phụ huynh hay cấp trên, nhiều khi là áp lực đến từ chính nhu cầu được báo cáo thành tích "kêu xủng xoảng" của bản thân mình.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta lưu ý nhiều hơn đến cảm xúc, câu chuyện, nhịp điệu hài hòa giữa tâm hồn và cơ thể trẻ nhiều hơn là quy mô của hoạt động, độ lớn của sân khấu và âm thanh.
Nguồn Baoquocte