Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày này năm xưa, ngày 1 tháng 10:
Chủ nhật: 10:34 ngày 01/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhân sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng sinh, ngày 1-10-1876 ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và từ trần năm 1947 tại tỉnh Quảng Ngãi khi đang trên đường đi công tác.

Cụ đỗ Giải nguyên năm 1900 và đỗ Hoàng giáp năm 1904. Cụ cùng các cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp tuyên truyền thuyết Duy tân nên bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo 13 năm.

Năm 1920 cụ được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, nhưng do chống đối khâm sứ Pháp nên từ chức và sáng lập ra tờ báo Tiếng dân ở Huế (Từ năm 1927-1943).

Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Hồ Chủ tịch đi Pháp năm 1946, cụ được trao quyền Chủ tịch nước.

Cụ còn là một sáng lập viên và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (tức Liên Việt).

* Ngày 1-10-1936, lễ đặt mối đường ray cuối cùng nối liền tuyến đường xe lửa xuyên Đông Dương được tổ chức tại ga Hảo Sơn (Tuy Hoà).

Hôm sau, ngày 2-10-1936, chuyến tàu hoả đầu tiên xuất phát từ ga Hà Nội đã tới Sài Gòn, chính thức khai thông đường sắt xuyên Đông Dương.

* Ngày 1-10-1951, theo chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Giáo dục nước ta đã ra Quyết định chính thức thành lập Khu học xá Trung ương (đặt tại Nam Ninh, Trung Quốc).

Ban Giám đốc Khu học xá gồm có các ông: Võ Thuần Nho, Nguyễn Xiển, Lê Văn Thiêm và Nguyễn Văn Chiển.

Trong 9 năm tồn tại, nhà trường đã đào tạo được nhiều cán bộ khoa học và giáo viên, sau này đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

* Ngày 1-10-1962, đoàn 759 (sau này đổi tên là 125) của bộ đội hải quân, tổ chức chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí tiếp tế cho miền Nam xuất phát từ Hải Phòng. Chiếc tàu này vỏ gỗ, có gắn máy.

Sau 10 ngày vượt biển, tàu tới đích an toàn, cập bến Vàm Lũng (miền Tây Nam Bộ).

Đến cuối năm 1962, đoàn 759 đã thực hiện được 32 chuyến chở vũ khí chi viện cho các khu 7,8 và 9 ở Nam Bộ.

Thành công của chuyến đi đã mở ra tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn đã đóng góp phần đặc biệt quan trọng vào chi viện chiến trường Miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

* Ngày 1-10-1958, tại Xuân Quan, tỉnh Hưng Yên, hệ thống thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải được khởi công xây dựng.

Hệ thống bao gồm: Hai cống lớn là Xuân Quan và Nghi Xuyên, lấy nước sông Hồng tưới cho 167 nghìn ha. Cống An Thổ làm nhiệm vụ tiêu nước ra sông Tứ Kỳ và ngăn nước Thuỷ Triều. Cùng với đó là mạng kênh, mương, cầu, cống và trạm bơm nối liền ba cống trên, bao gồm 1900 công trình lớn nhỏ với khối lượng đất phải đào là 63 triệu m3 công trình thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải căn bản hoàn thành vào tháng 5-1960.

* Nhà soạn kịch Trần Hữu Trang, sinh năm 1906 ở Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và mất ngày 1-10-1966.

Trước Cách mạng, ông đi theo các gánh hát, làm thư ký chép vở, rồi dần dần trở thành một soạn giả cải lương nổi tiếng.

Sau năm 1945, ông hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia phong trào hoà bình Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1960, ông ra vùng giải phóng đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng.

Trần Hữu Trang bắt đầu nổi tiếng từ vở cải lương "Đời cô Lựu" với nội dung tố cáo chế độ thực dân trong các đồn điền ở Nam Kỳ có nhiều mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc gay gắt. Ông còn viết các vở: "Tô Ánh Nguyệt", "Tìm hạnh phúc", "Mộng hoa Vương", "Lan Và Điệp"...

Với soạn giả Trần Hữu Trang, cải lương Nam Bộ đã có một bước tiến dài, đạt tới tính văn nghệ thật sự.

Nghệ sĩ Trần Hữu Trang đã được truy tặng Huân chương Thành Đồng và giải thưởng Hồ Chí Minh.

* Nhà giáo Lê Thước sinh năm 1890 tại Hà Tĩnh và qua đời ngày 1-10-1975.

Ông tốt nghiệp thành chung tại trường Quốc học Huế rồi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Năm 1918 ông đỗ đầu khoa thi hương cuối cùng.

Trong nghiên cứu văn học, giáo sư Lê Thước có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Nguyễn Thượng Hiền, v.v...

Là một nhà yêu nước, ông hăng hái tham gia nhiều công việc của Mặt trận Liên - Việt toàn quốc, và của tỉnh Thanh Hoá.

Hoà bình lập lại (1954), ông Lê Thước tiếp tục làm việc ở Bộ Giáo dục, rồi Bộ Văn hoá, viết nhiều công trình nghiên cứu lịch sử.

* Ngày 1-10-1949 nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập do Mao Trạch Đông làm chủ tịch.

Báo Tây Ninh
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh