Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày này năm xưa, ngày 13 tháng 10:
Thứ sáu: 09:49 ngày 13/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước sinh ngày 13-10-1913 tại làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Là một trong những học sinh Việt Nam xuất sắc nhất của trường trung học Anbesarô, vào đầu thập kỷ 30 ông được gửi sang Pháp học và thi đậu vào trường Đại học Y khoa Pari. Năm 1937 ông bảo vệ luận án bác sĩ xuất sắc.

Trong cuộc kháng chiến chống pháp, bác sĩ Trần Hữu Tước đã tham gia giảng dạy tại trường đại học Y dược Cách mạng. Hoà bình lập lại trên miền Bắc năm 1954, ông được cử làm giáo sư trường đại học Y dược Hà Nội, phụ trách bộ môn và chuyên khoa tai - mũi - họng, đồng thời đảm nhận chức vụ Giám đốc bệnh viện Bạch Mai.

Ông đã góp phần quan trọng và công tác điều trị từ Trung ương đến tỉnh, song song với việc xây dựng mạng lưới tai - mũi - họng rộng khắp, và đào tạo cán bộ T-M-H từ sơ cấp đến cao cấp. Với sự nỗ lực của ông.

Viện T-M-H Trung ương ra đời năm 1969, và ông trở thành người Viện trưởng đầu tiên. Do những thành tích đó, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều Huân chương cao quý của Nhà nước.

Ông từ trần ngày 23-10-1983, hưởng thọ 70 tuổi.

* Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912, quê Hưng Yên, nhưng cả cuộc đời gắn bó với Hà Nội. Ông mất ngày 13-10-1939.

Ông nổi tiếng với các phóng sự: "Cạm bẫy người", "Kỹ nghệ lấy Tây", "Cơm thầy cơm cô", "Lục xì"...

Từ năm 1935, ông cho xuất bản một loạt tiểu thuyết và truyện dài như: "Giông tố", "Số đỏ", "Vỡ đê", "Làm đĩ"...

Vũ Trọng Phụng đả kích cay độc thói đua đòi văn minh rởm, lố lăng, phơi trần bộ mặt xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời với những tên tư sản đểu cáng, dâm dật cùng với chính sách bần cùng hoá người lao động và nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị hiện thực phê phán tác phẩm của ông đôi lúc sa vào tự nhiên chủ nghĩa.

28 tuổi đời, 10 tuổi văn, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã để lại số lượng tác phẩm đáng kể.

* Mẹ Nguyễn Thị Suốt sinh năm 1906 tại Quảng Bình, hy sinh ngày 13-10-1968 trong khi đang chèo đò chở bộ đội qua sông.

Trong những năm Mỹ leo thang chiến tranh, tăng cường đánh phá miền Bắc, Quảng Bình là một vùng đất lửa ác liệt. Mẹ Suốt đã dũng cảm chèo đò qua sông Nhật Lệ, chuyên chở bộ đội, hàng hóa, vũ khí từ bờ bắc sang bờ nam, trung bình mỗi năm 1.400 chuyến đò.

Năm 1967, mẹ Suốt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

* Ngày 13-10-1982, Chính phủ đã có nghị định số 174 thành lập Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam.Năm 1995 Liên hiệp đổi tên là Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

Đây là một doanh nghiệp của Nhà nước về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. Tại thời điểm thành lập, Tổng công ty Cà phê Việt Nam có 68 đơn vị thành viên, trong đó có 60 doanh nghiệp và 8 đơn vị hành chính sự nghiệp.

* Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921, người làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Ông qua đời ngày 13-10-1988 tại Hà Nội.

Ông là một nghệ sĩ tài năng: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, sáng tác nhạc. Nhưng trước hết Quang Dũng là một nhà thơ, một hồn thơ trung hậu, yêu tha thiết quê hương, đất nước mình. Trong thơ của ông có một cái tôi hào hoa, thanh lịch, giàu chất lãng mạn, có khả năng cảm nhận và diễn tả một cách tinh tế vẻ đẹp thiên nhiên và tình người, đồng thời lại rất hồn nhiên, bình dị, chân thật.

Các tác phẩm chính của ông gồm có: "Một chặng đường:", "Cao Bắc", "Gương mặt hồ Tây", "Hoa lại vàng tháng Chạp", "Nhà đồi", "Phiên chợ Bắc Hà", "Mùa chim ngói dưới chân núi Ba Vì", "Mây đầu ô". Bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng rất nổi tiếng và được nhiều người yêu thích đến thuộc lòng.

* Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, quê ở tỉnh Nam Định, sinh năm 1911, mất ngày 13-10-1990.

Ông hoạt động Cách mạng rất sớm, bị giặc Pháp bắt đày ở nhiều nơi. Từ năm 1948 đến năm 1954 ông công tác tại miền Nam, giữ cương vị chủ chốt trong Xứ uỷ Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1955, ông ra Bắc và được bổ sung vào Bộ Chính trị Trung ương Đảng, phụ trách công tác tổ chức, vào Quân uỷ Trung ương. Tháng 5-1968, ông được giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Pari, và trực tiếp đàn phán với đại diện Chính phủ Mỹ để giải quyết hoà bình về vấn đề Việt Nam. Năm 1975, ông lại vào miền Nam tham gia chỉ đạo cuộc tổng tiến công mùa xuân và chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông tiếp tục giữ những chức vụ quan trọng của Đảng. Tháng 12-1986, ông được cử làm cố vấn của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Trong hơn 60 năm hoạt động Cách mạng, ông Lê Đức Thọ đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh