Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tại phiên họp thứ 40 Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế cộng sản ngày 16-8-1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (lấy tên là Phan Lan) đã đọc tham luận. Bản tham luận nêu rõ phong trào đấu tranh và những thành tích của phụ nữ Đông Dương, sau đó đề cập đến vai trò phụ nữ trong cuộc đấu tranh hoà bình.
* Quốc dân đại hội được triệu tập ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 16 đến 17-8-1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu Trung, Nam, Bắc, đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc và tôn giáo ... Đại hội đã quán triệt đường lối của Hội nghị toàn Quốc Đảng cộng sản Đông Dương đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đại hội thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh là:
- Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập ...
- Vũ trang nhân dân, phát triển Quân giải phóng Việt Nam.
- Tịch thu tài sản của giặc và Việt gian, tuỳ từng trường hợp, sung công hay chia cho dân nghèo.
- Bỏ các thứ thuế do Nhật, Pháp đặt ra, đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ.
- Ban bố những quyền dân chủ cho dân.
- Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.
- Ban bố luật lao động.
- Xây dựng kính tế quốc dân, phát triển nông nghiệp, mở mang ngân hàng.
- Xây dựng nền quốc dân giáo dục.
- Thân thiện và giao hảo với các nước đồng minh và các nước dân tộc nhược tiểu.
Đại hội còn quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa. Quốc ca là bài "Tiến quân ca" và cử ra Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Uỷ ban giải phóng dân tộc giao quyền chỉ huy cho Uỷ ban khởi nghĩa toàn quyền hành động.
Đại hội Quốc dân Tân Trào đã thể hiện được sự đoàn kết nhất trí và ý chí quyết thắng của cả dân tộc trong mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
* Giáo dục tiểu học là điều kiện cơ bản để nâng cao dân trí, là cơ sở ban đầu hết sức quan trọng cho việc đào tạo trẻ em trở thành công dân tốt cho đất nước. Với mục đích đó ngày 16-8-1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký lệnh công bố Luật phổ cập giáo dục tiểu học.
Luật này quy định chế độ phổ cập giáo dục tiểu học với nội dung chính như: Học sinh, nhà trường, gia đình, xã hội trong phổ cập giáo dục tiểu học; Quản lý Nhà nước về phổ cập giáo dục tiểu học; khen thưởng và xử lý vi phạm.