Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày này năm xưa, ngày 22 tháng 6:
Thứ sáu: 07:11 ngày 23/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nguyễn Gia Thiều sinh nǎm 1741 và qua đời ngày 22-6-1798. Ông quê ở xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Sinh ra trong một gia đình quý tộc, thuở bé ông được vào học trong phủ chúa Trịnh. Ông hiểu biết nhiều ngành nghệ thuật như âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, trang trí, làm quan được phong tước hầu.

Nǎm 1786, nhà Tây Sơn đưa quân ra Bắc Hà diệt họ Trịnh và nǎm 1789, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, lập ra triều đại mới. Nguyễn Gia Thiều được mời ra cộng tác, nhưng ông từ chối. Ông trở về quê, hằng ngày uống rượu tiêu sầu, sống như một người bất đắc chí.

Nguyễn Gia Thiều sáng tác nhiều thơ chữ Hán, nổi tiếng hơn cả là tập thơ chữ Nôm có tên là: "Cung oán ngâm khúc".

* Nguyễn Thông, nhà thơ, sinh ngày 22-6-1827 ở Phú Ngãi Trị, Vàm Cỏ, tỉnh Long An.

Nǎm 1849 ông đỗ cử nhân. Nǎm 1856 ông tham gia biên soạn bộ "Khâm Định nhân sự kim giám". Khi giặc Pháp chiếm Gia Định, ông về Nam đánh giặc.

Nǎm 1862 ông nhận chức đốc học Vĩnh Long. Thời gian này ông tích cực giúp nhân dân trong việc giáo dục. Nǎm 1871, ông bị triều đình xử oan. Sau được minh oan và được thǎng Hàn lâm viện trứ tác, lãnh chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Tại đây ông kiểm tra lại bộ "Khâm Định Việt sử thông giám cương mục". Nǎm 1881 ông được triều đình sung chức Điện nông phó sứ kiêm chức Đốc học Bình Thuận.

Các tác phẩm chính của Nguyễn Thông là : "Khâm Định nhân sự kim giám", "Dương chính lục", "Việt sử thông giám cương mục khảo lược", "Kỳ xuyên thi sao", "Kỳ xuyên vǎn sao", "Ngoa du sào tập". Ông mất ngày 7-7-1884, thọ 57 tuổi.

* Ngày 22-6-1953 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành chính sách dân tộc. Chính sách dân tộc dự trên đường lối chung là đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc, giúp đỡ nhau tiến bộ, phát tiển mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, vǎn hoá, tiến tới thành lập những khu dân tộc tự trị.

Chính sách dân tộc ra đời đã góp phần tǎng thêm sức mạnh đoàn kết kháng chiến của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

* Ngày 22-6-1965, đế Quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã giết hại anh Trần Vǎn Đang, người thợ điện 24 tuổi. Cũng như Nguyễn Vǎn Trỗi và Lê Độ, Trần Vǎn Đang đã nêu cao khí phách và tinh thần không nao núng trước bạo tàn. Trước khi chết, anh nói thẳng vào mặt quân thù: "Tao chết nhưng hàng vạn, hàng triệu đồng bào sẽ đứng lên chống lại chúng bay", và hô lớn: "Hồ Chí Minh muôn nǎm ", "Đả đảo đế quốc Mỹ!", "Việt Nam muôn nǎm!".

* Rạng sáng ngày 22-6-1941, phát xít Đức bất thình lình mở cuộc tấn công trên khắp biên giới phía Tây của Liên Xô, trải dài từ biển Ban Tích đến biển Đen.

Do yếu tố bất ngờ và chiếm ưu thế hơn hẳn về lực lượng và kinh nghiệm chiến đấu, quân Đức nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Đến cuối tháng 10-1941, mũi phía Bắc đã bao vây Lêningrát, mũi trung tâm tiến sát cách Mátxcơva 20 kilômét, mũi phía Nam tới Rôxtôp bên bờ biển Đen.

Mặc dù khó khǎn ban đầu những nhân dân Liên Xô đã kháng cự dũng cảm, ngoan cường nên chỉ trong hai tháng đầu quân phát xít Đức đã tổn thất vô cùng nặng nề.

* Ngày 22-6-1940, Chính phủ Pêtanh của Pháp đã phải ký hiệp định đình chiến với Đức. Theo hiệp định này, Pháp bị tước vũ trang hai phần ba nước Pháp bị Đức chiếm đóng, trong đó có thủ đô Pari; vùng Andat và Loren của Pháp phải sáp nhập vào Đức; Pháp phải nuôi toàn bộ quân đội chiếm đóng Đức.

Trước khi ký hiệp định này, Pháp bị thất bại nặng nề trong trận Đoongkeccơ (Dunkerque) (từ ngày 26-5 đến ngày 4-6-1940), phải "bỏ ngỏ" thủ đô Pari. Chính phủ Pháp bỏ chạy về Tua (ngày 10-6) và ngày 16-6-1940, Râynô từ chức, Pêtanh lên cầm đầu chính phủ Pháp đã xin đầu hàng Đức.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh