Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhà nghiên cứu văn học, Giáo sư Đặng Thai Mai bút hiệu Thanh Tuyền, sinh ngày 15-12-1902, quê quán huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước. Năm 1928 tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, ông được bổ dạy học ở trường Quốc học Huế. Vì tham gia "Đảng Tân Việt", ông bị bắt hai lần. Năm 1936 ông là Hội viên Hội Truyền bá chữ quốc ngữ và ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Ông là người đầu tiên viết về lý luận văn học theo quan điểm mác xít và nổi tiếng ngay với tác phẩm "Văn học khái luận". Ông còn viết về thân thế sự nghiệp các nhà văn hào lớn Trung Quốc qua các tác phẩm của Lỗ Tấn, Tào Ngu mà ông dịch ra tiếng Việt. Ngoài ra ông còn có các tác phẩm "Tạp văn trong văn học Trung quốc hiện đại", "Lôi Vũ", "Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hoá phục hưng", "Thơ văn Phan Bội Châu", "Thơ văn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX".
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, Đại biểu quốc hội. Ông mất ngày 25-9-1984 tại Hà Nội. Ông được tặng huân chương Hồ Chí Minh.
* Tômơt Han Moocgan (Thomas Hunt Morgan) sinh ngày 25-9-1866 tại Mỹ. Năm 20 tuổi ông tốt nghiệp đại học. Năm 24 tuổi đã nhận học vị tiến sĩ khoa học.
Lúc đầu Moocgan nghiên cứu về phôi sinh học thực nghiệm, sau đó sang vấn đề di truyền. Năm 1910 ông công bố công trình "Nhân tố di truyền". Năm 1915 ông xuất bản cuốn "Cơ chế của di truyền học Mendenl" để chứng minh sự đúng đắn của học thuyết. Năm 1926 ông có tác phẩm "Học thuyết về gen" để trình bày rõ và sâu về cơ sở vật chất nhiễm sắc thể và gen của tính di truyền.
Ông là viện sĩ của các viện hàn lâm Nga, Mỹ. Ông được giải thưởng Nobel về sinh lý học năm 1933. Ông mất năm 1945, thọ 79 tuổi.
* Lỗ Tấn là nhà văn Cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc. Ông sinh ngày 25-9-1881 tại tỉnh Triết Giang.
Năm 18 tuổi, ông đến Nam Kinh học hàng hải và mỏ. Tiếp thu tư tưởng mới và trong ông hình thành quan điểm "Sinh mệnh lớp sau bao giờ cũng có ý nghĩa hơn, hoàn thiện hơn lớp trước". Sau ông học y ở Nhật Bản nhưng lại chuyển sang làm văn nghệ.
Cách mạng Tháng Mười đã rung động sâu sắc tâm hồn ông. Ông viết các tác phẩm "Nhật ký người điên", "Gào thét", "Bàng hoàng" và hàng loạt bài lên án chủ nghĩa đế quốc. Ông mất ngày 9-10-1936. Khi tiễn đưa ông, dân chúng và giới văn nghệ sĩ đã phủ lên quan tài ông một lá cờ thêu ba chữ "Hồn Dân Tộc".
* Êrich Maria Rơmác là nhà văn Đức, sinh ngày 22-6-1898. Các tác phẩm của ông thể hiện sâu sắc tinh thần đấu tranh không mệt mỏi cho hoà bình và hạnh phúc của con người. Bằng cách kể chuyện điêu luyện và hấp dẫn, với óc quan sát tinh tế và sắc sảo, tiểu thuyết của ông đã gây hứng thú cho đông đảo độc giả nhất là khi ông bầy tỏ nỗi xúc động đau đớn về thân phận dân tộc cũng như nhân loại.
Chính vì vậy ông được coi là nhà văn hiện đại tiêu biểu của Đức. Các tác phẩm chính của ông là: "Phía Tây không có gì lạ", "Khải hoàn môn", "Tia lửa sống", "Thời gian để sống và thời gian để chết", "Đường về"...
Ông mất ngày 25-9-1970 tại Thuỵ Sĩ.