Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từ ngày 3 đến 5-7-1954 tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội đàm với Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai về vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương và những vấn đề có liên quan trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ. Cùng tham gia có đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tướng Trần Văn Quang.
Trong thời gian lưu tại đây, Người đã thăm lại sông Liễu Giang và núi Ngự Phong, nơi 10 năm trước Người đã rèn luyện sức khoẻ sau khi ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng Trung Quốc.
* Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản sinh ngày 3-7-1917, quê ở làng Liễu Viên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
Năm 20 tuổi, ông đã làm phóng viên cho các tờ báo của Đảng như: Tin tức, Bạn dân... Năm 1939, một mình ông đạp xe đi vòng quanh Đông Dương, vừa đi vừa chụp ảnh. Ông đã tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội và Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Tây). Tháng 11-1945, ông được cử làm Trưởng phái đoàn thanh tra mặt trận Nam bộ. Sau 9 năm kháng chiến, trong đoàn quân từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ Đô có nhà báo Nguyễn Bá Khoản.
Ông đã nhanh nhạy ghi được những hình ảnh, những người vào thời khắc hiếm hoi của lịch sử như: Cảnh đồng bào Hà Nội mít tinh trước Nhà hát lớn ngày 17-8-1945, cướp chính quyền ở phủ Khâm sai, lễ mừng đất nước độc lập tại Vườn hoa Ba Đình, hai chiến sĩ "Sao vuông" ôm bom ba càng chờ xe tăng Pháp ở Ngã Tư Hàng Đậu, những lính Pháp cuối cùng đi trên cầu Long Biên rút khỏi Hà Nội...
Năm 1991, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản tổ chức triển lãm ảnh của mình lần đầu tiên. Hai năm sau, ông qua đời.
Tháng 9-1996, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho 5 tác phẩm ảnh của Nguyễn Bá Khoản chụp Bác Hồ và kháng chiến.
* Từ ngày 3 đến ngày 31-7-1950, trên địa bàn huyện Chợ Lách và huyện Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre), Bộ Tư lệnh khu 9 đã huy động một trung đoàn tấn công các lô cốt, tháp canh, nhằm thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch, mở rộng vùng căn cứ của ta.
Chiến dịch Bến Tre được chia làm hai đợt. Kết quả là: Địch bị chết 230 tên, bị bắt 25 tên. Ta thu được một số vũ khí, bắn hỏng của địch hai xe lội nước, đốt cháy hai thuyền máy.
* Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Liên Việt Nam bộ, ngày 3-7-1955, công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn tổ chức hai cuộc biểu tình lớn đòi trả lại tự do cho những người trong "Ủy ban cứu trợ nạn nhân chiến tranh", kết hợp đòi hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất Tổ quốc.
Bảy ngày sau, ngày 10-7, các cuộc bãi công, bãi thị phản đối Mỹ Diệm khủng bố nhân dân, đòi hoà bình thống nhất nước nhà liên tiếp nổ ra. Chính quyền Diệm đã huy động nhiều lực lượng quân sự, cảnh sát để chống biểu tình. Bất chấp mọi ngăn cản, đàn áp, khắp miền Nam có từ 60 đến 90% đồng bào tham gia bãi công, bãi thị. Ở Sài Gòn, cuộc tổng bãi công làm tê liệt hoạt động của thành phố trong 10 giờ.
* Ngày 3-7-1980 tại Cremli, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã tiến hành lễ ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phần phía Nam Việt Nam.