Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từ ngày 30-9-1974 đến ngày 8-10-1974 Hội nghị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Hà Nội để duyệt kế hoạch tác chiến chiến lược 1975. Hội nghị nhất trí đánh giá tình hình miền Nam như sau:
Quân Ngụy ngày càng suy yếu. Lực lượng ta mạnh hơn hẳn địch ở miền Nam. Mỹ gặp khó khăn trong nước và thế giới. Ta tạo được một thế liên hoàn, đã tăng cường được lực lượng và dự trù vật chất. Phong trào đòi hoà bình, dân sinh, dân chủ, độc lập dân tộc, đòi lật đổ Thiệu lên cao.
Hội nghị rút ra kết luận: "Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng nhảy lại vào miền Nam, và dù chúng có thể can thiệp như thế nào đi chăng nữa cũng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn". Hội nghị nhất trí thông qua dự thảo của Bộ Tổng tham mưu chọn chiến trường Tây Nguyên là hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975.
* Lý Chính Thắng tên thật là Nguyễn Đức Huỳnh, sinh năm 1917, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông vào hoạt động cách mạng ở Nam Bộ, tham gia Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn và gây dựng cơ sở Đảng ở khu vực Đakao.
Tháng 3-1945, ông ra Bắc để xin chỉ thị của Trung ương Đảng, sau đó lại trở về Nam, mang theo nghị quyết về khởi nghĩa vũ trang cho Xứ uỷ Nam Kỳ.
Đầu năm 1946, ông được nhân dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn bầu vào Quốc hội khoá I, sau ngày Nam Bộ kháng chiến, ông hoạt động trong ngành giao thông liên lạc tại vùng Sài Gòn bị giặc Pháp chiếm đóng. Giặc bắt, tra tấn cực hình, ông không khai báo, và đã mất tại bệnh viện Chợ Rẫy ngày 30-9-1946.
Năm 1949, Chủ Tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Lý Chính Thắng Huân chương Độc lập hạng nhì "Vì đã lập nhiều thành tích oanh liệt và hy sinh anh dũng".
* Nhà sử học Văn Tân thật là Trần Đức Lức sinh năm 1913 quê ở Hà Tây, qua đời ngày 30-9-1988 tại thủ đô Hà Nội.
Ông tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 1930 bằng việc viết báo, viết sách.
Là một nhà nghiên cứu văn học, sử học, Văn Tân để lại một số tác phẩm: "Vượt ngục", "Từ điển Trung - Việt", "Văn học trào phúng Việt Nam", "Từ điển tiếng Việt".
* Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh năm 1913 tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, qua đời ngày 30-9-1989.
Năm 1933, ông bắt đầu học khoa kiến trúc sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Sau 5 năm học tập, ông đỗ thủ khoa và trở về Sài Gòn làm việc. Ông có biệt tài tổ chức không gian và khéo léo khai thác những tinh hoa của di sản kiến trúc truyền thống trong các thiết kế của mình.
Từ trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã tham gia các hoạt động yêu nước chống Pháp - Nhật. Tháng 8-1945, tham gia chính quyền ở Sài Gòn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền ở Nam Bộ và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sau Hội nghi Giơnevơ, ông được Đảng phân công hoạt động ở nội thành Sài Gòn, được bổ sung vào Thành uỷ. Năm 1959, ông ra vùng giải phóng, phụ trách công tác vận động trí thức, tư sản. Cuối năm 1960 ông được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Tháng 6-1969, ông được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam.
Từ năm 1976 đến khi qua đời, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã giữ chức vụ: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Là một trí thức yêu nước, một chiến sĩ cách mạng có nhiều cống hiến cho đất nước. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã được thưởng nhiều Huân chương cao quý và Giải thưởng Hồ Chí Minh.