Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày này năm xưa, ngày 6 tháng 6:
Thứ ba: 10:35 ngày 06/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 6-6-1884, Chính phủ Pháp đưa ra một Hiệp ước, yêu cầu triều đình Huế kí nhận.

Hiệp ước này gọi là hiệp ước Patơnốt, gồm 19 khoản. Nội dung cơ bản giống như hiệp ước ngày 25-8-1883, nghĩa là triều đình Huế thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Phần đất còn lại đặt dưới chế độ "bảo hộ" của Pháp. Nước Pháp sẽ thay mặt triều đình Huế trong mọi quan hệ đối ngoại. Pháp đưa thêm mấy tỉnh Bình thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá vào Trung Kỳ, và về danh nghĩa là cho triều đình cai quản, nhưng dưới sự bảo hộ của Pháp.

* Mai Xuân Thưởng sinh nǎm 1860, quê ở xã Bình Thành, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, đỗ cử nhân, giỏi võ, có tinh thần yêu nước cǎm thù giặc.

Nǎm 1855, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông cùng với các sĩ phu khác chiêu mộ nghĩa quân và đã tiêu diệt nhiều binh lính của địch. Giặc Pháp nhiều lần gửi thư dụ hàng cho Mai Xuân Thưởng nhưng không lay chuyển được ý chí của ông. Bọn giặc đã bắt mẹ của ông cùng một số người trong làng. Được tin này, ông đã ra gặp bọn chúng để tránh cho mẹ ông và dân làng khỏi chịu khổ nhục. Giặc dụ ông hàng, ông nói: "Chỉ có thể chém đầu tôi, chứ không thể bắt tôi đầu hàng".

Ngày 6-6-1887, bọn giặc đã xử tử Mai Xuân Thưởng, lúc đó ông mới 27 tuổi. Ở Hà Nội có một đoạn đường phố mang tên Mai Xuân Thưởng.

* Hoảng sợ trước phong trào cách mạng Việt Nam ngày càng lên cao, một mặt đế quốc Pháp ra sức đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng trong nước; mặt khác chúng cấu kết với các nước đế quốc khác bắt bớ cán bộ lãnh đạo của Đảng ta đang hoạt động ở nước ngoài. Với âm mưu đó, thực dân Anh đã bắt giam đồng chí Nguyễn Ái Quốc một cách trái phép vào ngày 6-6-1931 tại số nhà 186, phố Tam Lung, Cửu Long, Hương Cảng - Trung Quốc, vu cho Người là "Tay sai của Nga-Xô", "Có âm mưu phá hoại chính quyền Hương Cảng". Chúng bí mật giam đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong một xà lim riêng ở Hương Cảng, luôn có nhiều cảnh sát canh giữ.

Mùa xuân nǎm 1933 với sự giúp đỡ của luật sư Anh Lôdơbai, đồng chí Nguyễn Ái Quốc mới được trả tự do.

* Ngày 6 tháng 6 nǎm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 58/SL đặt 3 loại huân chương: Sao Vàng, Hồ Chí Minh, Độc Lập, do Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra sắc lệnh tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân, hoặc các nhân vật người nước ngoài có công với nước Việt Nam.

- Huân chương Sao Vàng chỉ có 1 hạng "để tặng những người có công đức vĩ đại với dân tộc".

- Huân chương Hồ Chí Minh có 3 hạng: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba "để tặng những người có tài, có đức, có công với dân tộc".

- Huân chương Độc Lập có 3 hạng: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba "để tặng những người có công đặc biệt trong việc cứu quốc hoặc kiến quốc".

* Từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam nước ta đã ra nghị quyết thành lập chế độ cộng hoà miền Nam, nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, và Hội đồng cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.

Đại hội này cũng đã ra lời kêu gọi quân và dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.

Ngay trong tháng 6-1969, đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao.

* Từ ngày 5 đến 8-6-1976 đã diễn ra hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc. Hội nghị đã nghe báo cáo của Tổng Công đoàn Việt Nam và Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam, thông qua nguyên tắc thống nhất tổ chức công đoàn hai miền, thông qua danh sách Ban Chấp hành Tổng Công đoàn, Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký và Ban Kiểm tra tài chính.

Hội nghị quyết định lấy tên Công đoàn thống nhất toàn quốc là Tổng Công đoàn Việt Nam.

Thế giới:

* Pie Coónây (Pierre corneille) là người đặt nền móng và là đại biểu xuất sắc của nền bi kịch cổ điển Pháp. Ông sinh ngày 6-6-1606 và mất ngày 1-10-1684.

Được hưởng một nền giáo dục vững vàng, kiến thức sâu rộng, từ nǎm 23 tuổi Coónây đã sáng tác kịch thơ. Ông có hàng loạt hài kịch. Nhưng chính tác phẩm bi kịch mới làm tên tuổi ông rạng rỡ. Tiêu biểu là các vở bi-hài kịch xuất sắc có ý nghĩa chuyển giai đoạn là "Mêđê", "Lơ xít", và tiếp theo là các vở bi kịch nổi tiếng "Orax", "Xina".


Các sáng tác của Coónây góp phần vào giai đoạn phát triển của nền bi kịch cổ điển Pháp và đưa nó đến trình độ hoàn chỉnh.

* Puskin, nhà thơ, nhà vǎn thiên tài của nước Nga sinh ngày 6-6-1799 trong một gia đình quý tộc Mátxcơva.


Từ nhỏ Puskin được hưởng mọi điều kiện để học tập và phát triển tài nǎng. Thắng lợi của quân dân Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống Napôlêông đã bồi dưỡng cho ông thêm tinh thần yêu nước, yêu tự do, chống cường quyền bạo lực, cǎm ghét ách nô dịch. Thời học sinh, Puskin đã sáng tác một số bài thơ, tiêu biểu là bài "Hồi ức ở Hoàng Thôn", báo hiệu tài nǎng và hướng đi tương lai của nhà thơ.


Sau khi tốt nghiệp trung học Puskin làm việc ở Bộ Ngoại giao. Thời gian này, khí thế cách mạng sôi nổi, ông đã viết một số bài thơ cổ vũ nhiệt tình đấu tranh chống chế độ Nga hoàng, kêu gọi giải phóng nhân dân. Nga hoàng ra lệnh trục xuất ông khỏi Pêtecbua và lưu đày. Trong thời gian bị lưu đày, ông tiếp tục làm thơ. Về phương pháp sáng tác, từ chủ nghĩa lãng mạn cách mạng với những bài thơ trữ tình ông chuyển sang phương pháp hiện thực viết về cuộc sống hàng ngày phong phú, đầy hương vị của đất nước Nga. Cuốn tiểu thuyết thơ "Epghênhi Ônhêghin", vở bi kịch lịch sử "Bôrit Gôđunốp", những tác phẩm vǎn xuôi "Người da đen của Piôt đại đế", "Người trưởng trạm", "Người con gái viên đại uý"... là những tác phẩm đặt nền móng cho phương pháp hiện thực ở nước Nga.


Puskin đã tham gia trận quyết đấu vào ngày 10-2-1837 để bảo vệ danh dự, và ông đã bị sát hại. Nhân dân Nga vô cùng thương tiếc nhà thơ vĩ đại mà sự nghiệp gắn chặt với cuộc vận động cách mạng Nga đầu thế kỷ XIX, một người đã có nhiều đóng góp cho nền vǎn học Nga.

* Ngày 6-6-1875, Thômát Man (Thomas Mann), người Đức, đã sinh ra và ông qua đời ngày 12-8-1955. Ông là nhà vǎn hiện thực phê phán nổi tiếng của nước Đức, được nhận giải Nôben về vǎn học nǎm 1929.


Thômát Man kiên quyết chống chế độ quốc xã phát xít, phê phán xã hội tư bản, tiếp tục truyền thống nhân đạo của Gớt và Silơ.

* Ngày 6-6-1882, Sêly ở thành phố Niu Oóc (Hoa Kỳ) đã đǎng ký phát minh bàn là điện. Tuy nhiên, vào lúc đó, nó chưa được sử dụng nhiều bởi vì trong các ngôi nhà ở chưa được nối với lưới điện.


Còn ở nước Pháp, chính Calo là người đã góp phần thương mại hoá bàn là điện bằng cách chế tạo mẫu đầu tiên của mình vào nǎm 1913.

Báo Tây Ninh
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh