Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm, cụ thể hoá, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các đề án thành phần của chiến lược gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 33.
“Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh được quan tâm, nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch thực hiện”- đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Lấy nhân dân làm chủ thể
Nhiều giá trị văn hoá, các quy định pháp luật và quy chế, quy tắc ứng xử văn hoá được thẩm thấu vào đời sống, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, mỗi gia đình và cá nhân. Các cấp, các ngành, nhất là ngành Giáo dục đã tích cực phối hợp với ngành văn hoá và các cấp bộ Đoàn tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quan trọng tạo hành lang pháp lý triển khai hiệu quả các hoạt động văn hoá.
Chương trình nghệ thuật "Tây Ninh khúc hát tự hào" do Báo Nhân dân tổ chức tại Khu Du lịch Núi Bà đen. Ảnh Lê Văn Hải
Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở được các địa phương, đơn vị quan tâm đầu tư, chú trọng, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia, lấy nhân dân làm chủ thể, địa bàn tác nghiệp là phường, xã, thôn bản, thông qua việc xây dựng các hương ước, quy ước; đồng thời tập trung xây dựng môi trường văn hoá công sở, trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, môi trường văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân, môi trường số.
Các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm, cụ thể hoá, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các đề án thành phần của chiến lược gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 33.
Thực hiện nếp sống văn minh
Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai sâu rộng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề, chỉ đạo triển khai thực hiện, từng bước loại bỏ các tập tục mê tín, dị đoan cản trở sự phát triển. Tệ nạn và những biến tướng ở lễ hội có chiều hướng giảm, môi trường văn hoá ở phần lớn các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo dần đi vào nền nếp, lành mạnh hơn. Xã hội hoá các hoạt động văn hoá ngày càng được mở rộng, tích cực huy động các nguồn lực tham gia xây dựng đời sống văn hoá, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, lòng nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, tri ân gia đình chính sách, chia sẻ với các đối tượng xã hội gặp khó khăn. Xuất hiện một số phong trào, mô hình văn hoá mới, tiêu biểu tại cơ sở.
Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao được quan tâm đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Nhà nước khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để Nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng, từng bước đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Công tác quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hoá ngày càng được nâng cao, cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động, góp phần triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước và địa phương.
Chính sách xã hội được duy trì và thực hiện tốt; phúc lợi xã hội, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, nhất là ở các xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hoạt động văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng được quản lý tốt hơn, tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hoá; từng bước thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hoá giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội.
Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện thường xuyên, thường kỳ. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo được khuyến khích triển khai thực hiện; xuất hiện ngày càng nhiều những nghĩa cử và hành động cao đẹp, góp phần khẳng định và lan toả những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
Xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế
Việc xây dựng văn hoá trong chính trị được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương về xây dựng văn hoá trong chính trị, tăng cường kỷ luật của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định rõ các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là: yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Việc xây dựng và thực hiện quy chế văn hoá công sở, cải cách thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước được các cấp, các ngành quan tâm triển khai. Nhiều địa phương ban hành nghị quyết, đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành gắn vói công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, thực hiện miễn nhiệm, từ chức... theo quy định của Đảng, Nhà nước; vừa giữ nghiêm kỷ cương, vừa thể hiện rõ nét tính nhân văn, để lại dấu ấn tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Xây dựng văn hoá trong kinh tế được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tích cực quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần tích cực vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng văn hoá trong kinh tế, phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được quan tâm. Cụ thể, công nhận ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam”; ban hành quy chế xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”...
Các ban, bộ, ngành Trung ương phối hợp với Hiệp hội Phát triển doanh nghiệp Việt Nam và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” nhằm xây dựng văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân; đồng thời lan toả giá trị tốt đẹp của văn hoá kinh doanh Việt Nam ra thế giới. Sau 8 năm thực hiện cuộc vận động, môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi. Các phong trào xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Hệ thống các quy chế, quy định, nguyên tắc của doanh nghiệp được xây dựng, các chiến lược kinh doanh, giá trị cốt lõi được xác định phù hợp, tạo nên bản sắc riêng cho nhiều doanh nghiệp.
Việt Đông
(còn tiếp)