Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày thơ Việt Nam: Truyền cảm hứng sống cùng khát vọng lớn lao của dân tộc
Thứ năm: 00:03 ngày 13/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày thơ Việt Nam được tổ chức sôi nổi ở nhiều nơi trong cả nước nhằm tôn vinh những thi sĩ nổi tiếng cũng như những áng thơ văn bất hủ.

Tiết mục ngâm thơ của nhà văn Trầm Hương tại chương trình. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Ngân vang “Bài ca thống nhất”

Ngày 12/2, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Thành phố năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tham dự chương trình.

Đây là năm thứ hai, Ngày thơ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một sự kiện trong chuỗi hoạt động Lễ hội Nguyên tiêu tại Thành phố. Với chủ đề “Bài ca thống nhất”, Ngày thơ Việt Nam 2025 đánh dấu nửa thế kỷ non sông liền một dải. Đây cũng là dịp nhìn lại dòng chảy thi ca của Thành phố trong suốt 50 năm qua và điểm danh thế hệ nhà thơ tiếp nối con đường sáng tạo.

Diễn ra trong hai ngày 11 và 12/2 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng) tại khuôn viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố (số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3), Ngày thơ Việt Nam 2025 với nhiều hoạt động giao lưu giữa người làm thơ và người yêu thơ. Bên cạnh Sân thơ trẻ và Sân thơ thiếu nhi còn có 17 lều thơ của 11 câu lạc bộ thơ trên địa bàn.

Là thành viên Câu lạc bộ “Tiếng thơ bên dòng kênh đôi” của Quận 8, nhà thơ Phương Mai chia sẻ: “Ngày thơ là dịp để các nhà thơ phát huy truyền thống yêu thơ, yêu văn học Việt Nam. Bởi khi làm thơ, chúng tôi đều tận dụng hết những vốn từ ngữ, sự hiểu biết về văn học, tích lũy lại thành ngôn từ, ý thơ hay và đặc sắc nhất để đưa vào tác phẩm”.

Theo nhà thơ Phương Mai, chị thường viết nhiều thể loại thơ như song thất lục bát, thơ tự do, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú… Mỗi thể loại đều đem đến cho chị niềm cảm hứng riêng. Chị mong rằng, những tác phẩm của mình góp phần làm phong phú thêm trong dòng chảy thơ ca của Thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

Tiếp nối hiệu ứng từ những năm trước, không gian Đường thơ năm nay giới thiệu 12 tác giả tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975-2025 như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Hoài Vũ, Lê Giang, Viễn Phương, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền… Bên cạnh đó, không gian triển lãm còn có thêm “Gương mặt mới cho kỷ nguyên mới” giới thiệu 8 tác giả dưới 35 tuổi đang được công chúng yêu mến như, Minh Anh, Trần Đức Tín, Trần Văn Thiên, Đoàn Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Trần Khải Duy, Huỳnh Xuân Tùng, Lương Phan Huy Bảo, Trần Trọng Đoàn.

Bên cạnh các phần diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nghi thức không thể thiếu tại Ngày thơ Việt Nam, Ngày thơ năm nay giới thiệu đến công chúng Thành phố trích đoạn trong trường ca Đường tới thành phố, tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 của nhà thơ Hữu Thỉnh. Đồng thời lắng nghe các nhà thơ từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như Trần Thế Tuyển, Lương Minh Cừ, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Bính Hồng Cầu…; giao lưu “Giọng thơ trẻ ở thành phố trẻ” với những bài thơ của các tác giả trẻ: Trần Đức Tín, Đoàn Nguyễn Anh Minh, Trần Trọng Đoàn, Thanh Hoa.

Nhà văn Phương Mai giới thiệu về không gian thơ của Câu lạc bộ "Nhà thơ bên dòng kênh đôi" của Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Ngày thơ Việt Nam 2025 còn có chương trình trao giải cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2, ra mắt tuyển tập thơ “Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya”; chương trình giao lưu “Sức trẻ thơ phương Nam trong dòng chảy thơ Việt” với sự tham gia của các tác giả Quang Chuyền, Đinh Nho Tuấn, Đào Phong Lan, Minh Đan…

Bà Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Ngày thơ Việt Nam là một lễ hội thi ca không chỉ dành riêng cho những người cầm bút mà còn là ngày hội văn hóa dành cho tất cả những ai biết yêu thơ ca, trân quý nâng niu những rung động trìu mến của người sáng tạo và của công chúng thưởng ngoạn.

Theo bà Trịnh Bích Ngân, “Bài ca thống nhất” là cột mốc để mỗi con người nhìn lại và tôn vinh thơ ca của Thành phố Hồ Chí Minh trong cội nguồn thơ ca Việt Nam, trong đó có dòng chảy của thơ ca phương Nam. Trong nhịp sống hòa bình, thơ ca tiếp tục làm chỗ dựa tinh thần không chỉ cho người sáng tạo nên mà còn cho cộng đồng, cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thắp lên ngọn lửa tin yêu nơi con người.

Ngày thơ trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến

Cùng ngày, tại Trường Trung học cơ sở xã Trung Lương (huyện Bình Lục), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, UBND huyện Bình Lục và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức chương trình Ngày thơ Việt Nam chủ đề “Tổ quốc bay lên - Sắc xuân vườn Bùi”. Hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 116 năm Ngày mất của Nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

Tại chương trình đã diễn ra các hoạt động như, Lễ dâng hương tưởng niệm 116 năm Ngày mất nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (tại Từ đường Nguyễn Khuyến thuộc làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục); tái hiện không gian Tết xưa, trưng bày sản phẩm tiêu biểu và sản phẩm OCOP của địa phương; tái hiện trường thi xưa (tại đình làng Vị Hạ); trưng bày báo Xuân và ấn phẩm về Nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến; chương trình ngày thơ trên quê hương Nguyễn Khuyến gồm: Nghi thức đánh trống khai mạc Chương trình Ngày thơ Việt Nam; nghi thức kéo cờ thơ và ngâm thơ; nghi thức khai bút tân xuân; giao lưu thơ, ngâm bình thơ; nghi thức thả thơ và chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh biểu diễn...

Tại Lễ dâng hương tưởng niệm 116 năm Ngày mất nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của huyện Bình Lục cùng các ngành liên quan trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Từ đường Nguyễn Khuyến - nơi thờ tự, lưu giữ nhiều kỷ vật gắn bó mật thiết với cuộc đời nhà thơ.

Lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thực hiện nghi thức kéo cờ Thơ. Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng khẳng định, Di sản văn hóa mà Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến để lại là những áng thơ văn cùng tư tưởng yêu nước, thương dân vẫn được lưu truyền rộng rãi, chạm đến trái tim mỗi người Việt Nam và luôn được quan tâm, gìn giữ, bảo vệ và phát huy. Tại nơi đây, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức chủ đề “Tổ quốc bay lên - Sắc xuân vườn Bùi” như một lời tri ân sâu sắc và tiếp nối tinh thần của các bậc thi nhân. Sự kiện này không chỉ tôn vinh những áng thơ bất hủ mà còn lan tỏa nguồn cảm hứng, tạo động lực và khí thế khởi đầu một năm mới tràn ngập yêu thương, hạnh phúc.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ngô Thanh Tuân cho biết thêm: Chương trình Ngày thơ Việt Nam trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được tổ chức là dịp để tri ân Nguyễn Khuyến - nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đây cũng là dịp kỷ niệm tròn 190 năm Ngày sinh và 116 năm Ngày mất của ông. Đồng thời là dịp để tưởng nhớ một cốt cách sống tiêu biểu của một nhà Nho yêu nước, một nhà thơ lớn của dân tộc. Chính vì vậy, Ban Tổ chức quyết định lựa chọn chủ đề của chương trình hôm nay cũng đồng thời là chủ đề Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 “Tổ quốc bay lên” với mong muốn những vần thơ được cất lên từ quê hương Nguyễn Khuyến sẽ lan tỏa cùng những vần thơ trên khắp mọi miền, ngợi ca những thành tựu của đất nước, truyền cảm hứng sống và sáng tạo cùng khát vọng lớn lao của dân tộc tới toàn xã hội.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục