Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngày xưa… Bến Củi
Thứ tư: 07:21 ngày 16/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bến Củi không chỉ có từ thời kỳ đầu lập phủ Tây Ninh. Xa xưa hơn, đây cũng là nơi nhân dân các thời kỳ trước nữa từng cư trú.

Đọc cuốn Truyền thống cách mạng xã Bến Củi (1945-1975) do Đảng bộ huyện Dương Minh Châu phát hành năm 2017, lời nói đầu có đoạn “Người dân Bến Củi đại bộ phận từ miền Bắc, miền Trung vào làm phu (còn gọi dân công-tra)” thấy có gì còn chưa đúng. Nếu vậy thì những người dân bản địa đã đi đâu, trong quá trình hình thành và phát triển tỉnh Tây Ninh?

Cũng theo sách này, thì chuyến công-tra: “Đầu tiên xuất hiện ở Bến Củi vào năm 1927 gồm 12 người từ miền Bắc vào. Năm 1928, đồn điền cao su Bến Củi lại mở thêm đợt 2 với 40 người. Năm 1929, mộ phu đợt 3 hơn 100 người…”. Vậy thì cả 3 chuyến “công- tra” mới chỉ có khoảng hơn 150 người phu mộ cao su vào Bến Củi.

Ngày nay, con cháu họ vẫn sinh sống chủ yếu ở làng 2 và làng 3 (ấp 2 và ấp 3). Trước năm 1984, xã Bến Củi chỉ có 3 làng (ấp) thì làng 1 chủ yếu là dân địa phương. Đến năm 1984 lập thêm làng (ấp) 4 gồm dân xã Lộc Ninh tái định cư, sau khi nhường đất cho công trình thuỷ lợi lòng hồ Dầu Tiếng.

Vậy thì ít ra cũng có 2/4 ấp của xã Bến Củi ngày nay là dân bản địa. Số dân này thuộc các thôn làng có từ buổi ban đầu lập phủ Tây Ninh (1836). Vậy sao có thể viết là “người dân Bến Củi đại bộ phận từ miền Bắc, miền Trung vào làm phu” cho được.

Nhà máy và đồn điền cao su Bến Củi năm 1931. Ảnh tư liệu Đ.H.T

Sách này cũng viết: “Về mặt hành chính, dưới thời Pháp thuộc, vùng Bến Củi thuộc làng Đôn Thuận, tổng Hàm Ninh Thượng, quận Thái Bình tỉnh Tây Ninh…”. Có thể do thiếu thông tin, nên tác giả sách không viết về Bến Củi trước thời Pháp thuộc ra sao.

Bến Củi ban đầu thuộc Đôn Thuận là đúng, nhưng trong mục ghi chú của đoạn văn trên, sách viết: “Năm 1890, thực dân Pháp chia Tây Ninh thành 2 quận, quận Thái Bình và quận Trảng Bàng…” lại là sai. Bởi năm 1890 còn chưa lập tỉnh Tây Ninh (1900) thì lấy đâu ra để chia thành quận. Nếu có tái bản, nên tham khảo tác giả Nguyễn Đình Tư trong bài Tây Ninh Xưa và Nay (Tạp chí Xưa và Nay, số 96, năm 2001).

Theo tác giả trên, thì ngay từ “năm 1862, chính quyền Thực dân đã… thành lập hạt Thanh tra Tây Ninh… Ngày 17.8.1863 trích một phần đất trên địa bàn các huyện cũ trên đây để thành lập hạt Thanh tra Trảng Bàng… Đến ngày 5.6.1871 hạt Thanh tra Trảng Bàng bị giải thể, nhập địa bàn vào hạt Thanh tra Tây Ninh…

Ngày 5.1.1876 toàn Nam kỳ được chia thành 4 vùng hành chính (circonscription). Mỗi vùng có một số tiểu khu, ta gọi là sở Tham biện… Sở Tham biện Tây Ninh thuộc vùng Sài Gòn. Ngày 20.12.1899 Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định, kể từ ngày 1.1.1900 tất cả các tiểu khu hay sở Tham biện đều đổi gọi là tỉnh…”.

Năm 1890 chỉ có 1 sự kiện, là “cắt một phần đất dọc theo rạch Ngã Bát nhường cho Cao Miên. Từ đó ranh giới Tây Ninh được định hình ổn định cho đến nay…” (trên bản đồ Hành chính tỉnh Tây Ninh năm 2001, ghi là rạch Cái Bắc). Còn việc lập quận thì đến tận năm 1903 mới lập quận Trảng Bàng; quận Thái Bình đến năm 1930 mới lập, năm 1942 đổi tên thành quận Châu Thành.

Với mong muốn sách Truyền thống cách mạng xã Bến Củi được đầy đủ và hay hơn nữa, xin được bổ sung vào lý lịch miền đất này trước thời Pháp thuộc. Bởi qua nghiên cứu, vùng đất này đã được lưu dân khai phá từ rất lâu đời. Như sách đã viết, là vùng đất Bến Củi thuộc làng Đôn Thuận.

Mà Đôn Thuận, theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đình Tư trong Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2008) thì: “Đôn Thuận - thôn thuộc tổng Hàm Ninh, h.Tân Ninh, p.Tây Ninh, t.Gia Định dưới triều vua Minh Mạng (1836).

Qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đổi thuộc tổng Hàm Ninh Thượng cùng huyện. Đầu Pháp thuộc đặt thuộc Hạt Thanh tra Trảng Bàng. Từ 1930 đổi thuộc quận Thái Bình, 21.10.1940 chia 2 làng: làng phía Nam vẫn giữ tên Đôn Thuận, làng phía Bắc tên Thuận Lợi. Kể từ 1.1.1941, làng Đôn Thuận đổi thuộc tổng Hàm Ninh Hạ, quận Trảng Bàng…”.

Như vậy, đến năm 1941, Bến Củi mới thuộc về làng mới mang tên Thuận Lợi. Cho đến “Năm 1961, ấp Bến Củi thuộc xã Đôn Thuận, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức gom dân vào ấp chiến lược hình thành xã Bến Củi và sát nhập vào quận Trị Tâm, tỉnh Bình Dương. Đến năm 1969, chế độ Sài Gòn lại nhập xã Bến Củi về tỉnh Tây Ninh, thuộc quận Khiêm Hanh…” (sách Truyền thống cách mạng xã Bến Củi).

Như vậy là năm 1961, một lần nữa Bến Củi lại về với xã Đôn Thuận, một miền quê có vị thế địa chính trị rất đặc biệt qua nhiều thời kỳ phát triển tỉnh nhà. Trên đường kinh lý từ Gia Định lên Tây Ninh theo con đường sứ, đoàn kinh lược sứ của Trương Minh Giảng, Trương Đăng Quế đã thấy: “bên tả có sông Quang Hoá (Vàm Cỏ Đông), bên hữu có đường bộ ăn thông đến sông Đục (sông Sài Gòn), hình thế khá đẹp.

Đoàn kinh lược sứ đề nghị đặt thêm một đồn bảo tại Bến Đục làm thế ỷ giốc với thành Quang Hoá và thiết lập phủ Tây Ninh coi 2 huyện Tân Ninh và Quang Hoá để làm phên giậu cho thành Gia Định…” (Nguyễn Đình Đầu - Tạp chí Xưa và Nay, số 1960, năm 2001).

Cầu mới qua ấp 1, xã Bến Củi. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Đấy là vào mùa thu năm 1836. Và ngay từ năm ấy, triều Nguyễn đã cho xây một thành bảo thứ hai trên đất Tây Ninh. Nơi Bến Đục xây thành chính là trên địa bàn xã Đôn Thuận ngày nay. Suốt trong hai cuộc kháng chiến, căn cứ địa huyền thoại Bời Lời của lực lượng cách mạng tại Đôn Thuận vẫn luôn tồn tại, dù trong mưa bom và bão đạn của quân thù.

Trên mỏm phía Bắc xã, là Bến Củi, được quân dân cách mạng huyện Dương Minh Châu phiên về xã Định Thành, một trong 5 xã lập nên huyện căn cứ Dương Minh Châu từ năm 1951 nổi danh suốt hai mùa kháng chiến. Khi ấy, Bến Củi được coi là cửa ngõ của chiến khu trên trục hành lang tiến tới Sài Gòn - Gia Định.

Nhưng, chưa hết. Bến Củi không chỉ có từ thời kỳ đầu lập phủ Tây Ninh. Xa xưa hơn, đây cũng là nơi nhân dân các thời kỳ trước nữa từng cư trú. Hãy cùng xem bản báo cáo khoa học “Điều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các Di tích khảo cổ học ở Tây Ninh” (Bảo tàng Tây Ninh, năm 2011).

Tại mục IX- huyện Dương Minh Châu có khoản 2- Di tích Gò Miếu Bến Củi: “Di tích thuộc tổ 6 ấp Bến Củi được phát hiện vào năm 1991, do gia đình ông Thanh thấy có gạch lộ lên trên đất vườn nhà, gia đình ông đã đào lấy gạch xây chuồng heo và sàn nước…

Bảo tàng tỉnh kết hợp với cán bộ nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện KHXH tại TP. Hồ Chí Minh tiến hành khai quật di tích năm 1991, với tính cách “chữa cháy”. Gò đất với kiến trúc gạch cổ trước đây, nay đã bị san bằng chỉ còn lại một nền đất cao hơn trung bình khoảng 1 mét. Dài Đông - Tây 42m, rộng Bắc - Nam 25m.

Phía Đông gò là một vùng đất thấp, trũng tương tự như một cái bàu nước cổ, nay được sử dụng để cấy lúa… Những người trực tiếp khai quật di tích đã xác định đây là di tích kiến trúc được xây dựng bằng gạch có dạng một đền thờ thuộc thời kỳ hậu Óc Eo, có niên đại vào khoảng thế kỷ VII-VIII sau công nguyên…”.

Bến Củi- miền đất thơ mộng bên sông Sài Gòn này có còn ẩn giấu điều bí mật nào không?

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục