Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cứu nạn, cứu hộ:
Nghề của áp lực và hiểm nguy
Thứ bảy: 00:47 ngày 20/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bất kể nắng mưa hay ngày đêm, khi nhận được tin báo có người bị nạn, lực lượng CNCH sẽ nhanh chóng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Họ là những người lính trẻ, có sức khoẻ tốt, yêu nghề, lấy sự an toàn tính mạng, bảo vệ người dân làm niềm vui cho mình, không ngại khó khăn nguy hiểm.

Nỗ lực vận động, thuyết phục, đưa người phụ nữ có ý định tự tử xuống mặt đất an toàn.

Dầm mình trong dòng nước lạnh giữa đêm khuya, rà từng nơi để tìm kiếm thi thể nạn nhân đuối nước; băng qua khói lửa cứu người và tài sản; leo nóc nhà cao tầng để vận động, thuyết phục, cứu người có ý định tự tử; len lỏi vào không gian chật hẹp, xuống giếng sâu có khí độc để đưa thi thể lên mặt đất… là công việc thường xuyên của những người lính cứu nạn, cứu hộ thuộc lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH)- Công an tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện trên 10 vụ CNCH, cứu được 4 người khỏi các tình huống nguy hiểm trong đám cháy, sự cố, tai nạn, tìm kiếm được hơn 20 thi thể người đuối nước, cứu nhiều tài sản, phương tiện…

Theo những người lính trực tiếp làm nhiệm vụ CNCH, trong cuộc sống thường ngày, các loại tai nạn xảy ra “muôn hình vạn trạng”. Có trường hợp phải cứu người có ý định tự tử, người bị nạn mắc kẹt trong sự cố cháy nổ hay mắc kẹt sau va chạm ô tô, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là các vụ lặn tìm thi thể nạn nhân đuối nước.

Khi nghe tiếng khóc đau đớn của gia đình người bị nạn, chúng tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn, quyết tìm kiếm, đưa thi thể nạn nhân lên bờ càng sớm càng tốt, giảm thiểu nỗi đau mất mát cho phía gia đình.

Bất kể nắng mưa hay ngày đêm, khi nhận được tin báo có người bị nạn, lực lượng CNCH sẽ nhanh chóng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Họ là những người lính trẻ, có sức khoẻ tốt, yêu nghề, lấy sự an toàn tính mạng, bảo vệ người dân làm niềm vui cho mình, không ngại khó khăn nguy hiểm.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu người, người lính phải tăng cường sức khoẻ, xây dựng và xử lý tốt tình huống cứu người khi xảy ra sự cố sập đổ công trình, nhà cửa. Có nhiều người còn nói vui rằng, ai từng làm lính CNCH là họ có thể sử dụng thành thạo các loại máy khoan, máy cắt, thuần thục kỹ năng sơ cấp cứu, băng bó vết thương…

Trong rất nhiều câu chuyện của mình, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn không thể quên lần cứu một phụ nữ có ý định tự tử, leo lên mái của toà nhà 5 tầng tại khu cách ly tập trung phòng dịch Covid-19 thuộc khuôn viên Trường cao đẳng Sư phạm vào giữa tháng 7.2021.

Nhận được tin báo, Cảnh sát CNCH nhanh chóng đến hiện trường, nhận thấy người phụ nữ có biểu hiện thần kinh không ổn định, cán bộ chỉ huy CNCH lập tức leo lên mái nhà tiếp cận nạn nhân. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cảnh sát CNCH đã đưa người phụ nữ xuống mặt đất an toàn, bàn giao cho lực lượng y tế tại khu cách ly.

Một trong những công việc mà lực lượng CNCH phải thường xuyên đối mặt là lặn tìm xác nạn nhân đuối nước. Vào ngày 1.7, nhận tin báo từ quần chúng nhân dân, có 2 cháu bé nghi bị đuối nước tại một hầm khai thác đất thuộc địa bàn huyện Tân Biên, lực lượng chức năng nhanh chóng lên đường.

Trực tiếp tham gia vụ việc này, Trung uý Phạm Hải Đăng- cán bộ Đội Công tác chữa cháy và CNCH thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: “Hiện trường hồ nước có diện tích rất rộng, lại không có người chứng kiến việc 2 cháu bé đuối nước dẫn đến khó khăn trong việc phán đoán vị trí, triển khai tìm kiếm.

Tuy nhiên, khi nghe tiếng khóc đau đớn của gia đình người bị nạn, chúng tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn, quyết tìm kiếm, đưa thi thể nạn nhân lên bờ càng sớm càng tốt, giảm thiểu nỗi đau mất mát cho phía gia đình. Khu vực xảy ra sự cố có diện tích rộng, mực nước sâu, đáy hồ lởm chởm có nhiều chướng ngại vật gây khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ tham gia lặn. Bằng sự quyết tâm và kiên trì, lực lượng nỗ lực triển khai lặn tìm, sau khoảng 2 giờ tìm thấy thi thể 2 cháu bé đưa lên bờ, bàn giao lại cho người nhà nạn nhân”.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Hoà- Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH: “Đây là nghề đòi hỏi áp lực rất lớn, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Cán bộ, chiến sĩ trước khi được phân công thực hiện nhiệm vụ phải trải qua các quá trình huấn luyện khắc nghiệt, khó khăn.

Có những vụ việc, lực lượng phải triển khai lặn ở sông Vàm Cỏ, có đoạn sông rộng trên 70m, sâu hơn 30m, đáy sông có nhiều nhánh cây, chà cây, lưới câu, hố sâu… tiềm ẩn nguy hiểm cho cán bộ chiến sĩ tham gia lặn. Thực tiễn đó đòi hỏi người lính CNCH phải gan dạ, có sức khoẻ tốt, bản lĩnh, mưu trí để xử lý từng tình huống nguy hiểm khi phải đối mặt”.

Cảnh sát cứu nạn cứu hộ tìm kiếm thi thể nạn nhân đuối nước trong đêm.

Chia sẻ về nghề cứu nạn, Đại uý Trần Tấn Phát- Tổ trưởng tổ CNCH cho biết: “Có những vụ việc, với tính chất cấp bách, lực lượng phải triển khai công tác lặn mò, tìm ngay trong đêm. Vào buổi tối, tầm nhìn bị hạn chế, dòng nước lạnh, nhiều khu vực có độ sâu lớn, nhiều chướng ngại.

Có trường hợp cháu bé bị đuối nước tại một hồ khai thác đá đã ngưng hoạt động, độ sâu mực nước trong hồ hơn 25m, đòi hỏi lực lượng tham gia lặn phải gan dạ, có kỹ thuật tốt. Để lặn ở những vị trí mực nước sâu, dòng nước chảy xiết, ngoài trang phục bảo hộ, thiết bị lặn nặng hơn 20kg, người lính cứu nạn còn phải mang trên mình từ 5-7kg chì cho cơ thể có thể chìm xuống đáy hồ mới có thể làm nhiệm vụ.

Hay có những vụ việc, vị trí xảy ra sự cố nằm xa tuyến đường giao thông, xe CNCH không thể tiếp cận được hiện trường, anh em trong đội phải luân phiên khuân vác trang thiết bị, phương tiện, bình lặn nặng khoảng 20kg trên quãng đường 2-3km để vào được hiện trường. Vượt qua những khó khăn ấy, lực lượng CNCH luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Thượng tá Lê Thanh Gươm- Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: “Nghề Cảnh sát CNCH rất vinh dự và tự hào nhưng cũng là nghề có môi trường công tác khắc nghiệt và nguy hiểm, đòi hỏi người lính cứu nạn ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng phải có tinh thần gan dạ, sức khoẻ tốt, phản ứng linh hoạt, bơi lội giỏi, nắm bắt, làm chủ được trang thiết bị, phương tiện CNCH.

Có trường hợp phải cứu người có ý định tự tử, người bị nạn mắc kẹt trong sự cố cháy nổ hay va chạm ô tô; chiếm tỷ lệ nhiều nhất là các vụ lặn tìm thi thể nạn nhân đuối nước.

Đơn vị thường xuyên tổ chức huấn luyện nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ, xây dựng lực lượng CNCH chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác CNCH trong tình hình mới”.

Với lòng yêu nghề và những thành tích đạt được trong công tác CNCH trên địa bàn tỉnh suốt thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH được lãnh đạo đánh giá cao, người dân tin tưởng và mến phục, góp phần tô thắm thêm bảng vàng danh dự của người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục