Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nghề của mẹ!
Thứ hai: 23:39 ngày 22/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Yêu nghề, yêu học sinh là thế, song hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mẹ chỉ gắn bó với nghề được 20 năm, rời bục giảng để mưu sinh bằng nghề buôn bán. Mẹ nói, đôi lúc chợt thảng thốt và rơm rớm nước mắt khi giữa chợ đời xuôi ngược, nghe đâu đó tiếng gọi thân thương “Cô ơi”.

Thấm thoắt đã gần 30 năm mẹ rời xa bục giảng, nhưng mỗi năm, đến ngày kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam 20.11, mẹ bâng khuâng lắm. Mẹ kể: Hồi đó nhà nghèo, ông ngoại mất sớm, bà ngoại một mình quanh năm đầu tắt mặt tối với đồng ruộng để nuôi 4 đứa con nheo nhóc, mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau.

Bởi vậy, con đường đến trường của mẹ và các cậu vô cùng gian nan: buổi sáng ra đồng đi chăn bò, chăn trâu, lội ruộng mò cua, bắt cá để kiếm cái ăn; buổi chiều hối hả đến trường. Ngày nào đến lớp, người của mẹ cũng lem luốc, sình lầy, bạn bè cười nhạo.

Nhiều lần nản chí, mẹ muốn bỏ học, nhưng cô giáo là điểm tựa để mẹ vững bước đến trường. Cứ trước giờ vô học là cô lại vào lớp, dắt mẹ ra giếng làng rửa  chân tay, mặt mày cho sạch sẽ; cô còn tặng dụng cụ học tập, quần áo cho mẹ; cô luôn an ủi, động viên mỗi khi mẹ chưa hiểu bài hay bị các bạn cười nhạo. Rồi cũng từ đó mẹ nuôi ước mơ làm cô giáo, để được giống như cô giáo của mẹ vậy đó- mang tình thương ấm áp đến cho nhiều bạn nhỏ khác.

Tình thương của cô giáo dành cho mẹ trong những ngày tháng thơ ấu ấy trở thành động lực mạnh mẽ để mẹ vượt qua biết bao khó khăn của cuộc sống và thực hiện ước mơ trở thành giáo viên.

Song, nghề giáo không chỉ đơn thuần là đứng trên bục giảng, mà phía sau đó lắm gian truân. Khi ra trường, năm 1977, mẹ và nhiều bạn cùng trường được phân công về dạy học ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành- cách nhà gần 20km.

Trường lớp dựng tạm bợ, thầy cô phải dọn dẹp chuồng bò để ở. Sợ nhất là những đêm Pol Pot pháo kích ì đùng, thầy cô cùng với người dân chạy trốn pháo. Cực khổ đủ bề, nhưng thương học trò, các thầy cô đều bám trụ với trường.

Mỗi lần đứng trên bục giảng nhìn những mái đầu khét nắng, làn da sạm màu, quần áo đắp vá của học trò, mẹ lại nhớ hình ảnh của mình ngày cũ, càng quyết tâm dạy học, mong các em có cái chữ để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bù lại, học trò cũng ngoan và thương thầy cô hết lòng. Nhà có món gì ngon cũng để dành cho thầy, cho cô. Mà kêu bằng học trò vậy thôi, chứ vô đứng lớp thì “ngộp” luôn vì đa số học trò đều bằng hoặc lớn tuổi hơn cô, thầy. Học chừng 2, 3 năm biết cái chữ, có học sinh viết thiệp mời cô thầy đi... đám cưới.

Sau này mẹ chuyển trường, chắc có lẽ mẹ có duyên với học sinh hoàn cảnh đặc biệt nên luôn dạy lớp 1. Mẹ nhớ lại: có năm, trường dồn mấy em học lực yếu, ở lại lớp 1 vào lớp của mẹ. Nhiều hôm, cô giáo dở khóc dở cười với học sinh, thấy cô vào lớp là kêu “sư phụ”, nhảy lên bàn, ghế đứng múa may xưng là “Tề Thiên đại thánh” (lúc này, phim Tây du ký đang được yêu thích); rồi chia phe đánh nhau như trong phim, cô phân xử mệt luôn.

Nhiều em thương cô giáo lắm, cứ ra giờ chơi lại lân la đến bên cô, thủ thỉ với cô đủ điều. Thương học trò ngày xưa còn nhiều khó khăn, quà 20.11 tặng cô là những bông hoa dại, cây trái ở vườn nhà… Vậy mà cô xúc động lắm.

Yêu nghề, yêu học sinh là thế, song hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mẹ chỉ gắn bó với nghề được 20 năm, rời bục giảng để mưu sinh bằng nghề buôn bán. Mẹ nói, đôi lúc chợt thảng thốt và rơm rớm nước mắt khi giữa chợ đời xuôi ngược, nghe đâu đó tiếng gọi thân thương “Cô ơi”.

Q.H

Từ khóa:
Tin liên quan