Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nghề hát
Thứ bảy: 10:17 ngày 18/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ánh sẽ hát, dù chỉ một người nghe, cô vẫn sẽ hát. Đời nghệ sĩ thật hạnh phúc khi từ sân khấu nhìn xuống có nhiều khán giả ngồi xem, sẽ thăng hoa nếu là hát cho nhiều người nghe.

(Ảnh minh hoạ: Đ.H.T)

Nguyệt Ánh vừa kết thúc lớp Nam ai, tiếng vỗ tay rào rào, một số khách của quán chạy lên sâu khấu tặng hoa. Những bông hoa vải bợt bạt được gắn vào vài tờ tiền. Nguyệt Ánh cúi chào và đi vào… Thật lòng Ánh không thích nhận hoa như vậy nhưng chiều khán giả, cô nhận cho họ vui. Lát vãn hát, cô lấy tiền đó chia đều cho mấy anh em nhạc công.

Ánh mắt người đàn ông cao lớn ở dãy bàn bên trái sân khấu làm Nguyệt Ánh bối rối. Đôi mắt ấy không phải đôi mắt của một người hâm mộ cải lương càng không phải người si mê nhan sắc. Ánh mắt ấy đặc biệt. Hằng đêm, ông ta cứ ngồi đó, gọi nước uống coi hết phần biểu diễn rồi về.

Không tìm cách tiếp cận trò chuyện, cũng không lên sân khấu bày tỏ sự hâm mộ bằng việc tặng hoa. Trong lúc hát trên sân khấu, dù chỉ là bài bản nhỏ, khi là khúc Nam xuân, lúc là khúc Nam ai hay Nam đảo rồi chuyển sang các bài lý hay vọng cổ, ông ta vẫn ngồi đó.

Mưa. Quán vắng khách. Ánh nhìn màn mưa ngẫm trời thế này vắng khách là điều không tránh khỏi. Mưa. Ánh thấy nhớ những trận mưa trên cánh đồng sau mùa gặt, sân khấu dựng tạm.

Trời mưa, nghệ sĩ trong đoàn trú dưới sàn sân khấu cho khỏi ướt. Đời nghệ sĩ lang bạt là chuyện thường tình. Ngủ quán, ngủ đình, ngủ chợ cũng là chuyện cơm bữa của người nghệ sĩ. Nhưng mưa, khán giả ngại ngần đến.

Sáng ra, nước trắng đồng. Người mới đêm qua còn là tiểu thư, công chúa quần là áo lượt, hoàng đế lớp lớp áo mão cân đai giờ ào ra đồng nhổ rau hẹ. Không có hát là không có cái để ăn.

Chị nuôi của đoàn ngồi giã đậu phộng nấu với nước, thêm muối để có món ăn gọi là mắm đậu. Cả đoàn quây quần bên mâm cơm chỉ có rổ rau hẹ lá xanh như lá mạ mỏng dính như giấy quyến và thau mắm đậu lõng bõng. Rau hẹ quấn thành từng lọn chấm mắm đậu là món ăn thường xuyên của đoàn hát vào những ngày mưa khi về diễn ở làng quê.

Mưa. Cũng là đêm mưa như đêm nay. Năm ấy Ánh mười tám tuổi. Còn bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Ánh ngồi nghe ba mẹ bàn về tương lai mình mà cứ hồn nhiên như chuyện của ai.

Ba nói với mẹ về ý định cho Ánh theo đoàn hát vì ba là người viết tuồng cho đoàn. Mẹ nhất quyết không đồng ý vì sợ cảnh con gái long đong rày đây mai đó. Ba bảo vệ ý kiến của mình, bảo hai cha con sẽ chăm sóc cho nhau trên những chặng đường lưu diễn.

Mẹ cho Ánh quyền tự chọn. Ánh nhìn ba rồi nhìn mẹ. Ánh mắt ai cũng tha thiết như muốn thuyết phục Ánh theo họ… Cô nhìn ba, thương ông suốt một đời rong ruổi, nay bước vào tuổi năm mươi, những lúc đoàn diễn xa nhà, đêm trái gió trở trời cần lắm một người chăm lo.

Ánh nhìn xuống. Chỉ có một bàn có khách, vẫn người đàn ông cao to ngồi đó, đăm chiêu. Ánh bước ra sân khấu nói lời cảm ơn rồi hát bài vọng cổ quen thuộc. Bài này ba Ánh viết cho nam nghệ sĩ ca nhưng hôm nay anh kép hát bận việc riêng nên Ánh hát. Mưa dội lên mái tôn làm tiếng ca của cô bị át đi…

Ánh sẽ hát, dù chỉ một người nghe, cô vẫn sẽ hát. Đời nghệ sĩ thật hạnh phúc khi từ sân khấu nhìn xuống có nhiều khán giả ngồi xem, sẽ thăng hoa nếu là hát cho nhiều người nghe. Bài học vỡ lòng ba dạy Ánh khi theo nghề hát là bước ra sân khấu cố gắng nhìn vào đám đông khán giả dưới khán đài tìm một người, một ánh mắt tin cậy để như thể chỉ trình diễn cho người đó mà tránh được bối rối khi gặp phải một phản ứng không tích cực từ phía khán giả.

Ánh nhớ những lần đầu tiên cô ra sân khấu, ba dặn khi nào bối rối nhìn xuống góc trái sân khấu sẽ thấy ba ngồi ở hàng ghế khán giả. Những lúc chông chênh, Ánh nhìn xuống hàng ghế khán giả, khi ánh mắt cô chạm vào ánh mắt trấn an động viên của ba, Ánh thấy như được hà hơi, tiếp sức để diễn tiếp. Được khoảng một tuần Ánh quen dần với kỹ thuật biểu diễn sân khấu có thể tung tẩy cùng bạn diễn, ba an tâm không phải ngồi bên dưới để động viên Ánh.

Lâu lắm rồi Ánh không có cảm giác nhìn xuống khán giả để hát cho riêng ai đó, nhưng hôm nay, Ánh thấy mình hát cho riêng người ngồi dưới kia nghe. Chỉ bước vài bước xuống sân khấu là tới bàn người đàn ông đó. Người nghệ sĩ giao lưu với khán giả cũng là điều bình thường nhưng Ánh không dám bước…

Ánh ngồi trước gương hoá trang. Từ dạo có khán giả nam trung thành đến ủng hộ hằng đêm, Ánh ý thức chăm chút hơn về nhan sắc. Ánh nhớ đêm mưa gió mịt mùng ở miền Trung - đoàn rã gánh trùng vào dịp ba về nhà chăm sóc mẹ bệnh.

Vãn hát. Ánh tẩy trang. Mưa. Ánh trải chiếu nằm co ro ở góc đình. Mưa tạt vào lạnh buốt. Ba mươi phút trước cô còn là nàng công chúa kiêu kỳ trong tuồng Trắng hoa mai, giờ nằm bẹp trong góc đình như kẻ không nhà, không cửa…

Đoàn ra miền Trung trúng vào đợt bão, cả tháng trời chỉ hát được một đêm. Cơn buồn ngủ và mỏi mệt đã đưa Ánh vào giấc ngủ sâu. Sáng choàng tỉnh. Nhìn quanh quất chẳng còn ai, phông màn, sân khấu, đạo cụ như có bàn tay vô hình của thần đèn dời đi.

Ánh ngơ ngác ngồi rửa mặt bên giếng nước sân đình. Có người đi ngang qua, họ bảo sao cô này giống hồi đêm làm công chúa Thiên Kiều quá. Đoàn rã gánh, người ta xiết nợ, chủ gánh bỏ trốn mà giờ sao còn ở đây?

Phải thay đổi nếu muốn duy trì quán. Ánh đang ngồi sau quán chờ tới lượt lên sân khấu hát thì nhân viên quán vào nói người đàn ông cao to nhắn lại với cô như vậy. Thay đổi như thế nào? Quán này là quán ăn có hát cải lương phục vụ khán giả. Mấy năm qua cũng thế. Khách không thật đông nhưng cũng đủ duy trì quán. Người đàn ông ấy muốn thay đổi gì? Xin đừng biến thành sân khấu tạp kỹ với đủ thứ loại hình hoặc biến tướng thành nơi làm nghệ thuật trá hình.

Chào anh! Lần đầu tiên Ánh bước xuống sân khấu ra bàn ăn của khách. Nhân viên quán báo lại anh muốn quán thay đổi. Tôi chưa hiểu ý anh… Khách nhìn Ánh… Vài ba câu trao đổi, Ánh trở lại sân khấu.

Ánh hoá thân thành nàng công chúa Thiên Kiều. Lúc nãy soi gương Ánh thấy mình đã quá già để vào vai này. Một công chúa được cưng chiều và muốn mọi điều phải theo ý mình bất chấp lý lẽ. Để rồi khi không đạt được điều mong muốn lại sân hận uất ức đến vỡ tim mà chết.

Lâu rồi không diễn tuồng, Ánh phải tìm lại kịch bản cũ chọn lại một vài vai mình đã từng diễn để sẽ đỡ công tập. Anh khán giả đó bảo quán ca cổ giờ mọc lên như nấm sau mưa, nếu không có gì khác biệt sẽ mất dần khán giả. Ánh thấy hợp lý bằng cách diễn vài trích đoạn xen lẫn trong các bài tân cổ.

Mưa. Trời lại mưa. Ánh ngồi nép trong cánh gà. Lớp diễn hôm nay là tuồng xã hội không áo mão cân đai, không trâm cài lượt giắt. Ánh vào vai người đàn bà bị chồng ruồng bỏ. Lúc tập sáng nay, bao nhiêu tủi hờn của bản thân Ánh trút vào vai diễn.

Người bạn diễn cùng ái ngại tập mà khóc nhiều liệu tối có còn nước mắt để khóc. Ánh khóc cho nhân vật một, khóc cho mình hai… Nhớ ngày chồng dứt khoát ra đi khi biết Ánh có ý định mở quán nghệ sĩ. Anh nói nhẹ nhàng thôi: một đời em phiêu bạt rồi, cuối cùng có gì ngoài hai bàn tay trắng, tiền bạc không, danh vọng không, phải làm đủ thứ nghề đắp đổi qua ngày.

Hay như ba giờ già tiền hưu không đủ sống. Lời anh nói cứ trầm trầm mà hằn sâu vào tâm trí Ánh. Ánh mở quán này không vì mưu sinh, cũng không phải vì danh tiếng. Thời xuân sắc đã qua rồi. Người ta bảo cải lương đã thoái trào, chưa biết bao giờ mới vực dậy được.

Yêu nghề cũng không hẳn. Nếu yêu thì khi bằng lòng về làm vợ anh, đã không chấp nhận điều kiện anh đề nghị là nghỉ hát lui về làm hậu phương vững chắc cho chồng làm kinh tế. Vậy thì vì lý do gì? Ánh không nói mà nghĩ dù lý do gì thì mình cũng là người bội ước. Tận đáy lòng Ánh mong chồng chấp nhận để mình hát mỗi đêm.

Ánh tập tuồng chỉ một mình. Một lớp độc diễn trong đó nhân vật nữ giằng xé nội tâm liệu có nên đi thêm bước nữa sau cuộc tình đầu tan vỡ. Ba ngồi xe lăn bên dưới xem con gái tập.

Ông nhắc chỗ này phải tiết chế đừng bi lụy quá cứ như con đang tâm sự cuộc đời con với người xem. Hãy để khán giả thật sự đồng cảm với bi kịch của nhân vật thay vì bị cuốn theo sự sướt mướt mà con cố tình đẩy lên.

Chỗ kia ca chưa được muồi, phải luyến thêm. Ca như kể chuyện đời cùng khán giả để khán giả hiểu và thương nhân vật… Ông vui vì con gái theo ông tiếp nối nghiệp hát như lời thề trước bàn thờ tổ. Từ dạo đoàn hát rã, người trong đoàn như đàn chim bay không có chim đầu đàn định hướng, tao tác lao vào cuộc mưu sinh với đủ nghề và chẳng ai còn hoạt động gì liên quan đến nghề hát.

Bàn thờ tổ người ta bỏ lại sau đợt xiết nợ ở miền Trung được ông đem về thờ. Đêm cứ vào lúc gần 8 giờ, giờ thường lệ đoàn hát sắp mở màn trình diễn trước đây, ông lại thắp nhang cầu tổ nghiệp phù hộ cho nghề hát trở lại phồn thịnh như ngày trước.

Ánh mở rương cất đồ diễn. Thời gian phủ lớp bụi dày trên nắp rương. Từng ấy năm rồi từ khi lấy chồng, những gì liên quan đến nghề hát Ánh đều gói ghém cất kỹ cùng ký ức. Chưa bao giờ Ánh lần giở những kỷ vật ấy, sợ chồng buồn, nghĩ vợ còn lưu luyến chút hào quang cũ…

Đây là chiếc áo cô thôn nữ tên Mai trong Trắng hoa mai. Vai diễn đầu đời của Ánh xuất hiện vỏn vẹn trong cảnh đầu tiên của vở diễn rồi chết tức tưởi dưới lưỡi gươm oan nghiệt của công chúa Thiên Kiều. Hồn Mai neo vào cội những cây mai trắng. Những lớp sau cô chỉ đứng trong cánh gà ngâm hai câu thơ khi chàng người yêu Lý Nam Nam trỗi khúc sáo gọi tình: “Hồn Mai nép tựa thân mai. Đố ai biết được là ma hay người”.

Trong tuồng Trắng hoa mai, phải chia vai diễn công chúa Thiên Kiều ra cho hai diễn viên vì đây là vai diễn dài hơi xuất hiện suốt chiều dài vở. Chị diễn viên chính của đoàn được ưu tiên diễn những cảnh cuối khi nàng Mai được tiên hoá hồn vào xác công chúa Thiên Kiều để trở thành nàng công chúa hiền dịu đối lập với nàng công chúa độc ác kiêu kỳ của Ánh ở nửa đầu vở.

Ánh nhớ đã rớt nước mắt khi cha nói Ánh phải chấp nhận diễn vai Tào Thị trong Phạm Công - Cúc Hoa khi chị diễn viên thủ vai trốn khỏi đoàn vì bị giao toàn vai ác. Ánh sợ cảnh sáng lang thang ra chợ mua thức ăn bị người làng xỉa xói vì nhập vai quá đạt. Ánh nhớ ba nói nghệ sĩ là phải có khả năng hoá thân vào được tất cả các loại vai đào thương, đào lẳng, đào độc… Nếu cứ tận tuỵ với từng vai diễn dù nhỏ nhất, tổ nghề sẽ thương rồi cho sống được với nghề.

Đây là chiếc áo sờn vai của cô Nguyệt vì định kiến cũ mà lỡ dở tình duyên sống thui thủi một mình đến cuối đời trong vở diễn kinh điển của sân khấu cải lương “Tô Ánh Nguyệt”. Bao năm rồi, Ánh vẫn nhớ cảnh cuối khi nhân vật nam chính- Minh bệnh nặng sắp qua đời, theo tâm nguyện của Minh, người nhà gọi Nguyệt tới.

Minh vì cảm giác tội lỗi gây ra một đời dang dở cho Nguyệt đã thổ huyết. Màn nhung khép lại, nhưng anh kép vai Minh không gượng dậy như những lần diễn trước. Máu loang đỏ cả áo. Anh tắt thở cùng nhân vật Minh.

Người trong đoàn ai cũng biết anh bị lao lực. Đêm đó đoàn diễn rất xa… Lúc người nhà anh ra tới nơi đoàn diễn để đưa anh về chôn cất, tài sản để lại không có gì ngoài vài bộ phục trang. Nước mắt người vợ lặng lẽ chảy không dừng. Có hay không vai diễn vận vào đời người diễn?

Hôm nay, đột nhiên người đàn ông ấy không đến quán. Ánh nhìn xuống chỗ ngồi quen thuộc bàn ở góc bên trái của sân khấu… Cũng có lác đác khách ra vào. Ánh nấn ná ca vài bản tân cổ như chờ người đàn ông đến.

Ánh hát về cô bán trầu xanh chờ mãi mà người yêu không đến. Khi về ngang qua nhà anh người yêu mới vỡ lẽ nhà người yêu đang rộn ràng đám cưới. Chỗ này lúc tập, ba Ánh nhắc là phải tiết chế nhưng khi nhìn vào vị trí ghế quen trống nước mắt Ánh lại dầm chan.

Khán giả nghĩ người nghệ sĩ đã quá xuất thần hoá thân vào nhân vật, chỉ có ba là người trong nghề hiểu đó là cảm xúc bị đẩy đi quá xa, là chưa được chuyên nghiệp bởi đã để cảm xúc cá nhân xen vào vai diễn.

Mưa. Nghề hát sợ nhất mùa mưa, nhất là nghệ sĩ đoàn tỉnh như Ánh. Làm gì có rạp hát để diễn. Sân khấu được dựng trên những bãi đất trống, hoặc là sân bóng không có mái che. Đó là chuyện ngày trước, còn bây giờ Ánh sợ trời mưa biết đâu người đàn ông đó lại không đến. Giờ hiếm có ai ái mộ nghệ sĩ chỉ đơn thuần là vì nghệ thuật như vậy.

Vậy là một tuần rồi người đàn ông không đến. Quán vẫn hát. Ánh vẫn ra sân khấu hát, diễn hằng đêm. Ba ngồi trên xe lăn theo dõi từng lời ca, lớp diễn của Ánh. Ánh đã ca rớt nhịp khi người đàn ông vào quán ngồi vào góc bàn quen thuộc.

Ở quán, người ta không quá câu nệ những tai nạn nghề nghiệp như thế. Nhưng Ánh tự thấy có lỗi với ba, với người khán giả thân quen của quán. Với bản lĩnh sân khấu Ánh vẫn tiếp tục phần diễn của mình.

Mưa. Ánh nhớ bữa chồng bỏ đi. Nói không chịu đựng nổi khi cô hát bên dưới khán giả toàn là đàn ông. Ở vùng quê, ban đêm đàn bà không ai có thời gian đến quán để coi hát. Đó là giờ người ta bận chăm lo cho gia đình, nhắc nhở con cái học hành.

Mai quán mình sẽ vắng người khách ngồi ở góc trái sân khấu con ơi! Giọng ba trầm trầm, rầu rầu. Ảnh đi xa, thời gian qua ủng hộ vì quý mến ba và con muốn duy trì nghề hát. Ánh làm như không chú ý đến chuyện người khán giả kia, tay thoăn thoắt giặm lại phấn và kẻ lại mắt.

Hôm nay, Ánh diễn vai Huyền Trân lúc chia tay Khắc Chung. Lúc nói lời tạm biệt Khắc Chung để lên đường qua Chiêm Thành, một thoáng Ánh nghĩ đến cảnh ngày mai chỗ góc ngồi quen thuộc đó sẽ trống vắng. Giọng ca Ánh chơi vơi như muốn kéo dài phút chia tay. Hết lớp diễn này cũng là lúc chương trình sẽ kết thúc, quán đóng cửa…

Vãn hát. Quán thưa người. Khán giả về hết. Ánh nhìn xuống bàn bên trái sân khấu. Người khách về rồi. Người tri âm ấy đi đâu. Đời đi hát rong ruỗi mấy mươi năm có mấy khán giả như vậy.

Mai. Quán sẽ vẫn mở. Những bài ca cũng sẽ vang lên từ góc nhỏ của quán. Những lớp diễn ngắn vẫn được duy trì cho đến khi Ánh không còn hát được nữa. Ánh hát vì điều gì? Ngay khi chồng bỏ đi vẫn mở quán. Vắng khán giả tri âm sẽ thiếu đi người đồng điệu nhưng quán vẫn duy trì.

Ánh nhìn ba mái đầu bạc trắng. Ánh nhớ lúc ba qua cơn tai biến bị liệt người vẫn nhắc hoài về nghề hát. Ba muốn duy trì một sân khấu nhỏ để hằng đêm những bài hát, những làn điệu vang lên. Bác sĩ nhắn nhủ riêng với Ánh khi làm thủ tục xuất viện cho ba rằng người bệnh không còn sống thêm được bao lâu nên nếu làm gì được thì hãy cố gắng làm…

Đêm. Khi ngồi đối diện với chính mình trước gương để tẩy trang, Ánh thấy thật cô đơn. Những vệt bông thấm nước trôi trên mặt, xoá đi lớp son phấn để lại sự già nua, những nếp nhăn hai bên khoé mắt, da chùng nhão.

Đó là phút giây Ánh trở về với những trăn trở đời thường. Mà đời Ánh có khác gì các nhân vật từng diễn, niềm hạnh phúc chỉ thoáng qua những năm đầu đời rồi gập gềnh trắc trở về sau.

Khi chạm vào hạnh phúc riêng tư là lúc chấp nhận rời xa ánh đèn sân khấu đầy ma lực. Khi quyết trở lại với nghề, hạnh phúc vội vuột khỏi tầm tay. Ánh không phải người viết kịch bản như ba để có thể an bài cho số phận theo suy nghĩ của mình.

Ánh nhìn ba đang ngồi xe lăn mặt trầm ngâm, mái đầu bạc trắng. Ánh gỡ lớp mão công chúa dưới ánh đèn đêm, thấy trong gương tóc mình cũng bắt đầu điểm bạc.

T.Q.T

Tin cùng chuyên mục