Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nghề làm bánh tráng ở ấp Cây Xoài
Thứ hai: 08:03 ngày 24/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ rất lâu, ở ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu có một bộ phận dân cư sống bằng nghề làm bánh tráng, có thể gọi là nghề “cha truyền con nối”. Tuy chưa phải là đặc sản nổi tiếng, không có thương hiệu, nhưng nhờ làm bánh tráng mà một số hộ dân ở đây có cuộc sống ổn định. Nhiều người gắn bó với nghề này hơn 50 năm.

Một lao động trẻ ở ấp Cây Xoài phơi bánh tráng.

Hầu hết những hộ dân ở đây làm bánh tráng trắng (bánh tráng nem) làm bằng bột gạo pha bột mì. Những năm gần đây, nghề thủ công này chẳng những không bị mai một, mà còn có chiều hướng phát triển, số hộ tham gia ngày càng tăng lên. Hiện nay, mặt hàng bánh tráng ở đây tiêu thụ rất thuận tiện, có lúc không đủ số lượng để cung cấp cho thị trường.

Trong khuôn viên ngôi nhà tường rộng rãi, sạch đẹp bên hương lộ 1, bà Dương Thị Mí (73 tuổi, ngụ tổ 4, ấp Cây Xoài) cặm cụi tráng từng chiếc bánh tráng. Ngoài sân, ông Hồ Văn Đực (75 tuổi, chồng bà Mí) bê từng vỉ bánh tráng đi phơi. Bà Mí cho biết, bà bắt đầu tráng bánh từ lúc mười lăm, mười sáu tuổi, khi còn sống chung với gia đình ba mẹ ruột. Hồi đó, ba mẹ bà sống bằng nghề làm bánh tráng. Sau khi có gia đình riêng, bà Mí nối nghiệp cha mẹ sống bằng nghề tráng bánh tráng, rồi gắn bó luôn tới giờ.

Hơn 50 năm qua, nhờ làm nghề tráng bánh, mà vợ chồng bà nuôi được các con khôn lớn, đều trưởng thành và ai cũng có gia đình riêng. Thấy cha mẹ cao tuổi, mà cuộc sống gia đình cũng chẳng khó khăn, các con khuyên ông bà nghỉ ngơi cho khoẻ, để an hưởng tuổi già. Ông bà cười nói: “Đã hơn 50 năm rồi, gắn bó với nghề làm bánh tráng, nhờ làm bánh tráng mà gia đình mình mới có được như ngày hôm nay. Mặc dù tuổi cao, ba má cũng còn khoẻ, còn làm được, mà tự nhiên nghỉ ngang, ngồi không đó, tay chân bứt rứt làm sao chịu nổi. Ba má làm hoài, chừng nào làm không nổi nữa thì mới nghỉ…”.

Một số hộ lao động trẻ ở ấp Cây Xoài tiếp tục theo nghề làm bánh tráng của cha mẹ (trong ảnh: chị Trần Thị Thuý Vân tráng bánh tráng).

Bà Mí cho biết thêm, từ trước đến giờ bà chỉ làm một mặt hàng bánh tráng trắng (bánh tráng nem), với nguyên liệu là bột gạo pha bột mì. Trước kia, lò bánh tráng của bà chụm bằng trấu, rồi chụm bằng củi, nên từ khoảng 3 giờ sáng là bà phải dậy nhóm lửa lò. Vài năm gần đây, bà chuyển qua lò điện. Chi phí tiền điện, so với giá tiền mua trấu, mua củi trước đây cũng tương đương nhau. Nhưng tráng bánh bằng lò điện tiện lợi hơn rất nhiều, vì không phải chịu cảnh khói bụi, tro than, và nhờ không phải nhóm bếp thổi lửa, chờ trã nước sôi khá lâu, mà thời gian thức giấc để tráng bánh của bà cũng muộn hơn trước được chừng nửa tiếng.  Với độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, hiện mỗi ngày, vợ chồng bà Mí làm được 20 ràng bánh (mỗi ràng 100 cái). Làm xong, chiều xuống thương lái từ thị trấn Gò Dầu đến thu mua, giá bán mỗi thiên (1.000 chiếc bánh) là 420.000 đồng. Tính ra bình quân mỗi ngày hai vợ chồng bà Mí thu nhập trên 400.000 đồng (sau khi trừ tiền vốn mua nguyên liệu).

Cách nhà bà Mí chừng một trăm mét là căn nhà tường khang trang của gia đình bà Lê Thị Xi (ngoài 50 tuổi, thuộc tổ 7, ấp Cây Xoài). Bà Xi cho biết, quê bà ở ấp Xóm Đồng (xã Thanh Phước). Hơn 30 năm trước bà về làm dâu ở ấp Cây Xoài. Lúc đó bên nhà chồng làm nghề bánh tráng, bà cũng theo học nghề. Ở nông thôn, nhưng nhà không có ruộng đất để sản xuất, từ khi vợ chồng bà ra riêng cho đến nay chỉ sống bằng nghề tráng bánh, nhờ đó mà cuộc sống ổn định. Nay đến lượt con dâu của bà Xi cũng theo nghề tráng bánh.

Cùng với những hộ duy trì nghề lâu năm, ở ấp Cây Xoài còn có những hộ mới ra nghề, theo diện “mẹ truyền con nối”, như gia đình chị Trần Thị Hồng Vân (36 tuổi) và gia đình chị Trần Thị Thúy Vân (33 tuổi) cùng ngụ tại tổ 3, ấp Cây Xoài. Chị Hồng Vân và chị Thuý Vân là hai chị em ruột. Cha mẹ hai chị sống bằng nghề làm bánh tráng, nên hai chị biết làm từ nhỏ. Có gia đình riêng, hai chị nối nghiệp, cũng nuôi sống gia đình bằng nghề làm bánh tráng. Hiện nay, với cách làm “vợ tráng, chồng phơi”, mỗi ngày gia đình chị Thuý Vân tráng được 25 ràng bánh tráng (mỗi ràng 100 cái). Chị Thuý Vân cũng là bánh tráng trắng theo phương thức pha trộn bột gạo và bột mì (20kg bột gạo, với 10kg bột mì). Bình quân, mỗi ngày gia đình chị Thuý Vân có thu nhập hơn 400.000 đồng (sau khi trừ các chi phí). Cái bất tiện hiện nay của gia đình chị Thuý Vân, cũng như gia đình chị Hồng Vân là vẫn còn tráng bánh bằng lò chụm củi. Gia đình hai chị muốn chuyển qua lò chạy bằng điện, nhưng nguồn điện ở khu vực nhà chị đã quá tải, chưa thể thực hiện.

Sản phẩm bánh tráng ấp Cây Xoài .

Ông Nguyễn Văn Hoàng- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cây Xoài cho biết, nghề làm bánh tráng ở ấp Cây Xoài có từ rất lâu theo kiểu cha truyền con nối và hàng xóm học hỏi lẫn nhau. Nhiều năm qua, nghề làm bánh tráng ở đây luôn được duy trì và đang có chiều hướng gia tăng về số hộ. Theo thống kê năm 2018-2019, toàn ấp có 29 hộ duy trì nghề làm bánh tráng. Hầu hết những hộ này không có ruộng đất để sản xuất, cũng không còn trong độ tuổi lao động thuộc các ngành nghề công nghiệp… Nhưng vài năm gần đây, một số lao động trẻ cũng nối nghiệp gia đình làm nghề tráng bánh. Đến tháng 9.2022, toàn ấp Cây Xoài có 42 hộ làm nghề tráng bánh tráng. Trong đó, khoảng 10 hộ làm lò bánh tráng chạy bằng điện. Số còn lại vẫn phải đốt lò bằng trấu, hoặc củi. Hầu hết bà con ở đây làm bánh tráng trắng (bánh tráng nem) bột gạo pha bột mì.

Hiện nay, mặt hàng bánh tráng ở đây tiêu thụ rất dễ, các hộ tráng xong, không cần phải mang đi bán, mà chiều xuống thương lái từ thị trấn Gò Dầu đến thu mua hết.  Mỗi hộ có hai lao động làm nghề tráng bánh, bảo đảm có thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày. Nghề làm bánh tráng, tuy phải thức dậy sớm, nhưng không quá nặng nhọc, những người ngoài 50 tuổi, thậm chí ngoài 70 tuổi (như vợ chồng bà Mí nêu trên) vẫn làm tốt công việc này. Nhờ làm bánh tráng mà có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình một bộ phận dân cư trong ấp luôn ổn định.

Tuy nhiên, hiện nay, nghề làm bánh tráng ở ấp Cây Xoài còn một ít khó khăn nhất định, cần các ngành chức năng hỗ trợ. Đó là còn nhiều hộ muốn chuyển từ lò bánh tráng chụm củi, chụm trấu chuyển sang lò điện, nhưng nguồn điện ở đây đã quá tải. Vốn đầu tư để xây dựng một lò tráng bánh mới cũng khá cao (khoảng 50 triệu đồng). Mong các ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ, để nghề làm bánh tráng truyền thống ở ấp Cây Xoài tiếp tục duy trì và phát triển. Từ đó góp phần tăng thu nhập của người dân, nâng cao chất lượng tiêu chí xã nông thôn mới.

D.H

Tin liên quan