Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nghệ sĩ Lê Bình - con ong cần cù hút mật
Thứ năm: 14:24 ngày 02/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tin anh qua đời không làm mọi người bất ngờ nhưng sự ra đi, dẫu có chuẩn bị trước của anh, khiến trái tim người thân, đồng nghiệp, khán giả yêu quý anh đau thắt.

Anh, nghệ sĩ Lê Bình, người đồng nghiệp chịu khó; người cộng sự không biết mệt mỏi của các đạo diễn; người anh, người chú trên sân khấu, trong phim trường… đã buông tay, gửi lại cho tôi một sự tiếc nuối đến vô cùng.

Tôi quen biết anh từ những ngày đầu làm phong trào văn nghệ quần chúng. Tôi từng đến xem và ủng hộ những tiểu phẩm, vở kịch ngắn ở phường 22 (nay là phường 12, quận 3), nơi anh gầy dựng phong trào văn nghệ sôi nổi cũng như đạt nhiều thành tích nhất của thành phố. Những cái bắt tay khen ngợi và lúc ngồi nhâm nhi… ly trà đá, chia nhau dĩa ổi xanh chấm muối mặn, anh đều nói về sự đam mê của mình dành cho sân khấu.

Anh có nhiều ý tưởng, không cầu kỳ, không xa lạ và rất gần gũi với những hình ảnh quen thuộc xung quanh mình. Từ những hình ảnh quen thuộc ở khu phố, anh đã vẽ những chân dung, những nét mặt người lao động mộc mạc, hồn nhiên nhưng thật sống động trong các vở kịch, trong các bích họa. Không biết có phải từ tâm mà anh vẽ hay không, nhưng sao trong những bức họa ấy phảng phất hình ảnh của chính anh, người cần cù như con ong đi hút mật.

Quen anh bấy nhiêu năm tháng, chưa bao giờ tôi nghe anh than vãn vì sự thiếu thốn. Có chăng chỉ là những trăn trở, bức xúc về nghề nghiệp. Đôi khi tôi mời anh thực hiện bức họa các nhân vật trên generique của một phim hài, anh đã gửi rất nhiều phác thảo rất duyên để tôi chọn lựa mà không bao giờ hỏi tôi chuyện thù lao. Khi tôi e ngại chuyển trả số tiền ít ỏi, anh còn hỏi bao nhiêu phác thảo ấy có đủ để tôi sử dụng, hay anh còn phải chỉnh sửa hoặc có cần thêm nữa hay không? Anh làm cho tôi thấy ray rứt khi thù lao đó không đủ cho anh mua giấy bút.

Anh là diễn viên của sân khấu duy nhất là Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (sân khấu 5B) - một diễn viên trung thành, chung thủy với nơi này. Từ những ngày đầu diễn chung với anh trong Dư luận quần chúng, vở đầu tiên của Câu lạc bộ Thể nghiệm, cho đến tận những ngày sau cuối, anh vẫn nhắc đây là sân khấu duy nhất của anh.

Tôi còn nhớ có lần tôi phải tập diễn thay cho một diễn viên bận công tác khác trong một vở kịch của anh trên sân khấu 5B, anh thấy áy náy khi đặt tôi vào một tình huống gấp gáp. Sau khi chạy vở, anh mời tôi ly cà phê đá và đọc lại cho tôi toàn bộ cảnh diễn chính để tôi có thể hình dung lại nhân vật của mình. Anh chăm sóc cho sáng tác của mình nên cũng tận tụy với những nhân vật rút ruột mà viết nên. Anh còn nói thêm: “Vở này không có doanh thu cao nên để bạn chịu thiệt thòi…”. Lúc ấy tôi nhìn anh rất thương. Tôi hiểu sự áy náy của anh. Và tôi càng quý anh thêm.

Có lần tập vở, thấy mấy bạn diễn viên trẻ không tập trung, anh nổi nóng quát cho một trận. Ngay sau đó anh nói nhỏ: “Thấy tụi nó giỡn, tui làm mặt nghiêm la, chứ trong bụng sợ tui nó giận mình là mệt luôn”. Anh là vậy, la đó rồi lại ngại đó.

Lần nọ, đài truyền hình thực hiện một phóng sự về mình, anh muốn tôi có mặt trong phóng sự ấy phát biểu vài lời. Tôi e ngại vì nghĩ muốn thu hút được người xem cần phải có sự xuất hiện của những nghệ sĩ tên tuổi. Nhưng anh nói: “Tui cần người hiểu tui và thân tình”. Tôi cảm động lắm về tấm chân tình ấy. Sau khi phóng sự phát trên đài, anh sao chép và gửi cho tôi như một kỷ niệm, bây giờ trở thành một kỷ vật của anh.

Còn một kỷ vật nữa anh để lại cho Hội Sân khấu TPHCM hết sức ngẫu nhiên nhưng bây giờ sẽ trở thành dấu tích của anh. Đó là hình ảnh mặt nạ khóc cười trên các áp phích hay bì thư của hội. Có đôi lần tôi tìm đặt logo cho hội nhưng lần lữa mãi cũng chưa thực hiện được, nên nét phác thảo ngày nào của anh giờ vẫn đang hiện diện trên từng bì thư, từng thông báo của hội… Bây giờ và cả về sau, hình ảnh khóc - cười đó của anh sẽ đi vào cõi nhớ của chúng tôi!

Đạo diễn NGUYỄN HỒNG DUNG
(Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM)

Sau hơn một năm điều trị, chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, nghệ sĩ Lê Bình đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7 giờ 19 phút, ngày 1-5-2019 tại Bệnh viện Quân y 175, hưởng thọ 67 tuổi.

Nghệ sĩ Lê Bình tên thật Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953. Ông là một diễn viên, tác giả, đạo diễn sân khấu nhiệt thành với nghề. Vì hoàn cảnh gia đình nên nghệ sĩ Lê Bình tự lập từ rất sớm. Khi mới 15 - 16 tuổi, ông đã lăn lộn với đời bằng đủ thứ nghề, từ bồi bàn đến công nhân, họa sĩ vẽ tranh...

Do cơ duyên, ông bước chân vào nghệ thuật, là một trong những nhân tố nổi bật, góp phần gây dựng nên sự sôi động của phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Khoảng năm 1982, ông được Hội Sân khấu TPHCM mời về diễn tại Sân khấu 5B và gắn bó với sân khấu kể từ đó ở vai trò diễn viên, tác giả, đạo diễn. Từ sân khấu, ông bén duyên điện ảnh với bộ phim đầu tiên Dòng sông không quên (đạo diễn Lê Dân). Với nghiệp diễn của mình, NS Lê Bình được khán giả biết nhiều đến qua các vai diễn trong hơn 60 phim điện ảnh và phim truyền hình, trong đó có Mùa len trâu, Đất phương Nam, Vịt kêu đồng, Cô gái xấu xí... 

Tang lễ của nghệ sĩ Lê Bình được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Lễ nhập quan lúc 14 giờ, ngày 1-5. Lễ động quan lúc 7 giờ, ngày 4-5. Sau đó đưa đi hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa. 

THÚY BÌNH

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục