Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 19-HĐND tỉnh khóa IX:
Nghị trường “nóng” điện mặt trời áp mái
Thứ năm: 15:15 ngày 10/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 9.12, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 19- HĐND tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) đã “nóng” lên khi các đại biểu đã tập trung vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với các dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời.

Theo đánh giá, phiên làm việc đã thể hiện tinh thần cởi mở và dân chủ.

Tại kỳ họp, 2 nhóm vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn lãnh đạo Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Đó là hệ lụy phát sinh đối với các dự án nông nghiệp kết hợp làm điện mặt trời áp mái, những bất cập trong quy hoạch sử dụng đất đai, phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Theo báo cáo của Sở Công thương, tính đến 14.10.2020, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầu tư 2.603 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 378,4772 MW. Trong đó, có nhiều dự án nông nghiệp kết hợp với làm điện mặt trời áp mái.

Việc lắp đặt và sử dụng mô hình điện mặt trời áp mái trang trại nông nghiệp là lợi thế rất lớn của địa phương trong khai thác nguồn năng lượng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng năng lượng truyền thống và góp phần chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mô hình điện mặt trời áp mái trang trại nông nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Đại biểu Phạm Văn Đặng cho rằng, các khu vực điện mặt trời này sẽ lấy đi hết chỉ tiêu của những người làm điện áp mái, họ sẽ không còn được ưu tiên nữa. Điện mặt trời kết hợp nông nghiệp, nhiều dự án nông nghiệp không phải mục tiêu chính, thậm chí rất đối phó. Ngành NN&PTNT có nắm được thực trạng này không? Nó có phá vỡ quy hoạch về vùng nguyên liệu, vùng tưới hay không?

Một số đại biểu cũng yêu cầu làm rõ công tác quản lý, tác động của các thiết bị pin năng lượng điện mặt trời ảnh hưởng tới sức khỏe người dân như thế nào.

Đại biểu Võ Văn Dũng đặt câu hỏi: “Hiện nay, các chủ đầu tư liên hệ trực tiếp với ngành điện lực, trong khi Bộ Công thương cũng đã quy định là phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất. Chúng ta quản lý vậy có ổn hay không?”

Đại biểu Kim Thị Hạnh cũng đặt vấn đề: “Trong khi các đơn vị quảng cáo bán thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài. Như vậy, các thiết bị này có được kiểm tra không? Ai kiểm tra chất lượng? Tác động của các thiết bị, tấm pin năng lượng điện mặt trời có ảnh hưởng tới sức khỏe người dân?”

Đại biểu Phan Thị Điệp đặt câu hỏi mà hầu hết người dân đều băn khoăn với thời gian sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời: “Các doanh nghiệp cung cấp thiết bị hứa tuổi thọ của tấm pin 20 năm, thời gian bảo hành về kỹ thuật từ 5 - 10 năm. Các doanh nghiệp cũng cam kết với người mua là bảo hành 5-10 năm, nhưng có thể vì lý do nào đó, doanh nghiệp ngưng hoạt động, thì cam kết này ai chịu trách nhiệm?”

Làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện có một số dự án quyết tâm làm nông nghiệp kết hợp làm điện áp mái, những cũng có một số dự án “lách luật”. Những dự án này ra đời trước đây nên khi xử lý là còn lúng túng. Ngành Công thương sẽ tổ chức kiểm tra, tiếp tục khảo sát.

Liên quan đến vấn đề tranh chấp giữa người bán điện với ngành điện, ông Tuấn cho biết thêm: “Nếu Điện lực thay đổi hợp đồng, nghĩa là xảy ra tranh chấp. Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định có tính pháp lý. Đồng thời sẽ thẩm định để đánh giá dự án nào tính giá mặt đất, dự án nào tính giá áp mái”.

Cùng với ngành Công thương, tham gia tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Kiều Công Minh - Phó Giám đốc Sở TN&MT, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NH&PTNT đã làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề quản lý các dự án nông nghiệp kết hợp làm điện áp mái. Mặc dù nội dung chưa sát với nhu cầu thực tế, nhưng cũng cho thấy khi triển khai các dự án nông nghiệp kết hợp làm điện áp mái là một thực tế mới, chưa có những quy định cụ thể.

Đối với vấn đề môi trường, ngành TN&MT khẳng định, đây là một nguồn năng lượng sạch và các thiết bị làm điện mặt trời không gây hại cho môi trường. Do đó, giải pháp đề ra sự “định hướng”, cũng như có hướng dẫn pháp lý cho người dân khi thực hiện đầu tư.

Kết luận phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm nhận định, việc phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà để khai thác nguồn năng lượng tự nhiên là chủ trương của Đảng, được Nhà nước có cơ chế khuyến khích. Đây cũng là lợi thế rất lớn của địa phương.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, quy định, hướng dẫn của Trung ương chưa kịp thời và đầy đủ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, nhưng thực tế đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập cần xử lý liên quan quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp.

UBND tỉnh và các địa phương cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các dự án điện mặt trời tại địa phương; kiên quyết xử lý các dự án không đúng mục tiêu ban đầu đề ra. Đồng thời cần tiếp tục quan tâm và có giải pháp cho các chủ đầu tư triển khai có hiệu quả các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh

Phiên chất vấn cũng được các đại biểu đặt nhiều câu hỏi với Sở Tài chính các nội dung liên quan đến tình trạng chi, chuyển nguồn ngân sách. Trong đó, số chi chuyển nguồn còn lớn và có xu hướng tăng qua các năm, nguyên nhân và giải pháp. Đồng thời đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân, quyết toán nguồn vốn, đặc biệt là đối với vốn xây dựng cơ bản, vốn đầu tư công trung hạn, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan và có biện pháp khắc phục.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục