Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự:
Nghĩ từ một danh hiệu “Vô địch”
Thứ hai: 10:24 ngày 13/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thể thao và việc theo dõi các trận đấu thể thao đang ngày càng trở thành một phần quan trọng của cuộc sống người dân Việt Nam.

- Bàn Dân nè, có chuyện này tôi muốn “lạm bàn” với ông, nhưng ông đừng có mà chê tôi lạc hậu nghen!

- Có vẻ như hôm nay ông khiêm tốn quá đấy! Bàn Dân với ông là “đối tác” ngang hàng, bình đẳng với nhau trong việc “luận đàm thế sự”, làm gì có chuyện lạm với chẳng lạm ấy! Ông muốn bàn chuyện gì, sao cứ phải rào đón?

- Bởi vì chuyện tôi muốn nói có liên quan đến bóng đá, trong khi giải bóng đá Đông Nam Á mà đội tuyển nước mình đoạt cúp vô địch đã trôi qua hơn một tuần rồi…

- À, chuyện đó tới nay vẫn còn “gây bão” trên truyền thông, nhất là chuyện “người hùng Xuân Son” của đội nhà điều trị chấn thương và cú sút “thiếu phe-pờ-lây” của anh cầu thủ đội á quân. Ông có thông tin gì mới, hấp dẫn thì kể Bàn Dân nghe với?

- Thật ra chuyện tôi muốn đề cập tới tôi đã đọc được hơn nửa năm rồi, nhưng vẫn rất mới ở chỗ vấn đề đặt ra trong câu chuyện ấy. Số là khoảng giữa năm ngoái tôi có đọc quyển sách “Việt Nam ngôi sao đang lên của châu Á” của hai tác giả nước ngoài, một người Mỹ và một người New Zealand, cả hai đều đã có trên hai mươi năm làm việc ở nước ta…

- Vâng, quyển sách ấy Bàn Dân cũng có đọc. Hai tác giả ấy trải nghiệm cuộc sống xã hội nước ta khá lâu năm, nên họ phân tích, nhận định cũng khá chuẩn. Nội dung sách ấy nói gì về bóng đá, ông làm ơn nhắc lại giùm, Bàn Dân đọc cũng lâu rồi, không nhớ rõ chi tiết.

- Trong sách trên, nhóm tác giả vừa là doanh nhân, chuyên gia kinh tế, vừa là nhà văn, nhà báo đã tập trung phân tích các động lực tăng trưởng khác nhau của đất nước ta trong hơn ba mươi năm qua để khẳng định “Việt Nam (là) ngôi sao đang lên của châu Á”. Để có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xác quyết ấy, các tác giả đã bỏ công nghiên cứu 6 lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta. Bao gồm: giáo dục; công nghệ; nguồn nhân lực; du lịch, ẩm thực, nghệ thuật và giấc mơ Thế vận hội; nông nghiệp giá trị gia tăng; công trình công cộng. Mỗi lĩnh vực, các tác giả tập trung nghiên cứu một số nội dung mà họ cho là có tính đặc trưng, tiêu biểu ở nước ta, khác với các nước khác trong quá trình phát triển…

- Vậy chắc chuyện ông nói có liên quan đến bóng đá là một nội dung thuộc lĩnh vực “du lịch, ẩm thực, nghệ thuật và giấc mơ Thế vận hội” đó hả?

- Đúng! Thực ra trong lĩnh vực điển hình ấy, về phần “giấc mơ Thế vận hội” chủ yếu các tác giả nói đến việc phát triển bóng đá ở nước ta, mà thành tích đỉnh cao là ngôi vị Á quân Giải U23 châu Á năm 2018 ở Thường Châu, Trung Quốc.

- Có lẽ vì khoảng thời gian nghiên cứu của các tác giả bắt đầu từ thời kỳ đổi mới đến năm 2020, nên không có nói đến giải bóng đá Đông Nam Á mà đội tuyển quốc gia Việt Nam vừa đoạt cúp, khiến đội đương kim vô địch trở thành cựu vô địch chứ gì?

- Vâng. Đúng ra một phần là do những môn thể thao Thế vận hội ta đạt thành tích chưa nhiều, một phần là do bóng đá là bộ môn thể thao tập thể mang tính xã hội rất cao nên các tác giả xoáy vào đó để nêu điển hình về tình đoàn kết và lòng yêu nước đặc biệt sâu sắc của nhân dân ta, thể hiện qua lòng yêu bóng đá nồng nhiệt và tinh thần thể thao cao thượng của người Việt ta.

- Điều đó quá rõ rồi, và nếu như công trình nghiên cứu về “ngôi sao Việt Nam” được tái bản, Bàn Dân nghĩ thế nào tác giả cũng sẽ bổ sung thành tích vẻ vang của đội tuyển quốc gia Việt Nam trên đấu trường khu vực Đông Nam Á năm vừa qua. Đối với nội dung phân tích của các tác giả về sự liên quan giữa bóng đá và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tức lập luận về vai trò động lực tăng trưởng của bóng đá là như thế nào, ông có nhớ không?

- Nhớ chứ, từ những ngày “bão nổi lên rồi” sau khi đội nhà đoạt cúp vô địch AFF 2024, tôi đọc đi đọc lại sách ấy mấy lần, thiếu điều thuộc lòng luôn! Cụ thể, các tác giả nước ngoài đã nhận định: “Việt Nam đã bắt đầu thập niên 2020 bằng một chung kết U23 châu Á, một giải bóng rổ chuyên nghiệp, một giải bóng đá chuyên nghiệp đã ra đời được 20 năm và có lẽ đã hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “cường quốc bóng đá ASEAN”. Thể thao và việc theo dõi các trận đấu thể thao đang ngày càng trở thành một phần quan trọng của cuộc sống người dân Việt Nam. Đây là những bước mà các nước đang phát triển cần thực hiện để trở nên nổi bật hơn so với các nước ngang hàng và giành được sự quan tâm của thế giới. Khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, các đội tuyển thể thao của họ cũng trở nên mạnh hơn, tác phẩm nghệ thuật của họ có giá trị hơn, đất nước an toàn hơn cho việc đi lại và cơ hội tổ chức một sự kiện toàn cầu trở nên thực tế hơn. Đây chỉ là một số bước đi mà hai nước gần Việt Nam đã hoàn thành, hai nước (Nhật, Hàn - BD) đã đồng tổ chức một giải vô địch bóng đá thế giới và nhiều kỳ Thế vận hội”.

- Vâng, họ phân tích có lý lắm. Chắc ông cũng như Bàn Dân tin rằng với những bước phát triển vượt bực trong thời gian qua, và quyết tâm “tinh chỉnh đội hình” để tiến vào kỷ nguyên mới như hiện nay, không bao lâu nữa đất nước ta sẽ vươn mình, sánh vai với bè bạn năm châu!                    

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh