Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nghĩ về chuyện vừa nghĩa tình, vừa đạo lý
Thứ hai: 07:42 ngày 25/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày gần đây, theo dõi trên báo chí, truyền thông trong nước, tôi thấy đâu đâu cũng có rất nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Có vẻ như là năm nay ta kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ phong phú, quan trọng hơn mọi năm phải không vậy ông?

- Thật ra ý nghĩa của ngày kỷ niệm này mọi người Việt Nam chúng ta đều hiểu rất rõ rồi. Và năm nào cũng đều có rất nhiều hoạt động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Riêng năm nay là dịp kỷ niệm trong năm chẵn, tròn 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm thương binh, thân nhân liệt sĩ và động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ, cho nên cả nước ta đều tập trung quan tâm hơn đến công tác thương binh - liệt sĩ.

- Vậy các nước khác trên thế giới có ngày kỷ niệm tương tự như nước mình không hả ông?

- Ông hỏi vậy là làm khó Bàn Dân rồi nghen! Tôi cũng như ông, làm sao mà biết hết chuyện “ta bà thế giới”. Nhưng Bàn Dân nghĩ nước nào cũng có quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, ắt phải có nhiều sự hy sinh để bảo vệ, xây dựng đất nước đáng trân trọng, ghi nhớ. Như thế nước nào chắc cũng có ngày lễ tri ân những người có công với nước như nước mình.

Tuy nhiên, Bàn Dân cũng nghĩ rằng, nếu nhìn lại tình hình thế giới trong hơn một thế kỷ qua, từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, ta sẽ thấy dù cả thế giới đã xảy ra 2 cuộc thế chiến, nhưng không có nước nào phải chịu đựng chiến tranh lâu dài và khốc liệt như nước ta để chống lại các thế lực ngoại bang xâm chiếm, phá hoại đất nước mình. Vì thế hậu quả của các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước ta rất nặng nề. Trong đó đối với sự hy sinh về người, cho đến nay cả nước ta có tới hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng.

Chúng ta đều biết, trong điều kiện đất nước đang phát triển như hiện nay, mặt bằng đời sống của các đối tượng người có công phần lớn đều thấp hơn mặt bằng chung trong toàn xã hội. Cho nên trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, toàn dân trong nước phải làm sao cho mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Như thế rõ ràng là trách nhiệm đối với công việc vừa là đạo lý vừa là nghĩa tình ấy hết sức nặng nề, nếu không có sự chung tay góp sức của toàn dân, toàn hệ thống chính trị của cả nước thì khó lòng đạt như mong muốn.

- Trên cả nước là như vậy, riêng ở địa phương mình thì sao hả ông?

- Ở Tây Ninh thì như ông đã biết, trong thời kỳ chiến tranh, từ các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, tỉnh ta đều là địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Máu xương đổ xuống mảnh đất quê hương mình không biết bao nhiêu mà kể! Do đó, trách nhiệm của tỉnh ta hiện nay đối với những người có công không phải là nhẹ.

- Cụ thể là thế nào, ông có biết không?

- Để Bàn Dân tra cứu trên cổng thông tin của tỉnh đọc cho ông nghe nhé. Theo số liệu của ngành chức năng, hiện nay Tây Ninh có trên 43.000 người được công nhận và giải quyết chế độ người có công với cách mạng và các chính sách khác. Trong đó có 83 người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; có 209 người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19.8.1945; có 1.467 Mẹ Việt Nam anh hùng; 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1.209 thương binh, bệnh binh; 11.098 hồ sơ liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; 1.408 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; 521 người là con đẻ của người kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; 969 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 1.792 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghũa vụ quốc tế; 5.262 người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân, Huy chương Kháng chiến…

Đó, ông nghe thấy có phải là ít đâu. Mà có khi cũng chưa đầy đủ những người đã có công cống hiến cho quê hương này, vì các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức đoàn thể vẫn còn tiếp tục khảo sát, truy tìm để không bỏ sót một người có công nào chưa được hưởng chính sách đãi ngộ nữa đó.

- Đúng là nhiệm vụ “đền ơn đáp nghĩa” chúng ta phải còn thực hiện lâu dài, liên tục. Bởi lẽ đất nước trường tồn là nhờ sự hy sinh liên tục của nhiều thế hệ nối tiếp nhau cống hiến hy sinh cho Tổ quốc quyết sinh. Tôi hiểu vậy chắc không sai chứ hả ông?!

- Đúng quá đi chứ!

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh