Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nghĩa cử của lão nông
Thứ bảy: 06:22 ngày 27/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều người hiến đất làm đường, nhưng lão nông Võ Tấn Ðức, 82 tuổi (ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) lại hiến đất làm nghĩa địa. Tháng 9.2018, ông Bảy Ðức (tên thường gọi của ông Võ Tấn Ðức) đã hoàn thành thủ tục hiến 1,7 ha đất đang sản xuất nông nghiệp tại ấp Xóm Tháp cho chính quyền xã Tân Phong làm nơi an táng cho bà con địa phương.

Vợ chồng ông Bảy Ðức.

Ông Ðức cười hiền nói rằng: “Tôi đã có ý định này từ nhiều năm trước. Trước đây, tôi từng đề xuất với địa phương nhưng vì lúc đó quỹ đất công còn nên địa phương chưa chấp nhận”. Mới đây, ông Bảy Ðức vui mừng vì ước nguyện hiến đất của mình đã thành hiện thực.

Ngồi nghe ông kể chuyện ngày xưa đến lập nghiệp ở Tân Phong, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và người dân nơi vùng đất mới, tôi mới cảm nhận rõ về sự quyết tâm của ông trong việc hiến số tài sản có giá trị không nhỏ này cho địa phương. Với ông, việc làm này như là sự trả nghĩa, trả ân với nơi đã giúp đỡ, cưu mang mình.

Ông Bảy Ðức quê gốc Ðức Huệ- Long An. Trong chiến tranh, gia đình ông phải dời chỗ ở nhiều nơi. Tham gia kháng chiến đến ngày giải phóng, ông làm công an xã Trà Vong. Năm 1979, ông bỏ công khai hoang đất để có nơi sản xuất, làm kinh tế nuôi vợ con.

Ông Bảy Ðức vẫn nhớ lúc gia đình ông dời lên ở tại vùng đất Xóm Tháp, Tân Phong chỉ với hai bàn tay trắng. Ngoài thời gian làm việc ở xã, ông còn ra đồng, trỉa lúa, trồng đậu, trồng bắp. Việc nông với một người tay ngang, không rành nông nghiệp như ông không phải dễ dàng gì. Ông nói: “Lúc ấy, tôi theo cậu ruột để học hỏi cách làm nông chứ không biết gì cả. Nhưng cũng may mắn tôi làm đâu cũng đặng”.

Với công khai phá sau hai năm, ông có trong tay 10 mẫu đất sản xuất. Ông tâm sự: “Tôi luôn tự nói rằng mình phải thật cố gắng vì không muốn con cái rơi vào cảnh khó như mình ngày xưa nữa”. Ông Bảy Ðức đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn nhớ những ngày vừa đi học vừa làm lụng kiếm tiền rất vất vả. Rồi cũng vì cảnh nhà khó khăn mà ông phải nghỉ học. Phần ký ức đó như một lời nhắc nhở ông trong suốt quãng đời còn trẻ phải luôn cố gắng không ngừng.

Nhiều năm liền, ông Bảy Ðức được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi ở địa phương, bởi ông luôn tìm tòi sự mới mẻ và nỗ lực đi đầu trong sản xuất nông nghiệp. Thời người ta chỉ chuyên làm lúa, ông lại đi trồng điều, trồng xen canh đậu, bắp cho thu nhập khá. Ông cũng là một trong những người đầu tiên trồng cao su ở vùng đất này. Ông chỉ cặm cụi làm việc mà thoát nghèo lúc nào không hay. Không chỉ làm nông nghiệp, ông Bảy Ðức còn mạnh dạn chuyển sang kinh doanh đồ điện. Lĩnh vực nào cũng cho ông nhiều kinh nghiệm đáng quý.

Mấy mươi năm làm lụng để có cơ ngơi vững chắc, sau khi chia phần cho con cái, ông Bảy Ðức còn trong tay vài mẫu đất để dưỡng già. Thảnh thơi, ông nghĩ đến chuyện trả nghĩa nơi đã cưu mang mình. Ông chỉ nghĩ đơn giản, có nơi cho người dân an nghỉ lúc qua phần cũng là một điều tốt. Ông cười nói rằng có người nói ông điên khi biết ông hiến miếng đất có giá trị lớn để làm nghĩa địa. Nhưng ông không quan tâm, vẫn giữ ý định của mình.

Ông nói: “Những gì tôi có được như ngày nay ngoài sự cố gắng của bản thân còn có sự bao bọc, giúp đỡ của địa phương, bà con lối xóm. Tôi muốn làm gì đó có ích cho mọi người, cho địa phương như là sự tri ân, trả nghĩa vậy”.

VI XUÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục