Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cơn sốt đất ảo để lại nhiều hệ luỵ cho xã hội, trong đó điều thấy rõ nhất là đất nông nghiệp sau khi bị giới đầu nậu đất “xẻ thịt” phân lô. Việc “xẻ thịt” đất nông nghiệp phân lô, sau đó tung các chiêu trò đẩy giá đất nông nghiệp lên cao khiến giá đất nông nghiệp tăng đột biến đã gây ra nhiều nghịch lý mà cơn sốt ảo để lại.
CTA trang 4: Dù không còn rầm rộ như trước đây, nhưng vẫn dễ dàng tìm thấy quảng cáo "xẻ thịt" đất nông nghiệp trên mạng xã hội
NÓNG RUỘT TRƯỚC ĐẤT BỊ BỎ PHÍ
Trong thời gian qua, tỉnh tập trung thực hiện nhiều công trình thuỷ lợi như kênh tưới, kênh tiêu để phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho người nông dân thuận lợi sản xuất nông nghiệp, có thể làm giàu bằng nghề nông. Thế nhưng hiện nay, nhiều khu đất nông nghiệp tại một số địa phương, đáng lý ra đang được canh tác trồng hoa màu, cây ăn trái, cây lâu năm… thì ngược lại bị bỏ phí để đất trống cho cỏ dại mọc.
Tại một khu đất ở xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, người dân địa phương cho biết, khu đất trên trước đây vốn được canh tác mì, hoa màu. Cách đây khoảng 2 năm, người chủ đất đã bán cho một nhóm người đi ô tô. Mua xong, họ cắm cọc phân ra thành các khu đất nhỏ để bán, nghe đâu cũng nhiều người đến mua hết rồi. Tuy nhiên không hiểu lý do gì mà từ khi mua đến nay không ai làm gì cả, cất nhà thì khu đất này không chuyển mục đích đất được…
Người dân này cho biết, thấy diện tích trên bỏ hoang phí mà thấy tiếc, người dân không có đất canh tác thì phải bỏ tiền đi thuê đất để canh tác, còn khu đất trên thì bị bỏ phí để cỏ mọc. Hiện nay giá mì đang lên, chỉ cần có đất là có người thuê trồng mì. Nhưng những chủ đất trên chỉ sở hữu mỗi người 1 công, nên muốn thuê trồng mì cũng khó.
Tại một khu đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tình cảnh của những khu đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” phân lô trong cơn sốt đất vừa qua cũng không khác gì. Cạnh những vườn cao su đang cho thu hoạch, những cánh đồng mì đang phát triển thì khu đất trên có diện tích theo ghi nhận của chúng tôi khoảng 2 ha bị bỏ hoang.
1 người dân được cho là “nạn nhân” của cơn sốt đất ảo cho biết: "Trước đây thấy người ta đầu tư đất nền bán có lãi cao nên anh dồn tiền mua 2 thửa đất với tổng diện tích 2.000m2 đất ở khu đất này.
Thế nhưng khác với lời quảng cáo của “cò đất” vẽ ra ngày nào, khu đất này chẳng có dự án nào quy hoạch mà cũng không chuyển mục đích sang đất ở xây cất gì được". Với 2 công đất, anh tính làm vườn cũng không xong, xót xa trước tiền của bỏ ra đang bị hoang phí nên anh trồng mì để đỡ xót.
LỢI NHỎ, HẠI LỚN ?
Nói về thực trạng đất nông nghiệp sốt ảo vừa qua, ông Nguyễn Văn Cường- Chủ tịch UBND xã Phước Vinh nhận định, khi đỉnh điểm của cơn sốt dù là địa phương vùng biên giới nhưng giới đầu nậu cũng mò đến “xẻ thịt” đất nông nghiệp để phân lô bán. Tuy nhiên số lượng đất nông nghiệp tại địa phương này ít hơn so với các xã còn lại trong huyện.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, trước tình hình phức tạp của cơn sốt đất ảo, địa phương ngoài nỗ lực tuyên truyền cho người dân, còn tổ chức kiểm tra chặt chẽ hồ sơ các thửa đất nông nghiệp được giới đầu nậu đất mua có dấu hiệu “xẻ thịt” để hạn chế tình trạng này xảy ra ở địa phương.
Theo quy luật khi đầu nậu lên, đất địa phương lên giá cao bất thường, một số hộ dân có đất gần mặt đường thấy giá cao đã bán cho đầu nậu để vào bên trong mua đất nông nghiệp với diện tích lớn hơn canh tác. Có trường hợp người dân bán đất nông nghiệp để cất nhà, chia cho con.
Thế nhưng cũng có trường hợp thấy giá đất cao, người dân không suy nghĩ kỹ càng nên vội vàng bán. Sau khi bán đất có số tiền lớn nhưng không có kế hoạch làm ăn nên dần cũng hết tiền, đất thì không còn để mưu sinh nên đành đi làm thuê, làm công nhân.
Đó là thực trạng mà chúng tôi ghi nhận được về nghịch lý đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” ở một xã biên giới, bước đầu đã gây ra những hệ luỵ là những khu đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” đầu cơ giờ để trống hoang phí.
Một người dân địa phương chia sẻ, đất đã lên giờ dù không còn sốt nhưng không chịu xuống, vì những người lỡ mua đất đầu tư bán không được cứ để trống chờ lên giá, còn bán rẻ thì tiếc. Đất bỏ hoang phí không canh tác thì không nói, nhưng sau cơn sốt đất “ảo” đi qua, người dân địa phương bây giờ muốn mua đất cất nhà cũng khó do giá đất cao.
Ông Nguyễn Văn Nhu- Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, cơn sốt đất “ảo” vừa qua dù biết được giới đầu nậu mua đất nông nghiệp để “xẻ thịt” phân lô, bán nền, nhưng địa phương không thể không giải quyết do pháp luật quy định quyền sử dụng đất của người dân. Cơ quan Nhà nước phải căn cứ vào quy định pháp luật để giải quyết.
Huyện Gò Dầu đang có tốc độ phát triển kinh tế khá mạnh với khu công nghiệp. Cho nên những người nông dân bị hút theo cơn sốt đất “ảo” đã không ngần ngại bán đi mảnh đất nông nghiệp mưu sinh vì thấy giá cao.
Việc đất nông nghiệp sau khi “xẻ thịt” bị bỏ hoang phí không canh tác là điều không thể tránh khỏi. Rồi nhiều người sau khi bán đất nông nghiệp không còn đất canh tác cũng đi làm công nhân, làm thuê để mưu sinh. Nhưng cũng có người khá lên sau khi bán đất do có kế hoạch làm ăn hiệu quả.
Rõ ràng cơn sốt đất “ảo” nhất là tình trạng “xẻ thịt” đất nông nghiệp phân lô bán nền không chỉ tạo nên một diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang phí thay vì đang canh tác, cho lợi nhuận dẫn đến nghịch lý “người cần đất làm nông thì không có, người có thì bỏ phí”. Tuy nhiên đó chỉ mới là những nghịch lý ban đầu, những nghịch lý của việc đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” phân lô còn gây ra nhiều hệ luỵ khác.
T.P