Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nghiên cứu đánh thuế VAT tất cả hàng hóa nhập khẩu qua Shopee, Lazada, TikTok
Thứ hai: 22:30 ngày 17/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đề nghị có chính sách phù hợp, mở rộng với hàng hóa nhập khẩu gửi qua chuyển phát nhanh của các sàn Shopee, Lazada, TikTok...

Chiều 17/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình Quốc hội dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về: Người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế; thuế suất; phương pháp khấu trừ thuế; phương pháp tính trực tiếp trên thuế giá trị gia tăng (VAT); khấu trừ thuế VAT đầu vào; các trường hợp hoàn thuế; hóa đơn, chứng từ; hiệu lực thi hành; tổ chức thực hiện.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về thời điểm xác định thuế VAT và quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định: Quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không phải chịu thuế VAT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình chiều nay. Ảnh: Quốc hội

Theo quy định hiện nay của Chính phủ, hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu). Quà biếu, quà tặng cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế xuất, nhập khẩu.

Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, thời gian qua, sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới nên lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần.

Tại Việt Nam, hằng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Theo số liệu của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tháng 3/2023, giá trị mỗi đơn hàng nói trên được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng. Hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, 1 tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Trong khi đó, nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

Về một nội dung khác, ông Lê Quang Mạnh cho biết, mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cho thấy Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế VAT, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quốc hội

Ông Mạnh dẫn chứng, thuế suất trung bình trong khu vực châu Á là 12%, khu vực Mỹ La tinh là 14%, châu Phi là 16%, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 19%, liên minh châu Âu (EU) là 22%, thuế suất trung bình toàn cầu hiện nay là 15%.

Một số nước trong khu vực ASEAN đã và đang tăng thuế suất VAT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch. Trong chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng đã xác định định hướng “nghiên cứu tăng thuế suất thuế VAT theo lộ trình”.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đối với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình để cân nhắc khả năng tăng thuế suất trong dự án luật một cách phù hợp, sau khi nền kinh tế đã được phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026 - 2030.

Nguồn vietnamnet.vn

Tin cùng chuyên mục