Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nghiên cứu Nấm quý, sinh viên Duy Tân tốt nghiệp với bài báo Q1 cùng 'Poster Xuất sắc' tại Hội nghị về Nấm
Thứ năm: 16:48 ngày 29/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đề tài cũng đã được trao giải “Báo cáo Poster Xuất sắc” tại Hội nghị Nấm học Toàn quốc lần thứ V tổ chức tại Hà Nội ngày 26.11.2023.

Theo đuổi đến cùng đam mê với ngành Công nghệ Sinh học, sinh viên Lê Nguyễn Gia Thi đã gặt hái được “quả ngọt” đầu tiên khi bảo vệ thành công Khóa luận Tốt nghiệp với đề tài “Ứng dụng chỉ thị phân tử ITS trong định danh loài nấm gây bệnh trên Nhộng trùng thảo loài Cordyceps militaris”.

Với kết quả nghiên cứu này, Gia Thi và các bạn cùng nhóm nghiên cứu tại Đại học (ĐH) Duy Tân đã công bố 1 bài báo hạng Q1 có chỉ số IF=4.6 trên tạp chí quốc tế uy tín Scientific Reports (thuộc hệ thống Nature Portfolio) với tiêu đề “First report of emerging fungal pathogens of Cordyceps militaris in Vietnam”. Đề tài cũng đã được trao giải “Báo cáo Poster Xuất sắc” tại Hội nghị Nấm học Toàn quốc lần thứ V tổ chức tại Hà Nội ngày 26/11/2023.

Hành trình tuổi trẻ vượt khó của cô gái đam mê nghiên cứu nấm quý

Sinh năm 1997, cô gái Gia Thi quyết định tạm dừng việc học khi đang là sinh viên của một trường đại học trước những áp lực kinh tế mà gia đình gặp phải.

Nghiên cứu nấm quý, sinh viên Duy Tân tốt nghiệp với bài báo Q1 cùng 'Poster Xuất sắc' tại Hội nghị về Nấm

Bài báo của Gia Thi trên tạp chí Scientific Reports (Q1, IF=4.6) thuộc hệ thống Nature Portfolio.

 “Ngay khi dừng việc học, em đã làm rất nhiều công việc mới toanh mà bản thân chưa từng làm như: bảo mẫu cho gia đình người nước ngoài, làm dịch vụ cho thuê nhà trên AirBnb, trợ lý giám đốc cho công ty nước ngoài,... Công việc làm thêm dù khá vất vả nhưng những mục tiêu trước mắt chính là động lực để em vượt qua mọi khó khăn.”, Gia Thi chia sẻ.

Trong 3 năm dốc hết sức để làm mọi công việc có thể làm để kiếm được tiền từ chính bàn tay, trí tuệ và sức khỏe của bản thân, không lúc nào ước mơ cháy bỏng trở lại học đại học của Gia Thi bị lãng quên. Ngược lại, càng làm việc vất vả và gặp nhiều khó khăn thì lòng quyết tâm quay trở lại giảng đường đại học của cô gái trẻ càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Trở lại học tập từ con số 0, không lựa chọn theo học trường đại học đã học trước đó, em quyết định học ngành Công nghệ Sinh học tại ĐH Duy Tân khi tìm thấy môi trường học tập có nhiều sáng tạo.”

Tốt nghiệp với bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc nhóm Q1

Năm 2023, Gia Thi là một trong nhiều sinh viên ngành Công nghệ Sinh học khóa đầu tiên của ĐH Duy Tân bảo vệ thành công Khóa luận Tốt nghiệp, với đề tài “Ứng dụng chỉ thị phân tử ITS trong định danh loài nấm gây bệnh trên nhộng trùng thảo loài Cordyceps militaris” dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thành Trung - cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học Dược, Trường Y-Dược (CMP), ĐH Duy Tân. TS. Nguyễn Thành Trung chính là tác giả của mô hình "Tủ nuôi Đông trùng Hạ thảo quy mô hộ gia đình" - từng đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Tp. Đà Nẵng năm 2022.

Nghiên cứu nấm quý, sinh viên Duy Tân tốt nghiệp với bài báo Q1 cùng 'Poster Xuất sắc' tại Hội nghị về Nấm

Gia Thi cùng giải “Báo cáo Poster Xuất sắc” tại Hội nghị Nấm học toàn quốc lần thứ V

Lê Nguyễn Gia Thi chia sẻ: “Nuôi trồng nấm dược liệu Nhộng trùng thảo (cách gọi phổ biến hơn là Đông trùng Hạ thảo) trong nước đang phát triển với tốc độ rất nhanh và đối mặt với tình trạng nhiễm bệnh rất trầm trọng do một số loài vi nấm ký sinh gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, đồng thời gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi trồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào tiến hành phân lập, định danh chủng nấm bệnh nên cũng chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

Dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thành Trung và các cán bộ của Trung tâm Công nghệ Sinh học Dược, em đã lựa chọn thực hiện đề tài để tìm ra chính xác tên tác nhân gây bệnh, từ đó tìm ra phương pháp phòng trừ hiệu quả.”

Nghiên cứu nấm quý, sinh viên Duy Tân tốt nghiệp với bài báo Q1 cùng 'Poster Xuất sắc' tại Hội nghị về Nấm

Gia Thi trong ngày nhận Bằng Tốt nghiệp có sự đồng hành của người hướng dẫn tận tâm TS. Nguyễn Thành Trung.

Kết quả đề tài đã xác định được 2 tác nhân gây hại là 2 loài nấm ký sinh có tên:

Calcarisporium cordycipiticola NT1504, và

Lecanicillium corprophilum WF2611.

Với đặc tính sinh bào tử rất mạnh và đặc biệt là có mối quan hệ di truyền rất gần với vật chủ là nấm Nhộng trùng thảo Cordyceps militaris đã khiến các loài nấm ký sinh này có tốc độ phát tán và xâm nhiễm vào vật chủ cực kỳ mạnh mẽ. Chỉ sau một thời gian ngắn có thể lây nhiễm cho toàn bộ khu vực nuôi trồng, bắt buộc phải tiêu hủy toàn bộ, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu cũng đã công bố 1 bài báo trên tạp chí Scientific Reports (Q1, IF=4.6) thuộc hệ thống Nature Portfolio, đồng thời đã được trao giải “Báo cáo Poster Xuất sắc” tại Hội nghị Nấm học Toàn quốc lần thứ V.

TS. Nguyễn Thành Trung cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên trong nước thực hiện việc phân lập, định danh nấm gây bệnh trên Nhộng trùng thảo và cũng là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chỉ ra loài L. corprophilum có khả năng ký sinh, gây bệnh trên vật chủ. Kết quả này tạo tiền đề vô cùng quan trọng để chúng tôi cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu, tìm ra phương pháp phòng và điều trị hiệu quả những tác nhân ký sinh gây bệnh nguy hiểm trên Nhộng trùng thảo, góp phần vào sự phát triển bền vững của lĩnh vực nuôi trồng các loại nấm dược liệu quý tại Việt Nam và trên thế giới.

Hiện tại, ngành Công nghệ Sinh học tại ĐH Duy Tân đang tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của Ban Giám hiệu nhà trường thông qua việc thu hút thêm ngày càng nhiều cán bộ nghiên cứu, giảng viên có trình độ cao tốt nghiệp Tiến sĩ từ các nước có nền khoa học công nghệ phát triển cũng như đang đầu tư thêm các máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Nhà trường cũng luôn tạo điều kiện cho các cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đi học tập, dự các hội nghị, hội thảo chuyên ngành trong và ngoài nước để giao lưu học hỏi và hợp tác với các nhóm nghiên cứu cùng lĩnh vực quan tâm. Tất cả những điều trên đã tạo thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục triển khai những đề tài nghiên cứu vừa mang giá trị học thuật vừa mang tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao uy tín học thuật cũng như đào tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghệ Sinh học khu vực miền Trung và cả nước".

Tin cùng chuyên mục