Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 20.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình cao với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc – Nam.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý và quan tâm một số vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ, thời gian thực hiện dự án. Đại biểu Thuý nhấn mạnh, về công nghệ, trên thế giới có Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý là những quốc gia tự phát triển và làm chủ hoàn toàn công nghệ ĐSTĐC; Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha đều là các nước nhận chuyển giao công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ. Như vậy, có thể thấy, cả thế giới có 4 quốc gia sở hữu công nghệ gốc nhưng có 2 quốc gia phát triển ĐSTĐC và đạt được nhiều thành tựu nổi bật về công nghệ, cụ thể châu Âu đại diện là Pháp, châu Á đại diện là Nhật Bản.
Điều quan trọng là nước ta lựa chọn đối tác làm ĐSTĐC Bắc - Nam không phải dựa trên tiêu chí giá cả mà ở góc độ chuyển giao công nghệ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hiện đại hoá công nghiệp đường sắt.
Liên quan về thời gian triển khai dự án, đại biểu Thuý nhấn mạnh, thời gian triển khai dự án từ năm 2025 và phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2035.
Theo đại biểu, thời gian thực hiện dự án trong 10 năm là dài, trong khi Nhật Bản - quốc gia đầu tiên triển khai đường sắt tốc độ cao cách đây 60 năm cũng chỉ cần hơn 5 năm để hoàn thành, Trung Quốc cũng chưa tới 5 năm cho đường sắt tốc độ cao đầu tiên của quốc gia mình; gần nhất là Indonesia cũng cần 7 năm (tính cả thời gian kéo dài)...
Sự so sánh cũng chỉ tương đối vì còn nhiều yếu tố khác chi phối, tuy nhiên với bài học từ 22 quốc gia đã thực hiện, với công nghệ phát triển nhanh chóng và hiện đại, quốc tế hoá như hiện nay hoàn toàn có thể cho phép "đi tắt đón đầu", rút ngắn hơn nữa thời gian triển khai dự án.
Đồng thời, khi nhìn lại quá trình triển khai dự án của các quốc gia, điểm chung là thời gian chuẩn bị đầu tư của họ dài nhưng tiến độ thi công dự án lại rất nhanh, cho thấy việc chuẩn bị dự án rất được coi trọng, xem xét thấu đáo các nguồn lực, đánh giá tác động, các phương án phát sinh rất toàn diện, kỹ lưỡng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị giảm thời gian thực hiện dự án xuống 5 - 6 năm với tinh thần chuẩn bị dự án thận trọng nhưng triển khai dự án "thần tốc". Có như thế mới tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, "chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới", tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Góp ý về nguồn vốn triển khai dự án, đại biểu Thuý nhấn mạnh, dự án xác định 3 nguồn gồm: trái phiếu chính phủ; vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nhưng đại biểu Thuý đề nghị nhấn mạnh trong nghị quyết là nguồn vốn trái phiếu chính phủ là chủ yếu. Điều này vừa huy động được sức mạnh nội sinh, vừa giảm nguy cơ phụ thuộc đối với các quốc gia. Và nếu như đề xuất về giảm thời gian thực hiện dự án thì còn giảm được lãi suất vay cho dự án này.
Đại biểu Thuý cũng đề nghị khi đánh giá về ĐSTĐC cần phải bao gồm cả việc đánh giá và so sánh các lợi ích đối với đường sắt chở khách của vùng và địa phương, đường sắt chở hàng và khả năng chuyển đổi ở mức độ phục vụ của các tuyến đường sắt thông thường; bên cạnh đó, cũng cần đánh giá và tính đến việc giảm bớt công suất của vận chuyển hàng không thông qua sự thay thế vận chuyển khách nội địa bằng máy bay sang ĐSTĐC, do đó cần tính toán lại việc dự kiến xây dựng cảng hàng không ở một số tỉnh, thành phố trong thời gian tới để tránh lãng phí.
Tố Tuấn (Tổng hợp)