Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tai nạn giao thông tập trung chủ yếu trên đường quốc lộ, đường tỉnh và đường đô thị.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh (Ban ATGT), 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2022 tăng 2 tiêu chí về số vụ và số người chết, giảm số người bị thương, trong đó: 5 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022 (Gò Dầu tăng 5 người chết (7/2), Châu Thành tăng 4 người chết (4/0), Tân Biên tăng 3 người chết (6/3), thị xã Hoà Thành tăng 2 người chết (4/2).
Theo Ban ATGT tỉnh tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2023 tập trung chủ yếu trên đường Quốc lộ 22 do đã đầu tư trên 20 năm, đã mãn tải, mặt đường hẹp....
Nguyên nhân, sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông có lúc chưa chặt chẽ. Các lỗi vi phạm trực tiếp gây tai nạn giao thông tập trung chủ yếu là ý thức của người tham gia giao thông, như: vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường, vi phạm quy định khi chuyển hướng, vượt xe không bảo đảm an toàn. Độ tuổi gây tai nạn giao thông chủ yếu từ 18 đến 55, khung giờ từ 12 giờ trở về sau, phương tiện mô tô là chủ yếu (40 vụ).
Tai nạn giao thông tập trung chủ yếu trên đường quốc lộ, đường tỉnh và đường đô thị. Trong đó, quốc lộ qua địa bàn tỉnh dài 132km (chiếm 1,6% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ của tỉnh) nhưng tai nạn giao thông xảy ra 12 vụ (chiếm 22,64%), làm chết 10 người, bị thương 3 người.
Đáng chú ý là tuyến QL.22B đã đầu tư trên 20 năm, đã mãn tải, mặt đường hẹp, nhất là đoạn từ thành phố Tây Ninh đến cửa khẩu Xa Mát, Chàng Riệc; mặt đường xuống cấp, không có hệ thống chiếu sáng, hệ thống ATGT trên tuyến thiếu và xuống cấp, dải phân cách không còn phản quang, báo hiệu thiếu, cũ... Cùng với đó, kinh tế phục hồi (tăng trưởng 6 tháng của tỉnh đạt trên 4,07%), trong đó vận tải hành khách 6 tháng đạt 17.083.000 lượt khách (tăng 41,26% so với cùng kỳ); vận tải hàng hoá đạt 9.190.000 tấn (tăng 15,11% so với cùng kỳ).
6 tháng còn lại năm 2023, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát toàn bộ các bất cập về giao thông trên quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị- nhất là các điểm đen, điểm tiềm ẩn ATGT... các nội dung thuộc thẩm quyền thì khắc phục chậm nhất trong tháng 8.2023; các nội dung vượt thẩm quyền thì có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng: nâng cấp, mở rộng ĐT.782 - ĐT.784 từ ngã ba tuyến tránh QL22B đến ngã tư Tân Bình; đường Đất Sét - Bến Củi; nâng cấp, mở rộng ĐT.795; đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2); đường Tuần tra biên giới; cảng cạn Thanh Phước; cảng cạn Mộc Bài. Dự kiến trong tháng 9.2023, sẽ khởi công 2 dự án giao thông bao gồm: đường N8 thuộc dự án đường liên tuyến; đường Trường Hoà - Chà Là.
Sở GTVT sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án nghiên cứu thiết kế phương án tổ chức giao thông tại các giao lộ có nguy cơ ùn ứ và tiềm ẩn tai nạn giao thông và triển khai thực hiện đề án. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải; các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe theo các chỉ đạo của Bộ GTVT.
Phối hợp với các lực lượng của UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch phối hợp giải toả hành lang an toàn đường bộ các tuyến đường trục chính, các đoạn đường thường xuyên bị lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Đồng thời tiếp tục phối hợp Phòng CSGT - Công an tỉnh duy trì tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT và đạo đức người lái xe cho học viên học lái xe của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, đường thuỷ nội địa. Chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị Thành phố, Phòng Kinh tế - Hạ tầng kịp thời giặm vá, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp.
Chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn quản lý; phối hợp giải toả hành lang an toàn đường bộ sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn quản lý, nhất là tình hình tai nạn giao thông để kịp thời báo cáo về Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh.
Nghĩa Nhân