Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2024):
Ngô Tất Tố - Không chỉ là nhà văn
Thứ ba: 12:00 ngày 18/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Là nhà báo, ông đã chọn thể loại báo chí như một thể loại gọn nhẹ, tiện lợi, phù hợp với yêu cầu kịp thời và giàu tính chiến đấu trên báo chí hằng ngày.

Ngô Tất Tố là một nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc, được người đọc biết đến nhiều qua các tác phẩm Việc làng, Tập án cái đình, Lều chõng, đặc biệt là truyện Tắt đèn. Ông còn là một nhà báo - một nhà báo ngay cả khi viết văn, một nhà báo có biệt tài “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà nho” (Vũ Trọng Phụng).

Là nhà báo, ông đã chọn thể loại báo chí như một thể loại gọn nhẹ, tiện lợi, phù hợp với yêu cầu kịp thời và giàu tính chiến đấu trên báo chí hằng ngày. Với nhiều bút danh khác nhau, ông đã viết hàng ngàn bài đăng trên các báo ngày, tuần báo và tạp chí trong Nam ngoài Bắc giai đoạn 1930-1945.

Đóng góp xuất sắc của ông trên lĩnh vực báo chí đã được ghi nhận qua việc Hội Nhà báo Việt Nam Thành phố Hà Nội đã chọn tên ông để đặt cho giải thưởng báo chí hằng năm của Thủ đô mang tên Giải thưởng Ngô Tất Tố từ năm 1994.

Chân dung Ngô Tất Tố.

Nhiều thế hệ sinh viên chuyên ngành văn học - báo chí đã chọn đề tài Ngô Tất Tố- Nhà báo để viết luận văn tốt nghiệp và nhiều cuộc hội thảo khoa học, công trình nghiên cứu về nhà báo Ngô Tất Tố được tổ chức, trong đó nổi bật nhất là công trình nghiên cứu khoa học do Hội Nhà báo Hà Nội thực hiện: “Di sản báo chí Ngô Tất Tố - ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp phát triển báo chí thủ đô”, do Giáo sư - Viện sĩ Phan Cự Đệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học báo chí và văn học của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội làm chủ nhiệm. Tham gia Ban chủ nhiệm đề tài có Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Duy Thông, Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo) và nhà giáo Nguyễn Gia Quý- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội làm phó chủ nhiệm đề tài; Tiến sĩ Cao Đắc Điểm làm thư ký khoa học.

Sau nhiều cuộc hội thảo khoa học, đề tài đã được nghiệm thu tại cấp cơ sở là Hội Nhà báo Hà Nội ngày 31.5.2004. Đến ngày 4.7.2004, đề tài được tổ chức nghiệm thu ở cấp thành phố do Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Đa số thành viên Hội đồng đánh giá công trình đạt giá trị khoa học và thực tiễn xuất sắc.

Bước đầu nghiên cứu đã diễn ra tranh luận: Tác giả Ngô Tất Tố là nhà văn hay nhà báo? Cuối cùng các nhà nghiên cứu sau khi khảo sát 1.350 tác phẩm đăng báo của Ngô Tất Tố và tìm hiểu quá trình viết văn, làm báo của ông, đã đi đến thống nhất: “Đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố là sự xuất hiện dồn dập hàng loạt tiểu phẩm báo chí xuất sắc, đan xen với sự ra đời các tác phẩm văn học chiếm đỉnh cao trên văn đàn. Nói cách khác, nhà báo bút chiến xã hội nổi tiếng đã hoá thân thành nhà văn tài hoa Ngô Tất Tố, người đứng hàng tiên phong mở đường cho dòng văn học hiện thực phê phán của nước nhà dưới ách chiếm đóng của thực dân Pháp trước năm 1945. Nhà văn góp phần sáng lập nền văn học mới, lại chính là hiện thân của nhà báo biệt tài Ngô Tất Tố với kho tiểu phẩm báo chí ở nước ta”. Như vậy Ngô Tất Tố không chỉ là nhà văn mà còn là nhà báo, một nhà báo xuất sắc. Nhà báo Ngô Tất Tố là ký giả tiêu biểu của trào lưu báo chí công khai yêu nước, tiến bộ của báo giới nước ta trước năm 1945.

Đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp báo chí của Ngô Tất Tố là ông viết nhiều thể loại, trong đó tiểu phẩm báo chí và phóng sự là hai thể loại nổi tiếng nhất của ông. Ông phụ trách nhiều chuyên mục của nhiều tờ báo hằng ngày và hằng tuần. Chuyên mục nào ông cũng nêu rõ chủ trương về nội dung và hình thức để các cộng tác viên theo đó mà tham gia viết bài cho chuyên mục. Nhà báo Ngô Tất Tố đặc biệt lưu ý các đồng nghiệp ở các báo nên chú ý chọn lọc chữ cho kỹ để đặt tên chuyên mục (tức “đề mục”) cho dễ hiểu và gây ấn tượng tốt, không nên đặt đề mục một cách tuỳ tiện. Ông khuyên đồng nghiệp: “Đề mục nếu đặt bằng chữ lố lăng, thì có khác gì cái mắt có rạp (bụi) mà không rửa”.

Đọc tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố, ta nhận thấy mỗi bài một kiểu, không có sự đơn điệu, trùng lặp và tẻ nhạt, ngược lại luôn khơi gợi sự hứng thú nơi người đọc. Qua các tiểu phẩm, ta dễ dàng nhận ra tác giả là một tài năng đa dạng, độc đáo, một ngòi bút hết sức linh hoạt và uyển chuyển khi thâm thuý sắc sảo, khi dứt khoát đanh thép, khi thì hài hước và dí dỏm, khi thì hồn hậu và khoẻ khoắn. Tiểu phẩm báo chí của ông dường như làm thành một bộ biên niên sử của xã hội Việt Nam những năm 1930-1945, là một phòng triển lãm những bức chân dung được phác thảo theo kiểu biếm hoạ giai cấp phong kiến thống trị và những kiểu người điển hình trong xã hội cũ bằng một thứ ngôn ngữ đa dạng, linh hoạt, nhiều màu sắc. Thủ pháp châm biếm trong tiểu phẩm báo chí Ngô Tất Tố có sự kết hợp giữa cái thâm thuý của một trí thức uyên thâm với cái hồn hậu, lạc quan, khoẻ khoắn giàu tinh thần chiến đấu của văn học dân gian. Do đó, ngôn ngữ tiểu phẩm của ông vừa có cái uyên thâm, bác học, vừa có cái mộc mạc, bình dân, vừa có cái thâm trầm của lối văn cử nghiệp, vừa có cái hơi thở nồng nàn của dân tộc, thời đại.

Nhà văn Ngô Tất Tố (ngoài cùng, bên trái) cùng các bạn văn trong kháng chiến chống Pháp.

Ngô Tất Tố là người có nguyên tắc và có chủ kiến về nghề báo, nghiêm khắc và cân bằng lý tình. Chẳng hạn ông tự nhắc mình nhưng cũng là nhắc chung đồng nghiệp trong phương pháp tư duy: “Phàm muốn bàn luận về sự gì có dan díu đến hai phương diện, thì trước khi hạ bút, ta phải cân nhắc xem rằng, nâng phương diện này có luỵ gì đến phương diện kia không? Bênh phương diện kia có hại gì cho phương diện này không? Hễ có suy xét như thế thì khi phát luận mới được trung chính vô tư”.

Ngô Tất Tố cũng cho rằng báo chí phải trung thành với tôn chỉ của mình. Ông phê phán những tờ báo có tôn chỉ nhưng lại đăng bài trái ngược: “Đành rằng vì cái tình thế đặc biệt, báo ở nước mình cũng khó theo trọn tôn chỉ thật đấy, song, không phải là không thể giữ được. Bởi vì mình vẫn có quyền “không nói” kia mà. Cái gì nói ra mà tình thế đặc biệt buộc phải trái với tôn chỉ của mình, thì mình không thèm động đến nó nữa”.

Giữ nguyên tắc và phẩm giá cho nghề báo, Ngô Tất Tố giễu cợt thói hư danh, lập danh qua đường làm báo, có người thiếu kiến thức nhưng cứ mở ra tờ báo lấy cái danh chủ nhiệm báo, in danh thiếp, để có hư vinh: “Cái chức chủ báo, lúc này hãy còn là mốt thời trang, cho nên ở nước mình ngày nay… cũng có nhiều ngài chỉ xin phép mở báo để kiếm hai chữ chủ nhiệm mà đi dự tiệc… đó là cái lối công danh rất dễ đi”. Và ông giễu cợt mỉa mai nạn làm hàng giả mà ngày nay ta gọi là thói đạo văn, luộc lại tin tức của báo khác: “Họ mạ khéo lắm, không phải dùng vàng dùng điện như các thợ mạ, chỉ ngoáy cái ngòi bút là xong… Than ôi, thì buổi điêu ngoa các bà các cô sắm đồ, phân biệt đồ thật đồ mạ đã khó thay, mà đến độc giả đọc báo, phân biệt được tin “mạ” lại càng khó nữa”.

Ông cũng không tha cái sự khoác lác của đồng nghiệp, một tấc đến trời, mà tiếng lóng thời nay gọi là “nổ tung trời”, là “chém gió”: “Trời đất ơi, một tờ báo quốc văn mà dám nói giải quyết được những vấn đề khẩn cấp của nhà nước bây giờ, một anh học thức vo tròn đựng không đầy đồng hến mà dám nói dìu dắt giống nòi vượt hết các trở lực”. Đến đây thì nhà nho cũng phải nổ bùng phẫn nộ: “Bây giờ nên đặt ngay một hạng thuế gọi là “thuế nói phét”, hễ những kẻ nào nói phét thì kê vào sổ về sau bắt lĩnh môn bài. Người nào không có môn bài mà cũng nói phét tức là nói phét lậu, sẽ theo luật chứa đĩ lậu mà phạt tiền, hay là theo luật thuốc phiện mà bỏ tù. Có vậy hoạ may người đọc mới đỡ hại lỗ tai”.

Ngô Tất Tố là nhà nho viết báo, ông rất nghiêm cẩn, tỉ mỉ, chính xác trong cách sử dụng ngôn từ. Đa phần các bài báo của ông có độ dài khoảng trên dưới 1.000 từ, một độ dài vừa phải cho người đọc. Ông duy trì giọng văn nghiêm nghị, khi cần chế giễu thì theo kiểu cười mỉm cười ruồi, ít khi cao giọng đanh thép. Một kiểu thâm nho ngấm dần, nhiều khi làm cho đối tượng bị phê phán tím mặt, nhưng không bẻ được ông. Nhìn chung tiểu phẩm của ông có tác dụng thức tỉnh là chính.

Ngô Tất Tố rất coi trọng chữ nghĩa, trau chuốt câu văn, cho nên các bài báo của ông hấp dẫn và dễ đọc. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6.2024, đọc lại các trang tiểu phẩm có liên quan đến nghề báo của nhà báo Ngô Tất Tố, ta thấy có sự đồng điệu về nghề báo của người xưa và thế hệ nhà báo hôm nay.

Quang Dững

Tin cùng chuyên mục