Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngoại giao Việt Nam, dấu ấn, thông điệp và yêu cầu mới
Thứ năm: 09:20 ngày 28/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thành tựu những năm qua tạo cho Việt Nam tiềm lực, vị thế, uy tín cao trên trường quốc tế, đưa đất nước hình chữ S trở thành “điểm hẹn” hấp dẫn của các quốc gia.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden phát biểu trước báo chí sau hội đàm.

Những sự kiện, con số ấn tượng và thông điệp quan trọng

Đến tháng 9/2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước; nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn khác.

Chúng ta hiện hữu, ghi dấu ấn trên nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao của thế giới, khu vực như Liên hợp quốc, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…

Việt Nam ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, bao gồm các nước công nghiệp phát triển. Qua 9 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam có những đóng góp tích cực, được ghi nhận là ngọn cờ có sức thu hút.

Đằng sau các con số, sự kiện rất ấn tượng ấy là những giá trị, thông điệp quan trọng.

Một là, hình thành mạng lưới quan hệ sâu rộng, tạo nền tảng định vị vững chắc, xác lập vị thế quốc gia có lợi trên trường quốc tế.

Việt Nam thiết lập mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng khắp, trọng tâm là 33 “điểm nút” có vai trò hạt nhân. Mỗi “điểm nút” kết nối nhiều quốc gia, hình thành một hệ thống quan hệ đa phương, đa chiều, đa tầng nấc. Ngoại giao đa phương nâng tầm “thương hiệu Việt Nam” trên trường quốc tế, trong quan hệ song phương với các đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn. Các quan hệ song phương tạo vị thế có lợi cho Việt Nam trong ngoại giao đa phương. Qua đó, định vị vững chắc, nâng cao vị thế quốc gia, tạo nền tảng để hợp tác cùng có lợi với các nước; đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng, “điểm hẹn” hấp dẫn các quốc gia, nhưng cũng là nơi cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. Không ít nước có hoàn cảnh tương tự, bị cuốn vào vòng xoáy, trở thành “con bài”, công cụ cạnh tranh, thậm chí là chiến trường chiến tranh ủy nhiệm giữa các nước lớn. “Đánh mất mình” là bài học đắt giá, không của riêng ai.

Giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, gia tăng đan xen lợi ích chiến lược với các đối tác là cách tối ưu để Việt Nam khai thác lợi thế địa chiến lược, duy trì môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, hạn chế, hóa giải “bão tố, sóng ngầm” từ biến động địa chính trị, xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực và trên thế giới.

Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến thăm Italy và Tòa thánh Vatican từ ngày 23-28/7. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hai là, tạo bước đột phá, duy trì sự hài hòa “cân bằng động” quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh mới.

Sản xuất công nghệ cao, chất bán dẫn, chip… là lĩnh vực mũi nhọn trong đầu tư, hợp tác, phát triển kinh tế toàn cầu. Hợp tác với Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu là mong muốn của nhiều nước. Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trải qua nhiều thử thách, kiểm nghiệm, thấy rõ tương đồng, khác biệt và điều kiện đã chín muồi để phát triển lên mức cao nhất.

Lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp nhà nước, đàm phán, ký Tuyên bố chung nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là phép thử, biểu tượng chứng tỏ Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị và mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới.

Phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác sâu rộng hơn trên các lĩnh vực, vì lợi ích của hai nước; góp phần duy trì hài hòa “cân bằng động” quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn, tránh phụ thuộc vào một đối tác nào.

Việt Nam thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh, bao vây cấm vận, nên nỗ lực hết sức mình vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Phương châm “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”; xây dựng lòng tin, chuyển đối đầu thành đối thoại, kẻ thù thành bạn, đối thủ thành đối tác là động lực tinh thần giải quyết mâu thuẫn, xung đột, đóng góp quan trọng của Việt Nam cho thế giới.

Lời đầu tiên trong bài phát biểu tại khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là hình mẫu vượt qua quá khứ, từ đối đối thủ thành đối tác để giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương. Tuy có một số băn khoăn, lo ngại, cảnh báo liên quan đến mâu thuẫn, đối đầu căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, Nga và những vấn đề lịch sử, tâm lý. Nhưng đa số dư luận đánh giá cao ý nghĩa quốc tế của “bước nhảy” trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, mà không dẫn đến xáo trộn quan hệ với Trung Quốc, Nga và các nước lớn khác.

Đối tác chiến lược toàn diện có khung khổ chung, nhưng với mỗi nước lại có sự tương đồng và khác biệt riêng. Việt Nam và Nga có quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống, kế thừa giá trị tốt đẹp từ thời Liên Xô, nhưng cũng chịu tác động từ xung đột ở Ukraine. Trung Quốc là nước lớn, láng giềng, tương đồng về thể chế chính trị nhưng còn tranh chấp phức tạp về chủ quyền biển đảo. Quan hệ với Hoa Kỳ cần tầm nhìn chiến lược, nỗ lực đặc biệt mới có thể “vượt qua khác biệt” để “phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Việt Nam chủ động trao đổi để các nước hiểu rõ, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không phải là liên minh quân sự, không đi với nước này chống nước khác, không để mối quan hệ này cản trở mối quan hệ kia. Quyết định và đối sách thể hiện bản lĩnh chính trị, sự độc lập, tự chủ, uyển chuyển, linh hoạt, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nền ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự Lễ khai mạc và Phiên toàn thể cấp cao ASEAN-43 tại Jakarta, Indonesia ngày 5/9. (Ảnh: Anh Sơn)

Ba là, triển khai đồng bộ các trụ cột, toàn diện các lĩnh vực ngoại giao với tư duy mới, tốc độ mới.

Đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tăng cường sự tin cậy chính trị, quan hệ bền vững lâu dài, khơi thông “điểm nghẽn”, ký kết chương trình, kế hoạch, tạo nền tảng phát triển, quyết định hiệu quả hợp tác. Các chuyến thăm, gặp gỡ thượng đỉnh, tham dự hội nghị cấp cao ngày càng đa mục đích, lồng ghép nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, ngoại giao đến kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục… Hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội vừa qua với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Lào, Nga, Nhật Bản... thể hiện rõ điều đó.

Ngoại giao kinh tế là động lực, hợp tác khoa học công nghệ cao là đột phá, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, quan hệ giữa các nhà nước. Sự tin cậy chính trị tạo nền tảng thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghệ, quốc phòng, an ninh… Ngoại giao văn hóa, hợp tác giáo dục, đào tạo là cầu nối mở rộng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân.

Ngay sau ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong dịp dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều hoạt động gặp gỡ quan chức, các tổ chức của Hoa Kỳ để cụ thể hóa các lĩnh vực, chương trình hợp tác thương mại, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực sản xuất công nghệ cao… Chưa bao giờ việc triển khai lại đồng bộ, nhanh và kịp thời như vậy.

Bốn là, bước chuyển từ lượng thành chất và sự tổng hòa các nhân tố.

Năm 2023, ngoại giao Việt Nam sôi động với nhiều đoàn cấp cao đến và đi, trong đó các nguyên thủ của quốc gia, trên các châu lục, địa bàn chiến lược. Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước để kỷ niệm 30, 40, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Qua đó, đánh giá kết quả, định hướng phát triển quan hệ hiệu quả thiết thực hơn.

Thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 33 quốc gia; ký kết nhiều văn kiện song phương, đa phương; các nước ủng hộ Việt Nam tham gia cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác với số phiếu cao; hợp tác hỗ trợ nhau trong các tình huống khó khăn… là minh chứng sinh động sự chuyển hóa lượng thành chất. Điều đó càng ý nghĩa trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường hiện nay.

Đó là kết quả của quá trình nỗ lực liên tục, bền bỉ nhiều năm; sự tổng hòa của nhiều nhân tố. Các nước hợp tác, phát triển quan hệ vì vị trí địa chiến lược, vị thế, uy tín quốc tế Việt Nam ngày càng tăng; lịch sử, truyền thống; sự ổn định chính trị, xã hội và tiềm năng phát triển… Nhân tố quyết định là Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; sẵn sàng tham gia định hình, dẫn dắt các cơ chế quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez thăm Việt Nam, dự Lễ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tới Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 27/9. (Nguồn: TTXVN)

Năm là, thông điệp mạnh mẽ về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; lịch sử, truyền thống dân tộc và tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Những sự kiện, con số ấn tượng truyền tải thông điệp mạnh mẽ về những giá trị tiêu biểu của đất nước, con người Việt Nam. Đó là truyền thống hòa hiếu, nhân văn, nhân ái, khoan dung, yêu chuộng hòa bình; chủ trương gác lại quá khứ, sẵn sàng chào đón, làm bạn với tất cả những ai có thiện chí hợp tác cùng phát triển. Một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu. Với những giá trị đó, Việt Nam là “điểm hẹn” hấp dẫn của các quốc gia.

Tình hình mới, yêu cầu mới và nỗ lực cao hơn

Thành tựu những năm qua tạo cho Việt Nam tiềm lực, vị thế, uy tín cao trên trường quốc tế. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi là những khó khăn, thách thức mới. Sự đan xen sâu rộng giữa các xu thế: đa cực, phân mảnh, hình thành các tập hợp lực lượng mới đối trọng nhau; hợp tác và xung đột, đối đầu… Rủi ro an ninh, chính trị leo thang; kinh tế trì trệ, lạm phát, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, đầu tư suy giảm; vòng xoáy cạnh tranh phức tạp, gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh…

Cơ hội phải nắm bắt và hiện thực hóa. Thách thức hiện hữu, nếu không xử lý kịp thời, hiệu quả, sẽ tác động lớn đến an ninh chính trị, ổn định, hợp tác và phát triển. Tình hình mới đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi nỗ lực cao hơn.

Mục tiêu bao trùm theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc là: giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…

Để thực hiện mục tiêu, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; đổi mới tư duy, chuyển hóa nhận thức thành hành động, tạo động lực mới, nguồn lực mới, từ bên trong và bên ngoài. Thực hiện tốt phương châm chỉ đạo: quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước.

Nỗ lực đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hiệp định, chương trình, kế hoạch hợp tác; gia tăng đan xen lợi ích, tin cậy chính trị. Nắm chắc tình hình, bắt nhịp kịp thời xu thế của thế giới, khu vực, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chủ động thích ứng, chuẩn bị đối sách, sẵn sàng xử lý linh hoạt, hiệu quả các biến động, vấn đề phức tạp. Giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy mạnh mẽ trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục