Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngoạn mục giao thương Việt – Mỹ
Thứ năm: 18:51 ngày 28/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vài ngày trước khi Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam, quả xoài của Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau gần 10 năm chờ đợi. Và sau 1/4 thế kỷ bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần 120 lần, đạt hơn 60 tỷ USD trong năm 2018.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký các văn bản hợp tác trị giá nhiều tỷ USD giữa các doanh nghiệp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chuyến công du Việt Nam kéo dài tới ngày 28/2 của Tổng thống Donald Trump được coi là một cơ hội để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Như nhất trí giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chiều 26/2, hai bên sẽ tiếp tục coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực cho quan hệ song phương.

Và sau buổi hội đàm sáng 27/2 giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Phủ Chủ tịch, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác trị giá hàng chục tỷ USD giữa các doanh nghiệp hai bên.

Trên thực tế, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đã liên tục có những tiến triển, không chỉ từ những hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ USD mà còn với những thỏa thuận rất cụ thể, như sự kiện xoài Việt Nam nhận “visa” vào Mỹ vừa qua.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam chính thức gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu quả xoài tươi sang thị trường Hoa Kỳ từ năm 2009. Đến nay, sau gần 10 năm, xoài của Việt Nam đã hoàn thành tất cả các thủ tục để được phép xuất khẩu sang Mỹ. Đây là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam (sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều và vú sữa) được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Không chỉ có quả xoài, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng đang rộng đường sang thị trường lớn nhất thế giới. Chẳng hạn, chỉ tính riêng ở Tiền Giang, tỉnh này đặt mục tiêu từ nay đến cuối vụ sẽ thu mua và xuất khẩu sang Mỹ 300 tấn trái vú sữa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng sản lượng vú sữa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ niên vụ 2018 - 2019 lên 400 tấn quả, cao gấp 3 lần so năm trước.

Hiện các doanh nghiệp thu mua vú sữa xuất khẩu tại vườn với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, cao hơn giá thu mua thị trường từ 7.000 - 10.000 đồng/kg và đây rõ ràng là tin rất đáng mừng với nông dân.

Tổng thể, thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ tháng 1/2019 đạt hơn 5,151 tỷ USD, tăng tới 42,1%, tương đương con số tuyệt đối 1,527 tỷ USD so với cùng kỳ 2018. Với con số này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đã gấp tới 4,7 lần tốc độ bình quân chung cả nước.

Đáng lưu ý, dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Hoa Kỳ, đạt 1,591 tỷ USD tăng 34,1%. Ngoài dệt may, các nhóm hàng chủ lực khác là giày dép 620 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD; gỗ và sản phẩm gần 475 triệu USD, tăng 156 triệu USD; điện thoại sang Hoa Kỳ đạt gần 473 triệu USD, tăng tới 121%, tương đương con số tăng thêm 259 triệu USD…

Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), mặc dù mới tháng 1 nhưng  Hoa Kỳ đã chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường trọng điểm của Việt Nam. Cũng trong tháng 1, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước từ thị trường Hoa Kỳ đạt 1,076 tỷ USD đã đưa con số xuất siêu của Việt Nam chạm ngưỡng hơn 4 tỷ USD đối với đối tác hàng đầu này.

Nhìn xa hơn, 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%.

Ông Bùi Huy Sơn - Tham tán Công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, năm 2018 có thể coi là "năm của những biến động" với những diễn biến khó lường và đa chiều nhất từ trước tới nay trong chính sách thương mại quốc tế của Hoa Kỳ.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã luôn theo sát tình hình, chủ động, phối hợp với Hoa Kỳ tiếp tục duy trì quan hệ đối thoại về chính sách kinh tế, thương mại, tạo cơ hội cho hai bên giải tỏa quan ngại, tìm giải pháp xử lý vướng mắc, xây dựng bầu không khí thuận lợi cho các bước hợp tác mới.

“Với tổng giá trị nhập khẩu lớn nhất thế giới, đạt trên 2.400 tỷ USD năm 2018, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam những năm tới, nhưng đây cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt”, ông Bùi Huy Sơn bày tỏ.

Theo nhận định từ các chuyên gia, quan hệ thương mại Việt – Hoa Kỳ trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ có những thay đổi quan trọng, thậm chí về chất lượng. Bởi Hoa Kỳ có khả năng công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam sau thời điểm 1/7/2019 và quan hệ thương mại hai nước sẽ được đặt trên những nền tảng pháp lý quan trọng là hàng loạt cam kết quốc tế.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kĩ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ, theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp phải chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước; đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này và góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục