Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Anh hùng LLVTND - Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương:
Ngọn lửa trái tim người anh hùng vẫn luôn cháy mãi
Thứ tư: 16:51 ngày 15/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Nguyễn Văn Thương- Hai Thương, sinh năm 1938, ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, địa phương đã sản sinh ra nhiều vị tướng, Anh hùng LLVTND lập biết bao công trạng hiển hách trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng đất nước của dân tộc ta.

Ðời thường bình dị của Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Thương.

9 giờ 50 phút ngày 13.8.2018, trái tim của một người anh hùng- Thiếu tá Tình báo Nguyễn Văn Thương đã ngừng đập.

Ông là một trong hai Anh hùng LLVTND ở Tây Ninh cùng có tên là Thương - Mười Thương và Hai Thương, hai cái tên nói lên tất cả lòng yêu thương, quý trọng của nhiều thế hệ người Tây Ninh đối với những người có công lớn với đất nước, làm rạng danh quê hương, hai cái tên nổi tiếng vang dội trên thế giới khiến mọi người đều cảm phục.

Cùng ở lứa tuổi hai mươi, Mười Thương đã nổ phát súng trên cao nguyên, ám sát Ngô Ðình Diệm, Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn, còn Hai Thương đã “ngắt đầu Ngô Ðình Diệm” ở Trảng Bom trên đường kẻ địch diễu hành bằng xe hoa rước pho tượng Diệm từ Long Khánh về Biên Hoà dự một hội chợ triển lãm năm 1958.

Dù Diệm không chết ở Buôn Ma Thuột, hay cái đầu Diệm bị ngắt ở Trảng Bom chỉ làm bằng thạch cao, đây vẫn là tín hiệu sáng chói đầu tiên trong sự nghiệp cách mạng lẫy lừng của hai người anh hùng tên Thương.

Ông Nguyễn Văn Thương- Hai Thương, sinh năm 1938, ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, địa phương đã sản sinh ra nhiều vị tướng, Anh hùng LLVTND lập biết bao công trạng hiển hách trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng đất nước của dân tộc ta.

Hai Thương mới lên 8 tuổi, mẹ ông đã hy sinh trong nhà tù của giặc Pháp ở Côn Ðảo; cha ông, cũng là một chiến sĩ cách mạng hoạt động ở vùng Toà Thánh - Long Hoa, đã đưa ông lên đây vào học ở Ðạo Ðức Học Ðường, một ngôi trường trong nội ô Toà thánh.

Chính tấm bằng tốt nghiệp tiểu học của Hội thánh Cao Ðài cấp đã tạo ra vỏ bọc khá hữu hiệu cho ông Hai Thương những năm sau đó. Năm 1959, khi người cha bị địch bắt giam cầm, tra tấn đến chết ở khám đường Tây Ninh, ông Hai Thương thoát ly ra chiến khu làm chiến sĩ bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Gia Ðịnh (mật danh T4).

Hai năm sau, khi phong trào Ðồng Khởi bùng lên khắp miền Nam, ông Hai Thương được phân công làm công tác tình báo trong một đường dây liên lạc giữa các điệp viên tình báo chiến lược, hoạt động trong lòng địch ở Sài Gòn với cơ quan lãnh đạo cách mạng cấp cao ở Trung ương Cục miền Nam đóng tại Tây Ninh.

Quá trình công tác trong đường dây này, ông Hai Thương đã chuyển hàng trăm tài liệu tối mật của các vị tướng bộ tình báo lỗi lạc như Ðặng Trần Ðức, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn…

Trong thời gian làm giao thông tình báo, ông Hai Thương được cấp trên chuẩn bị cho một số giấy tờ, căn cước giả, ẩn mình dưới vỏ bọc “Ðại uý Ngọc, đặc phái viên của CIA”. Lúc đó, phía ta có một người làm giấy tờ giả rất tinh vi là ông Tám Chứa ở Tân Bình, Sài Gòn.

Sau giải phóng gặp lại nhau, ông Tám Chứa vẫn còn trêu Hai Thương: “Nhờ chữ ký (giả) của tôi trên giấy tờ mà cậu mới tự do tung hoành. Giờ có huân chương, huy chương gì phải chia đôi nghen”.

Với vỏ bọc này, suốt nhiều năm liền, ông Hai Thương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chuyển được rất nhiều tin tình báo chiến lược từ Sài Gòn về chiến khu.

Một lần, ông Hai Thương kịp thời cứu sống một phụ nữ cụt tay gần chết do mất máu vì trúng đạn của giặc đi càn. Bà mẹ này tên Nguyễn Thị Huệ, có một người con là Nguyễn Mạnh Hùng- trung uý cảnh sát Sài Gòn. Mẹ con họ xúc động nhận Thương làm con nuôi, anh nuôi.

Hơn thế nữa, người con tên Hùng được Hai Thương vận động đã quyết định làm việc cho cách mạng trong vỏ bọc sĩ quan có sẵn. Hai mẹ con tự lấy bí danh cho mình, mẹ là Giác, con là Ngộ. Sau giải phóng, ông Ngộ trở thành Thượng uý Công an nhân dân của ta.

Một hôm, từ giấy tờ, tài liệu do Trung uý Nguyễn Mạnh Hùng cung cấp, Hai Thương đã nhập vai “Ðại uý Ðức” đi thanh tra các trạm kiểm soát từ Tây Ninh về Sài Gòn. Các đồng chí của Hai Thương thì trở thành lái xe, tuỳ tùng trong các bộ quân phục và giấy tờ hợp pháp. Riêng Trung uý Hùng vẫn giữ nguyên vỏ bọc “thứ thiệt”. 

Nhiệm vụ của “Ðại uý Ðức” là phải “bảo kê” xe chở vũ khí của ta qua được hàng chục trạm gác của địch. Tại một trạm chính ở cửa ngõ Sài Gòn, xe Jeep vừa dừng lại, barie đã được giở lên, mấy tên lính gác đứng nghiêm chào “Ðại uý Ðức” đang ngồi dạng chân ngậm thuốc lá, đeo kính râm vẻ oai vệ. Tên trạm trưởng chạy ra khúm núm: “Chúng tôi đã nhận được công văn từ Ty Cảnh sát Tây Ninh báo rằng đại uý sẽ đi thanh tra các trạm. Mời đại uý vào uống cà phê”.

“Ðại uý Ðức” cùng Trung uý Hùng bước vào trong. Trên bàn đã thấy sẵn mấy phin cà phê, dĩa bánh bao nóng hổi cùng chai rượu. “Ðại uý Ðức” gật gù nói giọng kẻ cả: “Ðang ăn sáng hả, giờ nầy phải làm việc chứ?”.

Nghe vậy, tên trạm trưởng rối rít: “Dạ nghe tin đại uý đi thanh tra, tụi em chuẩn bị để mời đại uý đó chứ”. “Ðại uý Ðức” xoa dịu: “Thôi, cứ hưởng trước đã. À, anh bảo mấy thằng lính khi gặp hai xe chở bành mủ cao su từ Tây Ninh lên thì báo tôi biết, vì anh bạn chủ hàng là bạn thân của tôi”.

Muốn lấy lòng cấp trên, tên trạm trưởng xun xoe: “Ðại uý cứ yên tâm, ở đây không gì qua mắt được bọn em hết”. Nói xong hắn quay sang đám lính: “Tụi bây ra ngoài hễ thấy 2 xe chở mủ cao su thì kính mời mấy thầy xuống trạm uống cà phê chơi”. Trong thâm tâm, có lẽ hắn nghĩ tay “đại uý Ðức” này cũng “cùng một giuộc” như hắn, lợi dụng những ngày cuối năm, giáp Tết để buôn hàng kiếm thêm…

Trong khi đó ở phía ngoài, Trung uý Nguyễn Mạnh Hùng cùng mấy tay cảnh sát viên đường hoàng khoát tay cho 2 xe “chở mủ cao su” qua trạm trót lọt. Bằng cách ngoạn mục như trên, 2 xe chở đầy vũ khí đã được “Ðại uý Ðức” và Trung uý Ngộ đưa qua trót lọt 12 trạm gác, về đến nội thành một cách an toàn, kịp thời phục vụ cho Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Thành tích của người cụm phó cụm giao thông tình báo nhiều không kể xiết, đã góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các điệp viên cách mạng hoạt động công khai trong sào huyệt của kẻ thù.

Tuy nhiên, điều làm cho bọn chúng, từ Phủ Ðặc uỷ trung ương tình báo Sài Gòn đến cơ quan tình báo chiến lược CIA của Mỹ phải khiếp sợ và “nhận thua” là khi ông Hai Thương… lọt vào tay chúng.

Trong một chuyến công tác từ nội thành Sài Gòn mang theo tài liệu tối quan trọng đến Mỹ Phước, Bình Dương, ông Nguyễn Văn Thương rơi vào giữa vòng vây của quân địch, bọn chúng khép chặt vòng vây hòng bắt sống người chiến sĩ giao liên mà chúng đoán biết là một mắc xích cực kỳ quan trọng của tình báo “Việt cộng”.

Khi Hai Thương đã khéo léo giấu được tài liệu và khẩu súng Carbin xuống một luống đất cày, bọn địch đã đến rất gần, ông đưa tay trá hàng theo lệnh của chúng. Và chiếc máy bay trực thăng vừa sà xuống sắp đáp để giải ông đi, Hai Thương bất ngờ giật khẩu súng tiểu liên của một tên lính đứng gần ông bắn một loạt đạn vào thân máy bay làm 3 tên lính Mỹ chết, máy bay bị lật ngang rơi xuống đất. Nhưng Nguyễn Văn Thương cũng đã bị chúng bắn bị thương ở chân và bắt ông đưa lên chiếc trực thăng mới bay đến.

Kẻ địch đưa ông Hai Thương đến một ngôi biệt thự mà ông đoán là ở ngoại thành Sài Gòn. Những ngày đầu chúng không tra tấn mà chỉ điều tra sơ bộ và trị thương cho ông. Sau đó, chúng lần lượt dùng mỹ nhân kế và cuộc sống xa hoa trong biệt thự để hòng lung lạc, chiêu hàng Hai Thương, nhưng ông vẫn không hé môi khai báo điều gì ngoài lời khai giả của “Nguyễn Trường Hân, nông dân mù chữ, trốn quân dịch ở Bến Cát, Bình Dương”.

Sau hơn 100 ngày dùng chiến tranh tâm lý không xong, kẻ địch giở hết những chiêu trò tra tấn tàn độc để hòng moi được những tin tức tình báo của cách mạng. Tất cả các đòn độc đều nhắm vào đôi chân giao liên của ông.

Ðầu tiên là chúng bẻ hai ngón chân út, rồi đập nát hai bàn chân, sau đó chúng “cưa sống”, không cầm máu, không thuốc tê, thuốc mê cả hai chân ông. Sáu lần cưa chân từ mắt cá lên gần tới khớp xương chậu, chỉ còn 7cm xương đùi. Mỗi lần cưa xong chúng lại băng bó, điều trị cho ông, nhưng khoảng hai tuần sau, khi vết cắt sắp lành kẻ địch lại cưa chân ông tiếp lần nữa.

Bọn địch mong ông không chịu nổi sự đau đớn mà cung khai những điều chúng muốn biết về mạng lưới tình báo cách mạng như “bóng ma” đang ám ảnh chúng qua nhiều năm chiến tranh. Cuối cùng, sau lần cưa chân thứ sáu, khi Hai Thương hoàn toàn không còn đôi chân, kẻ địch đã phải “chịu thua”. Chính miệng tên đại tá CIA Mỹ chỉ huy “trận đánh Hai Thương” đã phải thốt lên: “Trời ơi, đúng là một sinh vật bằng thép, chúng tôi chịu thua ông”.

Sau ba tháng “giam cầm trong nhung lụa” và “hành hình đôi chân người sống”, kẻ địch đưa ông đến giam cầm ở trại giam Hố Nai, Biên Hoà. 20 tháng ở trại giam này, Hai Thương đã bị biệt giam cấm cố và “nhốt conex” (loại thùng container cỡ 20 feet dùng trong quân sự của quân đội) hết 18 tháng.

Cuối cùng, khi Hai Thương chỉ còn “nửa thân người”, “nửa bộ xương bọc trong lớp da” nặng chưa đầy 20kg, chúng đưa ông ra đảo Phú Quốc, tiếp tục giam cầm, tra tấn trong trại tù binh. Ðến giữa tháng 2.1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, kẻ địch đưa ông cùng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam cầm trả cho lực lượng cách mạng miền Nam tại sân bay Lộc Ninh.

Trở về với cách mạng, với đồng đội, đồng chí, ông Nguyễn Văn Thương được đưa ra miền Bắc chăm sóc, phục hồi sức khoẻ và được “chắp đôi chân” mới.

Sau ngày đại thắng 30.4.1975, Chuẩn uý Nguyễn Văn Thương được trở về miền Nam và tiếp tục công tác trong ngành quân báo. Ông đã “trở lại chốn xưa” Phủ Ðặc uỷ trung ương tình báo Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ quân quản.

Tại đây, ông “gặp lại người cũ”, Thiếu tá Xuân của quân đội Sài Gòn, người có mặt trong các cuộc tra tấn Hai Thương bằng cách cưa chân. Thiếu tá Xuân đã “ngoan ngoãn” làm theo lệnh của “người tù binh - sinh vật thép” đưa Hai Thương ra một hòn đảo ngoài khơi Kiên Giang để bắt sống Ðại tá Bách, một sĩ quan tình báo cấp cao của Mỹ nguỵ đang trốn chạy, tìm cách di tản.

Những năm kế tiếp, ông Hai Thương tiếp tục công tác cách mạng trên lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội. Nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian, tận sau khi nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá, để làm nhân chứng lịch sử đi nói chuyện truyền thống cho thế hệ sau. Trong đó có lần ông đã trở về quê hương Tây Ninh, tiếp lửa cho tuổi trẻ tỉnh nhà.

Anh hùng LLVTND- Thiếu tá Tình báo Nguyễn Văn Thương đã vĩnh biệt cõi đời, nhưng ngọn lửa do ông cùng thế hệ cách mạng tiền phong đã truyền lại vẫn còn cháy mãi, cháy mãi mãi.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục