Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngọt lành bánh gai Tân Quang
Thứ bảy: 21:56 ngày 18/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngã ba Tân Quang, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang. Trên hành trình xa lắc giữa trời đông giá rét được dừng chân nhẩn nha chiếc bánh gai bên cốc chè xanh bốc khói thật không gì ngon bằng.

Mỗi khi có xe dừng chân, những hàng bánh gai lại nhộn nhịp khách mua bán - Ảnh: V.N.A.

9g sáng, xe dừng ở ngã ba Tân Quang, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang. Hành trình còn xa lắc nên anh lái xe bảo mọi người tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát để tiếp tục lên đường. Phố nhỏ, những cửa hàng be bé và mấy hàng nước kê sẵn mấy chiếc ghế đơn sơ cho khách đường xa nghỉ ngơi, uống chè xanh.

Mọi người trên xe ùa xuống, vài người nhanh nhảu với tay lấy mấy xâu bánh lá trên khay cô bán hàng bên đường vừa lấy từ trong nồi ra còn bốc khói hít hà. Mấy bạn nam còn nhanh hơn, bóc ngay lớp lá bên ngoài nhai ngon lành.

Lúc này tôi mới để ý thấy những xâu bánh treo lủng lẳng trên móc treo ở các quầy hàng trông hấp dẫn mời gọi.

“Thử đi. Bánh gai Tân Quang đấy. Đặc sản làng Mộc Lạn xứ này. Không giống ở đâu đâu”, bạn đưa cái bánh một hai bảo tôi thử cho bằng được.

Với dân thích xê dịch và sành ăn, bánh gai làng Mộc Lạn, xã Tân Quang có tiếng từ xưa. Nhưng cũng như nhiều làng nghề trải qua một thời mai một, thăng trầm, chỉ khoảng mươi, 15 năm trở lại đây khi đường sá đi lại thuận tiện, thông thương nhiều hơn, tiếng tăm món bánh đặc sản Tân Quang mới được nhiều người biết đến.

Những chiếc bánh gai trông rất ngon mắt - Ảnh: V.N.A.

Cũng với những nguyên liệu truyền thống như bánh gai ở miền xuôi như gạo nếp, lá gai, đậu xanh… nhưng để có được chiếc bánh gai thơm ngon, mang mùi vị đặc trưng của núi rừng, người dân làng Mộc Lạn thường chỉ sử dụng lá gai và lá chuối rừng của vùng này.

Xưa để làm bánh, người dân phải đi sâu vào rừng hái lá gai mang về. Sau này nhiều gia đình đã tự trồng luôn cây lá gai ở vườn nhà, có hộ chuyên trồng để bán cho các hộ làm bánh. Lá gai và lá chuối rừng sau khi thu hoạch mang về rửa sạch, phơi khô và cất trữ để sử dụng quanh năm.

Làm bánh gai cực lắm, ai cũng nói vậy. Lá gai mang về sau khi phơi khô phải giã nhuyễn rồi nấu cho cô đặc khoảng một ngày. Gạo nếp ngâm nước ba giờ xong để ráo xay thành bột rồi mới lấy bột này trộn với bột lá gai để cho ra màu đen tuyền.

Đậu xanh đã đãi vỏ nấu chín rồi ngào đường và dừa bào sợi... Sau khi bao bột bánh vào nhân mới đem gói trong lá chuối phơi khô hấp khoảng ba giờ cho bánh chín.

Đi dọc tuyến phố Tân Quang những ngày nhiều xe du lịch dừng chân nghỉ ngơi hoặc đi sâu vào làng nghề, có thể cảm nhận được hương vị của đậu xanh ngào đường, của lá gai và lá chuối rừng dân dã quanh quẩn.

“Làm bánh gai cực lắm nhưng giờ nuôi sống được nhiều hộ dân ở Tân Quang này rồi”, chị Hương chủ hàng bánh vừa thoăn thoắt cho mấy xâu bánh vào túi nilông cho khách vừa nói khi nghe hỏi.

Sau lớp vỏ bánh đen tuyền lộ ra lớp nhân đậu xanh vàng ươm - Ảnh: V.N.A

Mở chiếc bánh gai còn ấm nóng, bẻ một miếng bánh, sau lớp bột đen tuyền lộ ra lớp nhân đậu xanh vàng ươm. Đưa miếng bánh vào miệng sẽ cảm nhận đủ mọi hương vị thơm ngon của vỏ bánh, vị ngọt xen lẫn chút bùi bùi của nhân bánh.

Giữa trời đông giá rét, nhẩn nha thưởng thức chiếc bánh bên cốc chè xanh bốc khói thật không gì ngon bằng.

Theo TTO

Tin cùng chuyên mục