Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngủ trưa dậy bị đau đầu có nguy hiểm không?
Thứ hai: 19:54 ngày 14/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mặc dù ngủ trưa đã được chứng minh là tốt với sức khỏe nhưng nhiều người ngủ trưa dậy bị đau đầu, nguyên nhân do đâu?

Ảnh minh họa

Nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng luôn băn khoăn với giấc ngủ trưa. Nhiều người cảm thấy khó tỉnh táo, mệt mỏi hơn sau giấc ngủ trưa nhưng nhiều người lại cho thấy hiệu suất làm việc tăng lên nếu có một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa. 

Vậy ngủ trưa có tốt không? Ngủ trưa dậy bị đau đầu là bệnh gì, có phải bệnh nguy hiểm không?

1. Ngủ trưa có tốt không?
Ngủ trưa không chỉ dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay trẻ vị thành niên mà nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tùy vào từng tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp mà người trưởng thành ngủ ngắn vào buổi trưa cũng có thể hưởng được một số lợi ích nhất định.

Với câu hỏi buổi trưa có nên ngủ trưa không hay ngủ trưa có tốt không thì theo WebMD, dưới đây là một số thông tin mà bạn có thể tham khảo về lợi ích của giấc ngủ ngắn này:

- Cải thiện trí nhớ: Một giấc ngủ ngắn có thể giúp bạn nhớ những điều đã học trước đó trong ngày tương tự như khi có được một đêm ngủ trọn vẹn. Ngủ trưa giúp bạn không quên những thứ như kỹ năng vận động, nhận thức giác quan và khả năng nhớ lại bằng lời nói. Nói cách khác, tác dụng của một giấc ngủ ngắn buổi trưa là giúp cải thiện các chức năng nhận thức như trí nhớ, tư duy logic và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp.

Ngủ trưa có tốt không? Ảnh: ST

- Giúp tỉnh táo và tập trung hơn vào buổi chiều: Hầu hết cơ thể mọi người thường trở nên mệt mỏi hơn sau khoảng 8 tiếng thức và não tiết ra một chất hóa học gọi là adenosine - thúc đẩy việc đi ngủ. Ngủ cho phép não tái chế lượng adenosine tích tụ để bạn có thể cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo hơn.

- Các tác dụng của ngủ trưa khác: Một nghiên cứu năm 2019 trên NCBI chỉ ra rằng ngủ trưa từ 1 đến 2 lần mỗi tuần có liên quan tới nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch thấp hơn, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh tim mạch khác. Theo WebMD thì một nghiên cứu cho thấy những người ngủ trưa từ 45 đến 60 phút có huyết áp thấp hơn sau khi trải qua các căng thẳng về tinh thần.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm ra cơ chế của mối liên hệ này.

Nhưng trước tiên, có thể thấy ngủ trưa giúp giảm tác động của việc ngủ không đủ giấc (thiếu ngủ) - một yếu tố được đánh giá là làm tăng nguy cơ gây ra các biến cố tim mạch cũng như các tình trạng sức khỏe khác.

Mặc dù ngủ trưa tốt cho sức khỏe nhưng ngủ trưa cũng có thể gây ra một số vấn đề như khó ngủ hơn vào buổi tối, cụ thể - với người mất ngủ hoặc người lớn tuổi, ngủ trưa có thể khiến họ khó ngủ hơn vào ban đêm, thậm chí là mất ngủ.

Một nghiên cứu năm 2020 ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, ngủ trưa trên 90 phút có liên quan tới nguy cơ tăng huyết áp ở phụ nữ trung niên và phụ nữ lớn tuổi; nghiên cứu khác năm 2014 thì lại chỉ ra rằng ngủ trưa trên 30 phút có liên quan tới tần suất mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cao hơn.

Ngủ trưa dậy bị đau đầu là bệnh gì? Có nguy hiểm không?- Ảnh 2.
Mặc dù ngủ trưa tốt cho sức khỏe nhưng ngủ trưa cũng có thể gây ra một số vấn đề như khó ngủ hơn vào buổi tối (Ảnh: ST)

Nhìn chung, cho tới nay tác động của giấc ngủ trưa với sức khỏe có thể là khác nhau ở mỗi người. Vậy ngủ trưa bao lâu là tốt nhất? Theo WebMD, thời gian ngủ trưa ở người trưởng thành nên chỉ từ 10 - 20 phút là tốt nhất để bạn không thức dậy với cảm giác mệt mỏi hơn cả trước khi đi ngủ. Ngủ trưa càng lâu thì cảm giác mệt mỏi càng tăng lên, đặc biệt là khi quay lại làm việc sau đó do cơ thể rơi vào giai đoạn giấc ngủ sâu.

Trong một số trường hợp thì giấc ngủ trưa dài hơn 90 phút có thể có lợi với người thường xuyên phải làm việc theo các trường hợp khẩn cấp bất kể thời gian nào hay làm việc theo ca, lúc này giấc ngủ dài hơn cho phép cơ thể trải qua đủ các giai đoạn giấc ngủ và tránh gián đoạn giấc ngủ sâu.

2. Ngủ trưa dậy bị đau đầu do đâu?
Nhiều người cho biết họ thường xuyên gặp phải tình trạng ngủ trưa dậy bị đau đầu. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì?

- Các vấn đề về hô hấp và ngủ ngáy

Nếu là người ngủ ngáy, bạn có thể đang gặp phải một số vấn đề hô hấp hoặc chứng ngưng thở khi ngủ. Khi không thở đúng cách khi ngủ, bạn dễ dàng gặp phải các cơn đau đầu sau ngủ trưa.

Trong đó, chứng ngưng thở khi ngủ - hội chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến gây ra tình trạng ngừng thở thường xuyên trong khi ngủ - có thể bao gồm các triệu chứng như: Hay tỉnh dậy vào ban đêm do đường hô hấp bị tắc nghẽn nhiều lần trong khi ngủ, đổ mồ hôi đêm, buồn ngủ hơn vào ban ngày, ngáy to và tiếng ngáy ngắt quãng bởi tiếng thở hổn hển hay nghẹt thở, khô miệng khi thức dậy, tiểu đêm, giảm tập trung,...

- Nghiến răng

Nghiến răng được định nghĩa là một tật đặc trưng bởi hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, có sự siết chặt hoặc nghiến của răng và/hoặc bởi sự giằng và đẩy của hàm dưới trong vô thức. Nếu bị nghiến răng khi ngủ, thì dù là giấc ngủ buổi tối hay buổi trưa bạn cũng có nguy cơ thức dậy bị đau đầu.

Ngủ trưa dậy bị đau đầu do đâu? Ảnh: ST

- Mang thai

Mang thai có thể khiến thai phụ mệt mỏi và cần giấc ngủ trưa thường xuyên hơn. Bà bầu ngủ trưa dậy bị đau đầu có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như: Mất nước, lượng đường trong máu thấp, hormone, sự tắc nghẽn,...

Vì thế, nếu đang mang thai và thường xuyên cảm thấy đau đầu khi ngủ trưa, hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, hạn chế caffeine và ăn thường xuyên hơn. Trong trường hợp mang thai bị đau đầu không giảm, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp giảm đau đầu tại nhà, hãy nói chuyện với bác sĩ sản khoa để được thăm khám và điều trị phù hợp.

- Vệ sinh giấc ngủ kém, ngủ sai tư thế

Vệ sinh giấc ngủ kém có liên quan tới những thói quen kém lành mạnh khi ngủ. Nếu có vệ sinh giấc ngủ kém, đây có thể là yếu tố khiến một người ngủ trưa dậy bị đau đầu. Các thói quen này có thể kể đến như: Gối đầu không phù hợp (quá cứng, quá cao, quá thấp) khiến đầu và cổ khi ngủ ở tư thế không thoải mái dẫn tới căng cơ gây ra cơn đau đầu do căng thẳng.

Ngủ trong môi trường quá sáng hoặc quá lạnh, thiếu oxy cũng tăng cảm giác mệt mỏi và khó chịu cho cơ thể, gây ra các cơn đau đầu sau ngủ trưa do căng thẳng.

Hoặc ngủ sai tư thế như nằm sấp hay ngủ trưa gục đầu xuống bàn làm việc (còn gọi là ngủ ngồi) có thể khiến nhịp tim chậm lại, máu lưu thông tới não không đủ dẫn tới thiếu máu não tạm thời và gây ra chứng đau đầu khi ngủ trưa kèm theo tê bì chân tay, ù tai,...

- Ngủ quá nhiều

Ngủ quá nhiều cũng có thể gây đau đầu do sự gián đoạn đường dẫn truyền thần kinh (hay còn gọi là sự gián đoạn serotonin) ảnh hưởng tới việc duy trì nhịp sinh học hàng ngày cũng như mô hình giấc ngủ tự nhiên của cơ thể.

- Thiếu máu não

Người bị thiếu máu não có thể gây ra tình trạng thức dậy bị đau đầu, kể cả là giấc ngủ ngắn buổi trưa hay ngủ ban đêm.

Thiếu máu não được hiểu là tình trạng máu lưu thông lên não không đủ. Có 3 loại thiếu máu não là thiếu máu não do huyết khối, thiếu mấu não do thuyên tắc và thiếu máu não do huyết động. Triệu chứng thiếu máu não thường gặp có thể kể đến như: Đau đầu chóng mặt, mệt mỏi nghiêm trọng, ù tai, mờ mắt, tê buốt tay chân,...

Trong đó thiếu máu não cục bộ có thể dẫn tới đột quỵ. Dấu hiệu đột quỵ bao gồm: Đau thắt ngực, tức ngực, khó thở, méo mặt, tê liệt một bên cơ thể (thường là tay và chân), khó nói, nói lắp, khó khăn trong việc đứng vững, đau đầu đột ngột và nghiêm trọng, buồn nôn và nôn mửa, suy giảm thị lực, hoa mắt, tầm nhìn song thị, lú lẫn,..

3. Khi nào ngủ trưa dậy bị đau đầu cần gặp bác sĩ?
Như đã nói ở trên, ngủ trưa dậy bị đau đầu không phải là tình trạng hiếm gặp. Nhưng nếu các thay đổi về vệ sinh giấc ngủ, các thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn như giảm lượng caffein tiêu thụ, tập thể dục hàng ngày, ngủ trưa giấc ngắn, massage giảm đau đầu,... không giúp giảm nhẹ hay sự biến mất của cơn đau đầu thì bạn nên thăm khám bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán cũng như có lời khuyên phù hợp với thể trạng của bản thân.

Ngoài ra, cơn đau đầu đột ngột khi thức dậy cũng cảnh báo một số tình trạng sức khỏe như thiếu máu não, làm tăng rủi ro đột quỵ nguy hiểm tới tính mạng. Do vậy, điều quan trọng là chú ý tới các triệu chứng bất thường kèm theo cơn đau đầu, chú ý tới tần suất và cường độ cơn đau hay thời điểm cơn đau xuất hiện nếu vừa trải qua tai nạn ở đầu để gặp bác sĩ sớm.

Về thời điểm ngủ trưa khi nào là hợp lý thì tùy vào nhịp sinh học của từng cá nhân mà thời gian ngủ trưa có thể là sau khi ăn hoặc đầu giờ chiều, miễn là cơ thể bạn cảm thấy thoải mái sau khi ngủ dậy. Ngủ thiếp đi đột ngột hoặc vào những thời điểm không mong muốn khác với ngủ trưa và có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như buồn ngủ quá mức vào ban ngày hoặc chứng ngủ rũ cần phải khám bác sĩ.

Nguồn Phunuvietnam

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh