Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người Ai Cập tính giờ đầu tiên như thế nào?
Thứ năm: 12:54 ngày 13/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hệ thống 24 giờ ngày nay nhiều khả năng bắt nguồn từ những quan sát thiên văn của người Ai Cập hơn 4.000 năm trước.

Một phần trên trần nhà thiên văn tại đền Dendera, Ai Cập. Ảnh: Kairoinfo4u

Mối quan hệ giữa con người với thời gian hình thành từ rất lâu trước đây và việc tìm hiểu nguồn gốc của nhiều đơn vị đo thời gian là thách thức lớn với giới chuyên gia. Một số đơn vị bắt nguồn từ hiện tượng thiên văn khá dễ giải thích và có thể quan sát độc lập ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Ví dụ, đo độ dài một ngày hoặc một năm có thể sử dụng chuyển động tương đối của Mặt Trời so với Trái Đất, trong khi đo lường các tháng lại dựa vào pha Mặt Trăng.

Tuy nhiên, một số đơn vị thời gian không có mối liên hệ rõ ràng với bất cứ hiện tượng thiên văn nào, ví dụ như tuần và giờ, theo phó giáo sư Vật lý Thiên văn Robert Cockcroft và giáo sư Khoa học Liên ngành Sarah Symons tại Đại học McMaster. Một trong những loại chữ cổ xưa nhất, chữ tượng hình Ai Cập, cung cấp thông tin về nguồn gốc của giờ. Nó bắt nguồn từ Bắc Phi và Trung Đông, được tiếp thu tại châu Âu, sau đó lan rộng ra khắp thế giới, IFL Science hôm 8/7 đưa tin.

Thời gian ở Ai Cập cổ đại

Văn bản Kim tự tháp, được viết trước năm 2400 trước Công nguyên, là những bản ghi chép đầu tiên của Ai Cập cổ đại. Trong văn bản có từ wnwt (phát âm gần đúng là “wenut”), và chữ tượng hình gắn liền với từ này là một ngôi sao. Dựa vào đó, các chuyên gia suy luận rằng wnwt liên quan đến ban đêm.

wnwt ngày nay được dịch là “giờ” và để tìm hiểu về thuật ngữ này, trước hết cần đến thành phố Asyut vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên. Ở đó, mặt trong của nắp quan tài gỗ hình chữ nhật đôi khi được trang trí với bảng thiên văn.

Chiếc bảng chứa các cột thể hiện những quãng thời gian 10 ngày trong một năm. Lịch Ai Cập cổ đại có 12 tháng, mỗi tháng có 3 tuần và mỗi tuần có 10 ngày, cuối mỗi năm là một chuỗi 5 ngày lễ hội. Ở mỗi cột, tên của 12 ngôi sao được liệt kê, tạo thành 12 hàng. Toàn bộ bảng thể hiện những thay đổi trên bầu trời trong một năm, tương tự với bản đồ sao hiện đại.

12 ngôi sao này là cách chia có hệ thống sớm nhất nhằm chia một đêm thành 12 khoảng thời gian, mỗi khoảng tương ứng với một ngôi sao. Nhưng trong thời kỳ này, từ wnwt không xuất hiện kèm theo các bảng sao trong quan tài. Đến khoảng năm 1210 trước Công nguyên, trong thời Tân Vương quốc Ai Cập (thế kỷ 16 - 11 trước Công nguyên), mối liên hệ giữa số lượng hàng với từ wnwt mới được làm rõ. Ví dụ, trong đền Osireion ở Abydos có một bảng thiên văn trên quan tài, trong đó 12 hàng được dán nhãn với từ wnwt.

Trong thời Tân Vương quốc Ai Cập, có 12 wnwt đêm và 12 wnwt ngày, cả hai đều nhằm đo thời gian. Như vậy, “wnwt” gần như mang nghĩa giống với “giờ” hiện đại, chỉ trừ hai điểm.

Thứ nhất, dù có 12 giờ ban ngày và 12 giờ ban đêm, chúng vẫn được thể hiện tách biệt thay vì gộp thành một ngày 24 giờ. Thời gian ban ngày được đo dựa vào bóng đổ từ Mặt Trời, trong khi thời gian ban đêm chủ yếu dựa vào các ngôi sao. Điều này chỉ có thể thực hiện khi Mặt Trời và sao nằm trong tầm quan sát, nên có hai thời điểm gần lúc bình minh và hoàng hôn không chứa giờ nào.

Thứ hai, wnwt khác với giờ hiện nay ở độ dài. Độ dài của wnwt thay đổi trong năm, giờ ban đêm gần điểm đông chí sẽ dài hơn, giờ ban ngày gần điểm hạ chí cũng dài hơn.

Đền Osireion ở Abydos cung cấp nhiều thông tin thiên văn. Ảnh: Hannibal Joost

Những ngôi sao đo thời gian

Để trả lời câu hỏi con số 12 hay 24 đến từ đâu, cần tìm hiểu tại sao người Ai Cập lại chọn 12 ngôi sao cho mỗi quãng thời gian kéo dài 10 ngày. Sự lựa chọn này cũng là nguồn gốc thực sự của giờ.

Người Ai Cập cổ đại sử dụng Sirius (hay sao Thiên Lang, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm) làm hình mẫu và chọn những ngôi sao khác dựa trên sự tương đồng về hoạt động của chúng với Sirius. Yếu tố then chốt để lựa chọn có vẻ là chúng biến mất 70 ngày mỗi năm, giống như Sirius, dù chúng không sáng bằng. Cứ mỗi 10 ngày, một ngôi sao giống Sirius biến mất và một ngôi sao khác xuất hiện trở lại.

Tùy vào thời gian trong năm, mỗi đêm có 10 - 14 ngôi sao như vậy trở nên khả kiến (nhìn thấy được). Nếu ghi lại các khoảng thời gian 10 ngày trong năm, các chuyên gia thu được một bảng rất giống với bảng thiên văn trong quan tài.

Do đó, nhiều khả năng việc lựa chọn 12 làm số giờ của đêm (cuối cùng dẫn đến tổng số 24 giờ một ngày) liên quan đến việc lựa chọn một tuần có 10 ngày. Như vậy, giờ của con người ngày nay bắt nguồn từ sự hội tụ của các quyết định cách đây hơn 4.000 năm.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục