Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Học tập và làm theo Bác:
Người bạn của nông dân Phước Ninh
Thứ hai: 15:19 ngày 14/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bà con nông dân ở xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) không ai xa lạ với chị Lâm Thị Có- Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh. Chị Có nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Mọi người biết đến chị, không vì vai trò, vị trí trong công việc, mà bởi những chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân làm ăn.

Chị Lâm Thị Có kiểm tra lại các mặt hàng rau của HTX để chuẩn bị giao cho công ty.

Xã Phước Ninh có hơn 2.500 hộ với trên 9.000 nhân khẩu. Địa bàn rộng, chủ yếu người dân sống bằng nghề nông. Chị nhận thấy đất đai ở Phước Ninh thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, trong khi người nông dân cần cù, nhưng đời sống của họ vẫn chưa thật ổn định bởi giá cả hàng nông sản luôn bấp bênh vì phụ thuộc giá cả thị trường.

Với trăn trở này, chị suy nghĩ và xây dựng nhiều mô hình, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ trồng cây lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác như bắp, nếp, mì, các loại rau màu. Chị định hướng cho nông dân theo mô hình tổ liên kết sản xuất như: nuôi baba, cá lóc; may gia công, đan lát, sản xuất nhang…

Để đảm bảo nguồn ra cho hàng hóa, chị Có chủ động xây dựng dự án và tranh thủ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Hội Nông dân 3,2 tỷ đồng để hỗ trợ 195 hộ vay nuôi ba ba, cá lóc, đan lát, tráng bánh…

Chị phối hợp với công ty TNHH baba Tiền Hậu ở thành phố Hồ Chí Minh để ký kết bao tiêu baba thương phẩm cho nông dân ở ấp Phước An. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình này khá cao nên thu hút nhiều hộ nông dân tham gia. Tổ liên kết nuôi ba ba ban đầu có 18 hộ đến nay có hơn 62 hộ. 

Ngoài ra, chị Có còn vận động cán bộ, hội viên và mạnh thường quân sửa chữa 1 cầu xi măng và xây mới 2 cầu bê tông kiên cố ở ấp Phước An và Phước Lễ với tổng kinh phí gần 160 triệu đồng để việc lưu thông hàng hóa và đi lại của bà con được dễ dàng. 

Cuối năm 2015, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (HTX Phước Ninh) được thành lập. Từ đó đến nay, đã có nhiều cách làm mang lại nguồn thu và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong khoảng 3 tháng gần đây, với sự nhanh nhạy, năng động của mình, chị Có liên hệ với Công ty Cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh để cung ứng rau xanh, sạch.

“Mỗi ngày, HTX chúng tôi phải giao khoảng 4 tấn rau củ quả. Có khoảng 36 mặt hàng rau củ như kinh giới, hẹ, rau thơm, cải ngọt, khoai môn, khoai sọ, hành tím xay, rau muống bào… Chúng tôi làm việc từ sáng đến tận tối, vừa nhập hàng vào, chuyển hàng đi.

Do mới bắt đầu nên hiện tại doanh thu chưa nhiều, nhưng trước mắt chúng tôi kết nối với công ty, giải quyết được đầu ra cho nông sản của bà con nông dân, mỗi ngày giải quyết công việc cho 30-40 lao động tại địa phương”, chị Có cho biết. 

Chị Lâm Thị Có chia sẻ, việc học tập và làm theo gương Bác không có việc gì khó, mà chỉ từ những điều rất giản dị, đời thường. Đó là làm việc hết trách nhiệm, chia sẻ những điều hay, cái mới để tạo điều kiện cho người dân canh tác, làm ăn phát triển; quan tâm với những hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều cách khác nhau.

Năm 2020, khi cả nước đối mặt với dịch bệnh Covid-19, các địa phương phải thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch, chị Có cùng các thành viên trong Ban Chấp hành Hội Nông dân xã tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các biện pháp phòng tránh và tặng khẩu trang.

“Với suy nghĩ, việc dù nhỏ nhưng có ý nghĩa thì mình làm, tôi đã đứng ra vận dộng tổ chức chương trình “Bữa ăn gia đình”, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn do Covid-19 không có việc làm với tổng số tiền trên 36 triệu đồng.

Ngoài ra,  tôi cũng vận động những nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ 500 phần ăn cho các khu cách ly với tổng trị giá trên 44 triệu đồng; vận động được hơn 100 triệu đồng để phát quà, hỗ trợ người nghèo; lắp đèn năng lượng mặt trời”- chị Có nhớ lại.

Chị vận động hội viên Nông dân cùng tham gia thực hiện mô hình “Ống tre Bác Hồ” ở 6/6 chi hội Nông dân. Từ số tiền tiết kiệm được, trong 5 năm qua, chị Có cùng các chi hội trao tặng 122 suất học bổng cho con em hội viên nông dân nghèo hiếu học, trị giá trên 30 triệu đồng. Mô hình “Hũ gạo tình thương” tiết kiệm được 450 triệu đồng, mỗi tháng giúp cho 25 hộ người già, người tàn tật, neo đơn, mỗi hoàn cảnh 300 ngàn đồng.

“Tôi học ở Bác tinh thần tiết kiệm cả trong chi tiêu hằng ngày của mình. Tôi có kế hoạch chi tiêu hợp lý, không xa xỉ. Trong nơi làm việc cũng vậy, từ những việc nhỏ nhất như tiết kiệm giấy, viết để ghi chép, hay tắt điện, nước khi không sử dụng, đi họp luôn đúng giờ, tận dụng thời gian tập trung vào giải quyết công việc chuyên môn. Nhờ tiết kiệm, chúng tôi đã dành được 1 khoản tiền, tự trang bị cho Hội 2 dàn máy vi tính, 2 máy in để phục vụ cho chuyên môn”- chị Có bộc bạch. 

Tận tâm, hết mình vì cái chung, chị Có luôn là chỗ dựa, là người bạn đồng hành tin yêu của người nông dân Phước Ninh. Với những đóng góp tích cực, chị Lâm Thị Có được Trung ương Hội Nông dân, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen.

Năm 2021, chị được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì những thành tích đạt được trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

N.D

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh