Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người cha
Thứ bảy: 10:11 ngày 07/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cha chị đi qua đi lại dòm cái này ngó cái kia trong bếp, rồi hỏi lu gạo mày ở đâu, tao mua giùm cho 1-2 bao nhé. Nga nó uýnh U-ka-rai-na rồi, chiến tranh thế giới tới rồi, trữ gạo mà ăn, để đói.

Cha chị đã sắp tám mươi, cái tuổi đã đi qua chiến tranh, nghèo khổ biết mấy lần nên có lẽ cái đói ám ảnh ông mất rồi. Hồi trong tâm dịch cũng vậy, có bao nhiêu tiền dành dụm cha đều đem ra mua gạo, rằng dịch biết bao giờ hết, nhà mười mấy người ở liền kề nhau, thịt cá gì không biết, chứ có gạo là yên tâm. Vậy nên bao nhiêu thùng nhựa, nồi to trong nhà đều lôi ra đựng gạo. Hàng chục bao cha mua về đó, rồi tâm dịch cũng đi qua, cuộc sống trở lại bình thường mới, chị em chị phải đem số gạo đó cho mọi người ăn phụ. Giờ thì tới chiến tranh ở trời tây cũng làm cha bận lòng như vậy.

- Dạ thôi cha ạ, có con với bé Bo, 1 bao ăn hai tháng chưa hết, mua làm gì!

- Ừ, hai mẹ con thì ăn không bao nhiêu nhưng có vài bao trong nhà cũng yên tâm con ạ.

- Dạ để từ từ con mua.

- Mà tao hỏi thiệt, thằng chồng cà chớn của mày ra đi để lại cho mày bao nhiêu nợ vậy?

- Dạ cũng ít thôi cha, chắc con trả được.

- Chắc có nghĩa là không chắc nha con. Sao tao mệt cho đời mày quá, người ta nói “con gái nhờ đức cha”, không lẽ tao thất đức lắm sao mà con gái tao lận đận vậy!

Chị cúi đầu cho câu cảm thán đầy nỗi niềm của cha. Bởi ngay cả bản thân mình, chị cũng không biết vì sao mình vô phúc trong đường tình duyên vậy.

Người chồng đầu tiên chị lấy thuở đôi mươi, nghèo túng đói khổ có nhau nhưng yên ấm vì dù sao cũng có với nhau hai mặt con. Rồi trong một cuộc làm ăn anh bị thua lỗ đến không còn đồng nào vực dậy kinh doanh nữa. Bỗng có người bạn quen không thân lắm, gạ anh rằng anh ta có thể giúp anh vực dậy công việc với một điều kiện “hãy để vợ anh ngủ với tôi một đêm”.

Con người đốn mạt mà chị đã gọi là chồng suốt 9 năm ấy không những không đấm vào mặt người bạn kia, mà còn đem câu chuyện về nói với vợ và yêu cầu: “Có mất mát gì đâu, em giúp anh nhé, sau đêm ấy em cũng trở về với anh mà”.

Chị không cho phép người khác rẻ rúng mình như vậy, nhất là kẻ ấy chị đã gọi là chồng. Nên một phút ba mươi giây, chị làm đơn ly hôn với con người hèn hạ đó.

Toà xử cho chị được nuôi hai con, vì đứa nhỏ mới 5 tuổi, tất nhiên được giao cho mẹ. Ðứa lớn 8 tuổi thì hỏi ý kiến bé, nó cho biết: “Muốn ở với mẹ với em vì ba toàn uống rượu thôi”.

Cuộc hôn nhân đầu đời khép lại khi chị 31 tuổi. Tay nách hai con về tá túc trong nhà cha mẹ ruột. Rồi cha chị vừa làm ông ngoại, vừa làm người cha thứ hai của hai cậu bé lên 5 lên 8 ấy. Những trò ngựa ông nhong nhong hay thắt lá dừa làm con rết, cào cào, vấn kèn lá… đều do cha chị chơi với các con chị. Lớn hơn một chút, chính ông ngoại là người hướng dẫn cho chúng biết cái cuốc, cái cào là gì. Cái ky khác với cần xé như thế nào. Ðâu là cây chanh, đâu là cây bưởi, cây tắc trái nhỏ hơn chanh nhé. Kia là dây tiêu cho ta hạt tiêu lúc kho cá, trái ớt hiểm khác trái ớt xiêm rừng như thế nào. À còn chuối xiêm và chuối mật khác gì nhau. Chuối già và chuối nàng tiên cách nào phân biệt nữa…

Người cha của chị đã phải làm cha cho một thế hệ nữa bởi hai con trai của chị ngoan ngoãn và chịu học hỏi. Nhưng rồi chính cha bảo chị hãy lập gia đình khác, ba mươi mấy tuổi chưa phải là để “ở goá”.

“Ðất ta cho rồi đó, kiếm thằng chồng nữa, cất nhà ra riêng, nghèo giàu gì cũng phải có cái nhà của mình con ạ, chứ không ai ở chung ở chạ cả đời được. Cha mẹ thì cha mẹ ruột nhưng em trai còn có em dâu con ạ!”.

Chị lấy chồng sau, một người trầm tĩnh biết yêu thương con riêng của vợ. Dành dụm mãi cũng cất được cái nhà hai phòng chưa có công trình phụ. Mấy ngày mùa mưa còn lội ủm ủm ra nhà vệ sinh tuốt sau vườn trong tiếng cười lạ lẫm.

Nhưng rồi đến khi họ có con chung thì mọi việc đã khác hẳn. Sự “khác máu tanh lòng” đã hiện diện ở người đàn ông vừa làm cha vừa làm dượng ấy. Nhưng con thì vẫn là một mẹ. Chị vẫn mua quà bánh thức ăn cho các con bằng nhau, thì anh không đồng ý, nói rằng hai con đã lớn, cơm nguội nước tương gì ăn cũng được, hãy để thịt cá, bánh sữa cho em bé.

Ðỉnh điểm sự cân đo đong đếm ấy là người làm cha dượng đã giật tô thịt kho tàu mà hai thằng con riêng mang ra ăn khi vừa đi học về. Ông bảo: “Ðể chiều cho bé Út về ăn”. Mà bé Út thì mới học lớp mầm.

Ông ngoại thấy hết cả, vì sát vách nhà ông mà. Vậy là ông không đồng ý, vì rằng con nào cũng con, tại sao phải dành cho đứa này ăn khi chưa chắc nó ăn được. Còn hai đứa kia thì bị nhịn trong khi nó cần ăn?

Chồng chị giận, bảo vợ bán đất đưa các con về quê anh sống để không gặp “ông kỳ đà cản mũi” trong việc anh dạy con. Chị đứng giữa cuộc hôn nhân vừa chớm, dù biết rằng chồng “có gì đó sai sai” nhưng chẳng lẽ vì chút sai sai ấy mà ly hôn? Trời ơi, đàn bà chưa 40 mà hai đời chồng thì tiếng đời kinh khủng lắm.

Chị nấn ná với cuộc hôn nhân ấy, với bao lời năn nỉ chồng hãy thương mình mà thương lấy hai đứa trẻ đang thiếu cha kia. Thương luôn giùm con của mình, vì nếu chúng ta không giữ được cuộc hôn nhân này thì bé Út của mình cũng thành đứa trẻ vắng cha như hai anh của nó.

Chồng chị đồng ý không xúi vợ bán đất về quê anh nữa, với điều kiện “Em bảo cha của em đừng can thiệp vào việc dạy con của tôi thì được rồi”.

Nhưng cách “dạy con” của anh kỳ quá. Nuông chiều đến hư hỏng đứa bé, nó muốn ăn kem thì cho một lần hai que; nó ưa gà rán thì mua cả hai phần; nó thích dưa hấu thì xẻ cả dĩa cho nó ăn. Trong khi hai thằng anh thòm thèm thì cha dượng cứ bảo: “Ðể cho em ăn em lớn”.

Cu con 12 tuổi của chị có lẽ hiểu chuyện hơn nên làm thinh. Cu 10 tuổi không chịu thoả hiệp nên hỏi ngược: “Vậy bé Na là con của mẹ, còn hai anh em con không phải là con của mẹ hả chú?”.

Chuyện bé chồng chị xé ra to, cho rằng con của vợ hỗn hào với mình. Anh bế con vượt 200km về quê mình làm chị phải gọi điện và tìm con sáng nhà sáng cửa.

Cha chị lại lao vào phân tích phải trái cho con gái để nó “sáng mắt” ra trong cuộc hôn nhân này. Ðời vẫn có câu “làm cha mẹ nói gian/làm quan nói ác”. Nhưng kiểu “nói gian” của người cha dượng này… gian quá mức cho phép rồi. Thằng bé 10 tuổi nói năng như vậy có gì mà gọi là hỗn hào?

Qua làn sóng âm chập chờn, chồng chị bảo: “Một là cô bán đất đem tiền dắt con về quê tôi cất nhà sinh sống. Hai là bỏ hai con riêng của cô lại cho ông bà ngoại, cô về đây với con chúng ta. Ba là mình chia tay, cô sống với hai con riêng của cô, con tôi, tôi nuôi”.

Chị không thể bán đất, vì đất của cha mẹ cho. Cũng không thể bỏ con lại cho ông bà ngoại, vì ông bà đã già, mà lòng mẹ làm sao có thể bỏ con. Bằng chia tay và chồng nuôi bé Út, thì trời ơi…đứa bé mới bốn tuổi, đêm ngủ còn sờ ti mẹ, thì làm sao sống với cha?

Chị trù trừ giữa ba dòng nước thì… chồng mang bé Út về “Trả con cho cô đấy! Khóc gì mà khóc ngày khóc đêm như quỷ vậy đó. Cô không bán đất về quê tôi, thì bốn mẹ con cạp cục đất này ăn đi. Tôi ra đi, coi thằng khùng nào dám vô gánh bốn mẹ con cô”.

Anh ra đi thật. Sau lá đơn ly hôn đã nộp tại toà.

Chị chênh vênh giữa những đợt sóng đời. Chả biết vì sao mà phải mất chồng lãng xẹt vậy. Nhìn đàn con ngồi bên mâm cơm vào những ngày cuối tháng- khi đồng lương công nhân của chị đã cạn mà lương mới thì còn 10 ngày nữa mới lãnh. Chị thấy cuộc áo cơm sao quá nặng nề. Ngày mai, ngày kia, ngày kìa… lấy gì cho con ăn nhỉ?

Cha chị lại vươn tay ra. Mấy quả mít non đèo đẹt trong vườn cùng trái dừa khô cũng thành món ăn cho bọn trẻ với tên gọi “thịt rồng hầm sữa ong chúa” làm bọn chúng cười nắc nẻ. Ðu đủ nấu canh là thường rồi. Ông ngoại hướng dẫn hai cu con của chị làm món gỏi đu đủ, mắm thái đu đủ, dưa mắm đu đủ cho bọn chúng ăn dần mà cũng là đổi món lạ miệng. Mấy cây dừa bị đuông ăn thì ba ông cháu ngả xuống, chặt lấy “củ hủ” để làm món xào, món dưa chua, món hầm xương mà đỡ tiền chợ.

Khi con vào tuổi thanh niên, những thay đổi của cơ thể chúng đem hỏi mẹ làm chị… lúng túng theo. Rồi con muốn khoan tường bắt ốc vít, muốn sửa xe, sửa máy bơm, sửa điện… người làm mẹ đều không biết làm sao để dạy con. Nhà có dột cũng thuê người tới dọi. Máy bơm hư cũng phải đem ra tiệm.

Mấy thằng con xuýt xoa: “Phải mà có ba há, ba dạy mình làm, vài lần thôi là mình rành sáu câu”.

Bốn mươi tuổi chưa phải là hết đời. Một vài người đàn ông vẫn tìm đến chị. Có người “bỏ dép chạy lấy người” khi thấy “đoàn quân con” ra chào khách. Có người không chạy, nhưng yêu cầu chị hãy… để con lại nhà và về nhà anh sống nếu ta lấy nhau. Chị thì yêu cầu lại: “Em không thể bỏ con, nếu anh thương em hãy về nhà em sống, bảo đảm mẹ con em sẽ cho anh một mái gia đình”.

Rồi cũng có người đàn ông chịu về nhà chị sống với vai trò là chồng, là cha của ba đứa con. Những đứa trẻ thiếu cha từ nhỏ nên tự dưng đối xử tốt với người đàn ông ân cần với nó.

Nhưng rồi niềm vui chẳng kéo dài…

Nợ tới tìm anh ngày một đông. Hai triệu, ba triệu, năm triệu, tám triệu, chục triệu, vài chục triệu… Họ chửi bới mắng mỏ khiến chị như từ cung trăng rơi xuống. Mời họ ngồi uống nước, hỏi nguồn gốc nợ nần. Nợ cũ trước khi lấy chị cũng có, nợ mới “nó mượn về lo cho gia đình” càng nhiều.

Chủ nợ bảo chồng chị mượn nói về lo cho gia đình.

- Hình hai vợ chồng đăng đầy phây-búc hằng ngày, làm sao mà tui không tin?

- Ừ, ai chả biết nó sống với cô, người có sẵn ba đứa con, nó đem tiền về lo cho vợ con là đúng rồi. Chứ còn đem tiền đi đâu nữa.

- Ôi tại nó ngu, làm cho đã rồi nuôi con người ta, đến chết cũng còn con c… không chứ có cái gì. Bày đặt mượn nợ về lo cho gia đình rồi trả không được, mắc công tui đi đòi.

Nợ oan đổ ụp lên đầu chị. Bởi thật sự anh có đem tiền về nhà đâu. Con chị, đứa 20, đứa 18 đã đi làm có tiền hết rồi. Ngay cả bản thân anh cũng không cần đóng góp phần nào gọi là sinh hoạt phí. Tiền anh làm ra, chị đồng ý để anh sử dụng riêng, vì anh cũng có con riêng. Nhà chị đây anh cứ ở, giường chị có sẵn anh cứ ngủ, cơm trên bàn đó, anh cứ ăn. Chỉ là chị cần có người “làm cha” bầy con mình, dạy cho chúng những việc con trai, những kỹ năng sống của người đàn ông mà thôi.

Vậy mà anh để chị mang tiếng vì “đem tiền về lo cho vợ con” là sao?

Chị hờn dỗi. Anh nỉ non.

Một lần.

Hai lần.

Ba lần.

Năm lần.

Mười hai lần.

Lần “hốt hụi chót” chính là anh mượn của dì ruột anh, rồi anh bỏ đi mất. Dì anh tới tìm chị để đòi tiền. Chị chưng hửng vì chuyện dì cho anh mượn, chị đâu biết. Dì riết róng.

- Mày tính ăn cướp tiền của tao à? Có phải mày vừa bị mất xe không? Thì đó, nó mượn tao tám triệu, nói về mua cái xe này cho mày nè. Nó còn chụp hình cái xe cho tao coi nữa mà.

Chị có mất xe thật, nhưng không phải anh mua lại xe cho vợ, mà là con trai lớn của chị đã nhường cái xe của nó cho mẹ đi, giấy tờ xe còn mang tên nó đây mà.

Chị đem bằng chứng ra cho dì xem, rằng thì là mà cháu chả biết về số nợ anh ấy mượn dì, vì cháu không có hỏi mượn, cũng không cầm tiền dì đưa. Dì ruột của chồng sa sả mắng chị là “đồ ăn cướp” rồi ngoay ngoảy ra về.

Danh sách chủ nợ đến tìm chị sau ngày anh ra đi chắc không bao giờ kết thúc.

May anh chị chưa kịp đăng ký kết hôn, nếu không có lẽ chị phải hầu toà vì nợ của chồng.

Cha chị vẫn hỏi câu hỏi cũ:

- Mà tao hỏi thiệt, thằng chồng cà chớn của mày để lại cho mày nhiêu nợ? Ð.M… vậy mà hồi ở đây còn leo lẻo hà: “Gì chứ năm chục, một trăm là cha muốn, thì mỗi ngày con đều cho cha được”. Tao hỏi mày, nó ở nhà mày còn ở từ thiện, cơm mày nó còn ăn, giường mày nó ngủ bao cấp luôn. Thì lấy tiền đâu cho tao ngày năm chục, một trăm?

- Cha ơi, người ta nói chứ con đâu có nói!

- Thì tao nói vậy á, đàn ông thằng nào cũng nói xạo, nhưng xạo làm sao cho người ta tin, chứ xạo kiểu nó khó tin lắm mày biết không?

- Dạ...

- Dạ cái gì? Tao sợ thằng khác xạo nữa, mày lại tin nữa. Mày tin nữa là mày có tội lắm biết không con? Có tội với tao và có tội với con mày nữa. Người ta chà đạp mình 1 - 2 lần là lỗi của người ta, mà để người ta có cơ hội chà đạp mình hoài là tại mình ngu đó con. Thôi tao về, hông mua mấy bao gạo để dành thì thôi.

Chị gục xuống theo dòng nước mắt.

Ðời có ai muốn mình bất hạnh đâu. Nhưng tại sao chị thật lòng còn người đàn ông của chị luôn ma mãnh vậy. Ba người chồng đi qua cuộc đời chị, đã đủ đại diện cho sự đốn mạt của đàn ông rồi. Chị còn biết tin ai nữa mà cha lo.

Lòng người đời thì mênh mông. Chỉ có lòng người cha là luôn đau đáu vì con gái.

Ð.P.T.T

Tin cùng chuyên mục