Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người chăn nuôi bò thịt lại gặp nhiều khó khăn
Thứ năm: 18:26 ngày 15/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2018, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh là 84.681 con, mỗi năm cung cấp 8.637 tấn thịt hơi. Hiện nay, người chăn nuôi bò thịt không có lợi nhuận cao, trong khi nguồn thức ăn xanh ngày càng giảm nên việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ðã vậy, giá bò hơi tại chuồng liên tục giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Anh Huy chăm sóc đàn bò.

Liên tục “rớt giá”

Do ảnh hưởng của đô thị hoá, diện tích đồng cỏ tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp và nguồn phụ - phế phẩm làm thức ăn cho bò cũng giảm mạnh. Việc chăn nuôi phần lớn là chăn thả tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ từ 4-6 con chiếm tỷ lệ cao (96,8%) nên đạt hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, giá thành cao, chủ yếu là lấy công làm lời. Thị trường tiêu thụ vận hành theo cách thức truyền thống, việc mua bán sản phẩm bò thịt đều thông qua thương lái.

Hiện nay, các cơ sở chế biến sản phẩm từ thịt bò chủ yếu nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu. Tiêu thụ nội tỉnh chỉ chiếm 40% tổng sản lượng thịt hơi sản xuất. Việc tiêu thụ thịt bò còn phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ với các thịt bò đông lạnh nhập khẩu.

Chị T.V.L (ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành) có suy nghĩ đơn giản: “Cỏ đầy ruộng, rơm đầy đồng. Tui sẽ nuôi 4 con bò, mỗi năm sẽ kiếm lời được 50 triệu đồng”. Thế nhưng, đến khi xuất chuồng, chị L không những không có lời mà còn bị lỗ đến 20 triệu đồng chi phí thức ăn cho bò.

Ông T.V.Ð (ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành) cho biết, trước đây, gia đình ông được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi của Nhà nước để mua bò nuôi. Sau gần 2 năm chăm sóc, bò mẹ đẻ ra bê con. Vừa rồi, do mắc bệnh, không còn khả năng lao động nên ông Ð kêu người đến bán bò.

Thương lái đến xem và trả giá hai con bò của ông chỉ… 14 triệu đồng. “Nếu bán bò với số tiền này thì chưa đủ trả nợ ngân hàng, nói chi đến tiền công chăm sóc đã bỏ ra gần 2 năm nay. Thế nên tôi quyết định giữ lại bò để nuôi với hy vọng một thời gian nữa giá sẽ tăng trở lại”- ông Ð buồn rầu nói.

Chất lượng con giống chưa cao

Thời gian qua, sự phát triển của đàn bò còn nhiều hạn chế do người nuôi thiếu kiến thức chăn nuôi, năng suất và chất lượng bò thịt thấp.

Ðồng thời, việc thu mua, buôn bán con giống chủ yếu thông qua thương lái nên cơ quan chuyên môn khó quản lý về nguồn gốc con giống. Thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y chủ yếu nhập từ các tỉnh khác. Mối liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp chưa được hình thành. Năng suất, chất lượng chăn nuôi gần đây có cải thiện nhờ thực hiện chương trình lai tạo giống bò thịt chất lượng cao nhưng số lượng còn hạn chế, người nuôi phải bỏ ra  chi phí cao để tìm mua con giống tốt trên thị trường.

Theo ngành Nông nghiệp, hiện nay, người chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng đàn trở lại nên đã đẩy giá bò giống tăng cao. Giá bò giống đang dao động ở mức 26 - 31 triệu đồng/cặp (hai năm trước chỉ khoảng 19 - 23 triệu đồng/cặp). Trong khi đó, giá bò thịt vẫn ở mức 170.000 - 180.000 đồng/kg. Nếu tình trạng này kéo dài thì khiến người nuôi bò còn gặp nhiều khó khăn.

Anh Út Huy (ngụ xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành) - người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò thịt cho biết, hiện nay giống bò chuyên cho thịt trong tỉnh chưa nhiều. Người dân chủ yếu nuôi giống địa phương và con lai của chúng. Những giống này có năng suất thấp, tiêu tốn thức ăn cao. Vì thế, bò thịt vỗ béo có tỷ lệ mỡ trong phủ tạng cao, thịt không mềm, không thơm ngon. Từ thực tế đó cho thấy, việc chăn nuôi bò thịt trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt là bò thịt chất lượng cao.

Người nuôi bò còn lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi mua bò giống với giá đắt đỏ nhưng đến khi bán giá lại thấp. Anh Nguyễn Văn Cường (ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) cho biết, cách đây 3 năm, anh mua một con bò cái lai sind với giá 20 triệu đồng về nuôi. Ðến nay, bò đã đẻ hai lứa. Vừa rồi, anh bán hai con bò con, một con được 9 triệu đồng và một con được 6 triệu đồng. Theo anh Cường, giá cả trồi sụt, con giống thiếu hụt khiến nhiều người nuôi bò thịt đang có ý định bỏ nghề.

Theo Sở NN&PTNT, Con giống đang dùng chủ yếu là giống bò lai sind kiêm dụng, thiếu con giống hướng thịt năng suất cao. Trình độ và kỹ thuật nuôi của người chăn nuôi thấp. Hiện tỉnh chưa xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong ngành chăn nuôi bò thịt.

Do đó, ngành chăn nuôi bò truyền thống khó có khả năng phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, sức tiêu thụ bò thịt Tây Ninh khá lớn, đồng thời, có các thị trường lớn, tiềm năng như thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng xuất ra tỉnh chiếm 60% sản lượng. Như vậy, tỉnh Tây Ninh có tiềm năng phát triển chăn nuôi bò vỗ béo và giết mổ. Ðịnh hướng trong thời gian tới, tỉnh sẽ quy hoạch vùng trọng tâm chăn nuôi bò thịt nơi có đất đai rộng; phát triển chăn nuôi nông hộ, nâng cao quy mô chăn nuôi, giảm chi phí...

Tỉnh cũng sẽ tăng cường thu hút đầu tư trong chăn nuôi bò thịt vỗ béo, giết mổ và chế biến tiêu thụ sản phẩm. Ðể ngành chăn nuôi bò thịt phát triển bền vững và hiệu quả, tỉnh sẽ hướng tới chăn nuôi chuyên nghiệp, quản lý theo chuỗi. Các mặt hàng từ trang trại tới bàn ăn phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ người tiêu dùng.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục