Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người chăn nuôi chủ động tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò
Chủ nhật: 09:57 ngày 26/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 3.874 hộ chăn nuôi thuộc 92 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố, làm 7.497 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 1.221 con bò chết do bệnh.

Không nên chăn thả trâu, bò chung trên cánh đồng, trong thời điểm có dịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 105.099 con trâu, bò; sản lượng 2.745 tấn. Có 317 trang trại chăn nuôi (quy mô từ 16 con trở lên) với tổng đàn 18.954 con, có 14.800 cơ sở chăn nuôi nông hộ (quy mô dưới 16 con) với tổng đàn 86.145 con.

Tỷ lệ chăn nuôi trâu, bò trang trại chiếm 22,0%, có 1 cơ sở chăn nuôi trâu bò được chứng nhận GLOBAL GAP, 1 cơ sở được chứng nhận VietGAHP và 2 cơ sở chăn nuôi bò được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, nhờ làm tốt công tác tiêm phòng nên một số loại bệnh truyền nguy hiểm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng… không xảy ra trên đàn trâu, bò của tỉnh. Ngày 7.7.2021, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được phát hiện lần đầu tiên tại 3 hộ chăn nuôi ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành; đến nay, dịch bệnh xảy ra tại 3.874 hộ chăn nuôi thuộc 92 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố làm 7.497 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 1.221 con bò chết do bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tập trung triển khai giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Tính đến ngày 22.9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng được 56.858 liều vaccine phòng viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò ở các khu vực xảy ra bệnh và một số khu vực có nguy cơ cao. 

Trong đó, có 40.172 liều từ nguồn ngân sách tỉnh tiêm phòng cho các nông hộ chăn nuôi, 14.986 liều do các trang trại, nông hộ chăn nuôi tự mua và thực hiện tiêm phòng, 1.700 liều do Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thành Thúc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không gây bệnh trên người.

Đường lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh chủ yếu xảy ra vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, tổn thương da, giảm tăng trọng và vật nuôi có thể chết.

Cũng theo ông Thúc, viêm da nổi cục trên trâu, bò là loại bệnh mới lần đầu xuất hiện tại nước ta, lại phát sinh trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch.

Do đó, các hoạt động phòng, chống dịch viêm da nổi cục như: tiêm phòng, tiêu độc sát trùng, lấy mẫu, gửi mẫu, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn; cán bộ kỹ thuật và người chăn nuôi còn lúng túng trong phòng, chống dịch. Hiện nay, biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục là đẩy mạnh tiêm phòng vaccine.

Người chăn nuôi cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò- Ảnh minh hoạ

Do đặc điểm của vaccine viêm da nổi cục chậm có hiệu lực bảo hộ (trên 21 ngày), trong khi đó, việc mua sắm vaccine từ nguồn ngân sách cần có thời gian; nếu trông chờ vào nguồn hỗ trợ của nhà nước sẽ làm chậm tiến độ thực hiện tiêm phòng, dịch bệnh bùng phát mạnh hơn; do vậy cần sự chung tay của người chăn nuôi trong việc khống chế dịch bệnh.

Hiện giá 1 liều vaccine viêm da nổi cục chỉ 35.000 đồng (không kể chi phí vận chuyển, bảo quản), trong khi giá trị mỗi con trâu, bò lớn, bình quân khoảng 15 triệu đồng/con. Vì vậy, chi phí bỏ ra để phòng bệnh là rất thấp, người chăn nuôi nên chủ động mua và tranh thủ tiêm phòng cho đàn trâu, bò để tạo miễn dịch, hạn chế nguy cơ xảy ra dịch bệnh, tránh gây thiệt hại kinh tế.

Để kịp thời tổ chức tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục, người chăn nuôi có thể đăng ký mua và đề nghị hướng dẫn tiêm ngừa với Ban Chăn nuôi và Thú y các xã, phường, thị trấn hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo sử dụng 2 loại vaccine đang cho hiệu quả phòng bệnh viêm da nổi cục rất tốt là Lumpivac (lọ 25 liều) và Mevac (lọ 10 liều), bà con chăn nuôi có thể lựa chọn một trong hai loại trên để tiêm phòng cho đàn trâu, bò.

Ngoài việc tiêm vaccine, người chăn nuôi cần thực hiện một số biện pháp phòng dịch viêm da nổi cục cho trâu, bò như: không chăn thả trâu, bò chung trên cùng cánh đồng, trong thời điểm có dịch; hạn chế người và động vật vào khu vực nuôi; vệ sinh sạch sẽ, phát quang cây, cỏ xung quanh chuồng trại chăn nuôi; thường xuyên rải vôi và phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng khi không có dịch bệnh ít nhất 1 lần/tuần; trong vùng có dịch bệnh xảy ra thì ít nhất 1 lần/ngày; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn trâu, bò; kiểm tra chuồng trại, sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình chăn nuôi để đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo, thông thoáng, không bị dột, ẩm thấp.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục